Tổng thống Obama thừa nhận tiêu diệt IS là nhiệm vụ khó khăn

Thứ Sáu, 10/10/2014, 09:18
Đó là lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp diễn ra vào sáng 9/10 (giờ Việt Nam) tại Lầu Năm Góc với các Tư lệnh hàng đầu của quân đội Mỹ liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey… Theo ông Martin Dempsey, để đánh bại được IS, Mỹ cần hợp tác với các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của các nước sở tại.

Khó khăn chồng chất

Phát biểu tại cuộc họp, ông Obama khẳng định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đối tác trong các cuộc không kích. Đây vẫn là một nhiệm vụ khó khăn và sẽ không thể được giải quyết sau một đêm. Điều đáng mừng là hiện có một sự đồng thuận rộng rãi, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới rằng Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và trật tự thế giới, và cần phải thực thi những hành động thiết thực để đối phó với cách hành xử man rợ của tổ chức này. Ông Obama nhấn mạnh: “Tôi tin rằng chúng ta có thể tiếp tục đạt được sự tiến triển trong việc cộng tác với Chính phủ Iraq”.

Về phần mình, Tướng Martin Dempsey nêu rõ việc lần theo dấu vết của IS tự xưng thực sự là một thách thức, vì lực lượng này hoạt động rất tinh vi, bài bản. Ông Martin Dempsey cho rằng, để đánh bại được IS, Mỹ cần hợp tác với các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của các nước sở tại. Để giải quyết vấn đề này, ngay sau cuộc họp trên, Tổng thống Obama đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngay tại trụ sở Bộ Quốc phòng, để thảo luận các nỗ lực xây dựng lại quân đội Iraq vốn đã rệu rã; huấn luyện và vũ trang cho các nhóm đối lập Syria mà Washington hy vọng sẽ tham gia cuộc chiến trên bộ chống lực lượng phiến quân IS thay cho các binh sỹ Mỹ và phương Tây.

Hai cuộc họp cấp cao này diễn ra trong bối cảnh đã xuất hiện những quan ngại là liệu chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu có đang phát huy hiệu quả, và liệu Tổng thống Obama có thể thực hiện lời hứa đánh bại IS mà các binh sỹ Mỹ sẽ không phải tham gia vào cuộc chiến trên bộ. Mỹ đang huấn luyện và vũ trang cho 5.000 tay súng đối lập tại Syria song đây sẽ là công việc mất nhiều tháng vì tất cả mới chỉ ở giai đoạn đầu. Washington được cho là đang sử dụng chiến dịch không kích để kéo dài thời gian đào tạo cho các tay súng thuộc phe đối lập “ôn hòa” ở Syria và quân chính phủ Iraq.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên quân tại thị trấn Kobane hôm 8/10. Ảnh: Washingtonpost.

Cùng ngày, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, liên quân đã tiến hành 8 đợt không kích quanh thị trấn Kobane được cho là đang rơi vào tay IS và phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng của IS, trong đó có 5 xe quân sự và một sở kiểm soát. Mặc dù hiện các dân quân người Kurd vẫn đang kiểm soát hầu hết thị trấn này và tiến hành các đợt phản công IS, nhưng theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tướng John Kirby, chiến dịch không kích không đủ để cứu Kobane và IS có thể sẽ tiếp tục đánh chiếm được thêm nhiều khu vực khác. Ông Kirby cho rằng để đánh bại được IS, Mỹ cần hợp tác với các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của các nước sở tại. Tuy nhiên, Mỹ hiện không có các đối tác như vậy tại cả Syria và Iraq.

Cũng trong ngày 9/10, trong một động thái nhằm tăng cường nỗ lực chống IS, chính phủ Canada cáo buộc 80 người, là công dân hoặc người đang cư trú tại Canada, có liên hệ với khủng bố. Theo cơ quan an ninh Canada, không phải toàn bộ 80 người trên đều tham gia chiến đấu trực tiếp trong hàng ngũ IS, mà có nhiều người chỉ tham gia gây quỹ hoặc tuyên truyền cho tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Trước đó, tối 8/10, Không quân Australia đã ném hai quả bom vào một cơ sở của IS tại Iraq. Đây là đợt không kích đầu tiên của quân đội Australia nhằm vào IS kể từ khi bắt đầu các nhiệm vụ chiến đấu từ ngày 5/10.

Giới chức Mỹ bất đồng về ý tưởng mới

Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS vẫn còn nhiều khó khăn, Mỹ và Anh ngày 8/10 cho biết đang cân nhắc ý tưởng thiết lập một vùng đệm dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để bảo vệ an toàn cho dân thường. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Philip Hammond tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ý tưởng này đáng để xem xét và cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Anh cho biết Washington và London sẽ cùng các đồng minh và đối tác nghiên cứu việc lập vùng đệm, cũng như xác định quy mô và quy chế hoạt động của khu vực đặc biệt này. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Anh nhấn mạnh không muốn thiết lập vùng đệm trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Mỹ và Anh. Chính quyền Ankara cũng ủng hộ việc thiết lập một khu vực an toàn và vùng cấm bay dọc biên giới với Syria để làm nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn dân thường đang phải tháo chạy khỏi sự tấn công của IS tại thị trấn biên giới Kobane ở miền Bắc Syria.

Theo đánh giá của giới phân tích, nếu một vùng đệm được thiết lập thì đây sẽ là sự chuyển hướng quan trọng của vai trò quân đội Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki không đánh giá cao đề xuất tạo ra vùng đệm. Nhà Trắng cũng ra tuyên bố phủ nhận việc lập kế hoạch thiết lập một vùng đệm an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria...

Hà Khổng
.
.
.