Tổng thống Mỹ sa thải Giám đốc cơ quan thuế vụ

Thứ Sáu, 17/05/2013, 09:31
Cùng một lúc bị chìm trong 3 vụ scandal ở 3 lĩnh vực khác nhau, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã buộc phải tháo gỡ từng nút thắt với mong muốn nhận lại sự ủng hộ của chính trị gia và dân chúng.

Và hôm 15/5, trước sức ép của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, ông Barack Obama đã cách chức Giám đốc cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS) Steven Miller và ra lệnh cho Bộ Tư pháp cùng Bộ Tài chính sớm mở cuộc điều tra về việc cố tình áp dụng các tiêu chuẩn chính trị “khắt khe quá mức và không công bằng” đối với các nhóm chính trị bảo thủ.

Thẳng thừng tuyên bố “Tôi đang giận dữ” về scandal của IRS, chiều 15/5, Tổng thống Barack Obama cho biết, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã cách chức Giám đốc IRS Steven Miller vì để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Barack Obama đã gọi việc sa thải Steven Miller chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình ngăn chặn những sai lầm tương tự có thể lặp lại trong tương lai. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, trong khả năng quyền hạn, ông sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ một vụ scandal nào nữa.

Sau khi đọc kỹ báo cáo của Tổng Thanh tra về quản lý thuế, ông thấy rõ rằng IRS đã sai khi cố tình áp dụng các tiêu chuẩn chính trị “khắt khe quá mức và không công bằng” đối với các nhóm chính trị bảo thủ mà cụ thể là đảng Trà khi đảng này nộp hồ sơ xin miễn thuế. Trong bài phát biểu ngắn gọn với các phóng viên, ông Barack Obama nói: "Các hành vi vi phạm của IRS trong thời gian qua là không thể tha thứ được. Nước Mỹ không chấp nhận bất cứ hành vi nào như vậy của bất cứ cơ quan nào, đặc biệt là cơ quan thuế vụ".

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, những tranh cãi xung quanh việc kiểm toán có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người dân Mỹ. Vì thế, ông Barack Obama cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ điều tra cụ thể về vụ việc này. Được biết, cũng trong ngày 15-5, Bộ trưởng Nội vụ Eric Holder đã phải điều trần trước Quốc hội về vụ scandal ở IRS, vụ thu giữ bí mật các bản ghi âm điện thoại của hãng tin AP và cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya hồi năm ngoái.

Nhìn chung, các nghị sĩ đều chưa hài lòng trước giải trình của ông Eric Holder và nhất là tuyên bố rằng, sẽ mất thời gian để FBI xác định xem liệu các nhân viên IRS có vi phạm pháp luật hay không. Lời nói này khiến Chủ tịch Hạ viện John Boehner đặt câu hỏi “ai sẽ chịu trách nhiệm chính và phải ngồi tù vì vụ tai tiếng này”. Từ giờ đến hết tháng 5, hai tiểu ban khác thuộc Hạ viện Mỹ cũng lên kế hoạch tổ chức điều trần về vụ scandal của IRS.

Theo các nhà phân tích, trong 3 vụ scandal mà Nhà Trắng đang vấp phải, vụ ở IRS được đánh giá là sẽ đe dọa trực tiếp đến uy tín và danh dự của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đảng Cộng hòa đặt nghi ngờ rằng, chính quyền che giấu các sai phạm của IRS, Bộ Tư pháp  vượt quá quyền hành hợp pháp và hoạt động thiếu minh bạch.

Bằng chứng về việc IRS gây khó với tổ chức, đảng phái trong đó có chữ “tea party", “patriot” hay “9/12” trong đơn xin miễn thuế.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnnell còn đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ để cho các thượng nghị sĩ được “thẩm vấn” tất cả những người có liên quan đến vụ việc ở IRS và mở cuộc điều tra sâu rộng về vụ việc cũng như yêu cầu Tổng thống Barack Obama xin lỗi về hành động này. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers khẳng định, việc IRS nhắm mục tiêu vào các đảng bảo thủ, trong chiến dịch tranh cử năm 2012 “là điều không thể chấp nhận được” và là “hành động xúc phạm” các chính trị gia.

Cho đến nay, theo bà Lois Lerner thuộc IRS, người đứng đầu ban giám sát các nhóm được miễn thuế, 75 tổ chức, đảng phái trong đó có chữ “tea party", “patriot” hay “9/12” trong đơn xin miễn thuế đã phải qua quá trình xét lại thêm không cần thiết. Bà Lois Lerner thừa nhận, việc nhắm vào các nhóm dựa trên liên hệ về chính trị của Sở Thuế là sai nhưng phủ nhận hành động này là nhằm mục đích chính trị

Phan Hiển
.
.
.