Tổng thống Mỹ và Quốc hội đàm phán về “vực thẳm ngân sách”

Thứ Bảy, 29/12/2012, 11:10
Ngày 28/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi lãnh đạo các đảng phái trong Quốc hội cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách tháo gỡ cái gọi là “vực thẳm ngân sách” đang khiến Nhà Trắng và Quốc hội không những không đạt được thỏa thuận về mức chi tiêu công và thuế, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình phục hồi rất mong manh của nền kinh tế Mỹ.

Theo tin từ hãng BBC, Tổng thống Barack Obama đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và mừng năm mới của ông tại Hawaii để về tái khởi động cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Quốc hội. Cuộc họp diễn ra vào lúc 15h, giờ địa phương (tức 21h, giờ Việt Nam) với sự tham gia của Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện John Boeher, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nacy Pelosi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.

Như vậy, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ chỉ có 4 ngày để đi đến một thỏa thuận chung trước khi các đạo luật về giảm thuế tạm thời hết hiệu lực, tức là thuế sẽ tự động tăng và ngân sách liên bang thì tự động cắt giảm ngay từ đầu năm 2013 với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cắt ngắn chuyến nghỉ ở Hawaii để về chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội để tìm kiếm một thỏa thuận mới nhằm tháo gỡ “vực thẳm ngân sách”.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt nhiều khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ hơn 16.000 tỉ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, nếu kịch bản “vực thẳm tài chính” xảy ra, thực sự đây không chỉ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế còn ốm yếu của nước Mỹ mà còn đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi vào cuộc suy thoái mới. Cũng phải nói thêm rằng, trong vòng một năm qua, thấp thỏm lo âu theo dõi các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và Quốc hội, lòng tin của người Mỹ cũng đã sụt giảm nghiêm trọng, từ 71,5% xuống còn 65,1%. Nhiều ý kiến cho rằng, những cãi cọ, tranh chấp tại Washington đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp ở Mỹ.

Kết quả một cuộc thăm dò mới đây do Reuters và Ipsos thực hiện còn cho thấy, người Mỹ đã đổ lỗi cho phe Cộng hòa ở Quốc hội (27%) nhiều hơn Tổng thống Obama (16%) hoặc phe Dân chủ ở Quốc hội (6%) về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay của quốc gia này. Vì vậy, để cải thiện tình hình hiện nay và cố vớt vát lại hy vọng cho người dân Mỹ, Chủ tịch Hạ viện John Boeher hôm 27/12 cũng tuyên bố, Hạ viện Mỹ sẽ họp lần cuối vào ngày 30/12 để bàn về vấn đề ngân sách nhằm tránh chương trình tự động tăng thuế và giảm chi tiêu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Những bất đồng giữa Tổng thống Barack Obama, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bắt đầu xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái và trong thời gian gần đây, nó trở thành những tranh cãi không thể điều hòa. Cụ thể, sau nhiều cuộc đàm phán, hai bên không thể tìm được sự đồng thuận về việc có nên chỉ tăng thuế cho những người giàu hay không và cắt giảm chi tiêu bao nhiêu là đủ. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đảng Dân chủ ủng hộ việc gia hạn phần lớn các loại cắt giảm thuế được thông qua dưới thời Tổng thống George W.Bush và áp dụng mức cao hơn của những năm 1990 đối với các khung thu nhập hàng đầu; ông Barack Obama còn vận động tái cử bằng việc giữ mức thuế suất thấp hơn hiện hành với các gia đình có thu nhập lên đến 250.000 USD.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa phản đối bất kỳ loại tăng thuế suất nào. Hôm 20/12, đảng Cộng hòa còn hối thúc Hạ viện thông qua dự luật giảm chi tiêu nhưng cuối cùng phải hoãn biểu quyết và bác bỏ kế hoạch gia hạn thuế cho người thu nhập trên 1 triệu USD/năm do Chủ tịch John Boehner đề xuất vì kế hoạch này ngay từ đầu đã không nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng và Tổng thống Obama và có nguy cơ không thông qua ở Thượng viện.

Lo ngại trước những cảnh báo của nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, hôm 26/12, Tổng thống Barack Obama cũng đã có cuộc đàm phán riêng với lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.

Tại cuộc gặp này, ông Mitch McConnell cũng hứa sẽ xem xét chi tiết của đề nghị này trước khi ông có thể tìm ra cách để Thượng viện thông qua. Cũng trong ngày 26/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cảnh báo Quốc hội rằng, Bộ Tài chính sẽ ban hành loạt biện pháp bất thường liên quan đến khoản vay trị giá khoảng 200 tỷ USD của Chính phủ. Nếu không, Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng hết tiền mặt vào ngày 31/12

Sông Thương
.
.
.