Tổng thống Putin sẽ được trao thêm quyền lực khi làm Thủ tướng

Thứ Ba, 15/04/2008, 10:36
Ngoài các quyền hạn được quy định trước đây như quản lý, giải quyết các vấn đề kinh tế, giờ đây, Thủ tướng Nga (rất có thể là ông Putin) đang được trao thêm quyền lực về chính trị, an ninh hay nói chính xác hơn là quyền giám sát các vùng miền của toàn Liên bang...

Chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa, Tổng thống mới đắc cử ở Nga Dmitry Medvedev sẽ tuyên thệ nhậm chức. Ngay sau đó là sự phê chuẩn của Quốc hội cho việc bầu chọn đương kim Tổng thống Vladimir Putin vào vị trí Thủ tướng.

Các vị trí quyền lực của nước Nga đang được hoán đổi và các chính trị gia ở Moskva đang thực hiện từng bước để cuộc chuyển giao này không hề chệch hướng của sự phát triển đất nước.

Trao quyền Chủ tịch đảng

Nguồn tin từ báo chí Nga cho biết, các thành viên đảng nước Nga thống nhất đang đề nghị Tổng thống Vladimir Putin giữ vị trí Chủ tịch đảng cho dù ông không phải là thành viên.

Nếu chấp nhận lời mời này, ông Vladimir Putin nghiễm nhiên được mở rộng quyền lực và có thể được tại vị Thủ tướng lâu hơn thời gian quy định. Mặc dù điện Kremlin chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin này song xem ra Tổng thống mới đắc cử Dmitry Medvedev lại rất ủng hộ ý kiến của lãnh đạo đảng Nước Nga thống nhất.

Ông Boris Gryzlov, người đứng đầu đảng Nước Nga thống nhất đồng thời là Chủ tịch Hạ viện nói: "Nếu Tổng thống Vladimir Putin trở thành Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, đây sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho nước Nga. Trước khi đưa ra đề nghị này, chúng tôi đã tham khảo các ý kiến khác nhau trong Quốc hội và cá nhân tôi cho rằng chúng tôi đã có quyết định đúng đắn".

Các kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 10 năm ngoài cũng cho thấy có tới 64,3% người được hỏi đồng tình với đề xuất nói trên. Các nhà phân tích nhận định rằng nắm giữ vị trí cao nhất trong đảng lớn nhất của nước Nga là cách thích hợp để Tổng thống Vladimir Putin duy trì ảnh hưởng của mình, giữ độ thân thiết và tin cậy với Kremlin cũng như nắm chắc hơn sự ủng hộ từ phía Quốc hội.

Ngay cả khi nếu Tổng thống muốn sa thải Thủ tướng thì ông Putin vẫn còn chỗ dựa vững chắc là đảng Nước Nga thống nhất, người đang nắm đa số phiếu trong Hạ viện.

Giám sát các cơ quan nhà nước

Năm nay 55 tuổi, Tổng thống Vladimir Putin được coi là chính trị gia nổi bật nhất của Nga trong thời hiện đại. Sau 8 năm cầm quyền, ông đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga phát triển, nâng cao vị thế của chính quyền Moskva trên trường quốc tế.

Trước đây, trong cuộc họp của đảng Nước Nga thống nhất hồi năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định rằng ông chỉ đồng ý làm Thủ tướng sau khi Tổng thống mới đắc cử Dmitry Medvedev tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/5 tới.

Vì vậy, việc ông Dmitry Medvedev và ông Putin sẽ cùng điều hành đất nước đã khiến nhiều nhà đầu tư cũng như các nhà phân tích đưa ra nhiều lý giải và giả định khác nhau. Câu hỏi của họ luôn là quyền lực dành cho Thủ tướng Vladimir Putin lúc bấy giờ là như thế nào và Tổng thống Dmitry Medvedev sẽ xử sự ra sao với người thầy của mình.

Còn các nhà đầu tư thì mong muốn sự ổn định chính trị ở Nga bởi nó là chìa khóa cho việc tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

Tin từ nhật báo Vedomosti ngày 11/4 cho biết, khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Vladimir Putin sẽ là người giám sát đội ngũ phái viên Tổng thống gồm 7 người. Điều này có nghĩa là nhóm phái viên sẽ thuộc quyền quản lý của Chính phủ.

Như vậy, một phần quyền của Thủ tướng đã được gia tăng bởi khi tiếp quản vị trí chủ nhân điện Kremlin từ người tiền nhiệm Boris Yeltsin, Tổng thống Vladimir Putin đã thành lập nhóm phái viên nhằm củng cố khả năng kiểm soát của Moskva đối với các khu vực trên toàn liên bang giữa lúc đang tiềm ẩn những bất ổn vào thời kỳ hậu Xô Viết.

Một thay đổi nữa cũng đáng chú ý là các phái viên này cũng được trao thêm quyền lực là tạo ra sự kết nối giữa chính quyền liên bang với các vùng, đảm bảo sự tuân thủ của pháp luật vùng với luật pháp liên bang, tư vấn cho Tổng thống về các ứng cử viên Thống đốc bang...

Riêng với vấn đề kinh tế, các phái viên phải báo cáo với Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Như vậy, ngoài các quyền hạn được quy định trước đây như quản lý, giải quyết các vấn đề kinh tế, giờ đây, Thủ tướng Nga đang được trao thêm quyền lực về chính trị, an ninh hay nói chính xác hơn là quyền giám sát các vùng miền của toàn Liên bang

Huyền Chi
.
.
.