Tổng thống Obama lần đầu phát biểu trước Quốc hội

Thứ Năm, 26/02/2009, 11:04

Bài phát biểu trước Quốc hội tối 24/2 (khoảng 9h15' ngày 25/2, theo giờ Việt Nam) của Tổng thống Barack Obama đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nước Mỹ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, lần đầu tiên phát biểu trước lưỡng viện. "Mỹ sẽ hùng mạnh hơn, sẽ nổi lên hơn bao giờ hết sau cuộc khủng hoảng tài chính", đó là tuyên bố của Tổng thống Barack Obama khi bắt đầu bài diễn văn trước lưỡng viện. Và để làm được điều này, người Mỹ phải đoàn kết mới có thể cùng nhau vực dậy nền kinh tế đang trong cơn lốc của cuộc suy thoái.

Ông Barack Obama cũng cảnh tỉnh người dân Mỹ trong việc chi tiêu và tiêu dùng hiện nay - kỷ nguyên chi tiêu phung phí phải chấm dứt. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, thông qua "kế hoạch 787 tỷ USD", Quốc hội đã đem lại sức sống mới cho nền kinh tế và việc cắt giảm thuế cho 95% người dân Mỹ sẽ được thực hiện từ 1/4.

Ông Barack Obama đã yêu cầu các ngân hàng và Giám đốc ngân hàng nhận tiền từ ngân sách liên bang phải có trách nhiệm với số tiền đó - đây không phải việc trợ giúp ngân hàng, mà là trợ giúp người dân. Tổng thống Barack Obama cũng đề cập tới sự an toàn của hệ thống tài chính Mỹ - tiền gửi ngân hàng là an toàn, bảo hiểm là an toàn.

Thứ hai, đưa ra những chính sách và quyết sách mới. Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD vừa được lưỡng viện thông qua - không những tạo cơ hội cho 3,5 triệu công ăn việc làm, mà còn giúp phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Ưu tiên chính sách đối nội là trọng tâm của bài diễn văn mà ông Barack Obama vừa đọc trước lưỡng viện. Dư luận coi đây là sự khôn ngoan của Tổng thống trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế hiện nay.

Nhiều người coi bài phát biểu trước lưỡng viện của ông Barack Obama giống như "Thông điệp liên bang" gửi tới toàn dân Mỹ. Chỉ mới hơn 1 tháng nhậm chức, nhưng ông Barack Obama đã thuyết phục lưỡng viện thông qua "kế hoạch 787 tỷ USD". Dự kiến tới cuối tuần này, ông Barack Obama sẽ công bố ngân sách của chính phủ, trong đó coi trọng việc giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Barack Obama đã bắt đầu rà soát lại ngân sách liên bang để loại bỏ các chương trình chi tiêu lãng phí và không hiệu quả, trong đó có việc chấm dứt các chương trình giáo dục không hiệu quả, dừng các khoản hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp nông nghiệp lớn, sẽ loại bỏ các hợp đồng không qua đấu thầu, sẽ cải cách lại ngân sách quốc phòng, sẽ loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chương trình chăm sóc y tế Medicare, chấm dứt việc giảm thuế cho các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài.

Nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cũng đồng nghĩa với việc ông Barack Obama lãnh trách nhiệm giải quyết khoản thâm hụt ngân sách lên tới 1.300 tỷ USD từ chính phủ trước. Ông Barack Obama nhấn mạnh, khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ đã khiến cho cuộc cải cách trên diện rộng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ông Barack Obama cam kết sẽ cắt giảm khoản thâm hụt này xuống còn 50% vào cuối nhiệm kỳ. Ông Barack Obama cho rằng, nếu không hành động, khoản thâm hụt dài hạn sẽ tồi tệ hơn và cách duy nhất để phục hồi hoàn toàn sức mạnh kinh tế Mỹ là đầu tư dài hạn.

Thứ ba, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nước Mỹ. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, tác động của cuộc suy thoái kinh tế là thực và hiện diện ở khắp nơi. Tuy nhiên, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ không phải xuất phát từ cuộc khủng hoảng địa ốc hay sự lao dốc của thị trường chứng khoán, mà còn bởi những nguyên nhân khác, trong đó có việc phụ thuộc vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới.

Ngoài ra, còn phải kể tới việc nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn trước, của sự trì hoãn cải cách đối với việc chi phí chăm sóc y tế, cũng như những khoản nợ khác (cả cá nhân và chính phủ). Tổng thống Barack Obama đề nghị người dân Mỹ dũng cảm đối mặt với mọi thách thức và chịu trách nhiệm về tương lai của mình - không chỉ phục hồi nền kinh tế, mà còn xây dựng một nền tảng mới cho sự thịnh vượng lâu dài. Ông Barack Obama yêu cầu phải tái khởi động hoạt động cho vay tiền và đầu tư vào những lĩnh vực như năng lượng, chăm sóc y tế và giáo dục.

Tuy ưu tiên đối nội, nhưng ông Barack Obama cũng đề cập tới công tác đối ngoại, theo đó, Washington đang xem xét lại "sứ mệnh" của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Tổng thống Barack Obama cam kết một chiến lược mới và toàn diện cho AfghanistanPakistan nhằm đánh bại Al Qaeda và chủ nghĩa cực đoan. Tuy không đề cập tới Iran, nhưng dư luận đều coi chương trình hạt nhân của nước này là một thách thức lớn đối với Tổng thống Barack Obama. Theo giới truyền thông, Tổng thống Barack Obama có thể rút quân khỏi Iraq trong vòng 19 tháng tới.

Bài phát biểu của ông Barack Obama được đưa ra trong bối cảnh tân Tổng thống mới nhậm chức hơn 1 tháng và tỷ lệ ủng hộ của cử tri vẫn ở mức cao. Theo kết quả thăm dò do tờ Washington Post và hãng ABC News công bố hôm 23/2, đa số dân Mỹ ủng hộ kế hoạch hồi sinh nền kinh tế của Tổng thống Barack Obama. Theo đó, 68% hài lòng với cách điều hành của ông Barack Obama, 64% đồng tình với "kế hoạch 787 tỷ USD"

Cũng trong ngày 24/2 (theo giờ địa phương), điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã tuyên bố, theo đó cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ có thể kéo dài đến 2010. Ông Ben Bernanke nhấn mạnh, nếu Tổng thống Barack Obama và Ngân hàng Trung ương có thể khôi phục sự bình ổn tài chính bằng những biện pháp thích hợp thì 2010 sẽ là năm hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông Ben Bernanke cũng cảnh báo, để nền kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn phải mất từ 2 năm đến 3 năm sau đó.

Theo giới kinh tế, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra đến nay, FED đã cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng 0, nhưng hiệu quả vẫn chưa hiện hữu. Theo thống kê, trong tháng 2, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức kỷ lục kể từ năm 1967 đến nay. Bên cạnh đó là dấu hiệu "lao dốc" của thị trường bất động sản cũng đang ở mức báo động

Quốc Trung
.
.
.