Lại thêm một tiết lộ thông tin gây choáng váng nước Mỹ:

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng bị theo dõi

Thứ Ba, 25/06/2013, 13:29
Nước Mỹ còn chưa hết bàng hoàng sau tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden lại tiếp tục choáng váng với thông tin của cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Russ Tice khi tiết lộ: Tổng thống Barack Obama từng bị theo dõi khi còn là Thượng nghị sĩ bang Illinois. Thông tin gây chấn động này được trang tin Business Insider đăng tải hôm 22/6.

Việc này diễn ra đúng thời điểm Edward Snowden được phép rời khỏi Hongkong hôm 23/6 vì yêu cầu dẫn độ của Mỹ không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của luật pháp. Edward Snowden rời Hongkong để tới Moskva và điểm đến sau cùng của cựu nhân viên CIA có thể là Ecuador hoặc Iceland. Được biết, chính quyền Hongkong đã thông báo việc Edward Snowden rời Hongkong tới chính phủ Mỹ.

Từ thông tin của cựu nhân viên NSA Russ Tice

Theo trang tin Business Insider, cựu nhân viên NSA Russ Tice đã xuất hiện trên trang tin tức nổi tiếng Boiling Frogs Show (Mỹ) từ hôm 17/6 (theo giờ địa phương) để kể về công việc làm chuyên viên phân tích tình báo của mình trong suốt 20 năm qua. Vì là người từng cung cấp thông tin cho bài báo đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer của tờ New York Times (Mỹ) cách đây 7 năm (2006 - 2013) nên những thông tin của ông Russ Tice được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính tin cậy cao.

Được biết, ông Russ Tice vẫn còn giữ các chỉ đạo nghe lén của NSA nhằm vào một số thành viên của chính phủ Mỹ trong thời gian còn làm tại cơ quan này.

Theo đó, mùa hè năm 2004, NSA đã chỉ đạo theo dõi một số quan chức có quan hệ với Thượng nghị sĩ khoảng 40 tuổi tại bang Illinois Barack Obama. Khi đó, ngoài ông Barack Obama, NSA còn chỉ đạo theo dõi bà Hillary Clinton, ông John McCain, ông Colin Powell, tướng David Petraeus và một thẩm phán Tòa án tối cao.

Sau khi tiết lộ những thông tin kể trên, cựu nhân viên NSA Russ Tice còn khẳng định, việc làm kể trên của NSA đã vượt quá quy định về trách nhiệm do thám nội địa của cơ quan này cho dù khi đó NSA không có được quyền lực, cơ sở hạ tầng và kho lưu trữ để thu thập mọi thứ như hiện tại.

Ngày 23/6, Tân Hoa xã có bài viết cho rằng, Mỹ là "tên tội phạm lớn nhất thế giới" trong hoạt động do thám công nghệ thông tin. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Edward Snowden tuyên bố: Mỹ đã tiến hành các hoạt động tấn công mạng nhằm vào nhiều mục tiêu ở Trung Quốc và đặc khu Hongkong.

Theo tờ Guardian của Anh, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder từng ký (năm 2009) cho phép các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi người Mỹ, trái với các tuyên bố mới đây của giới chức nước này. Trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả tờ Guardian từ một địa điểm bí mật tại Hongkong, Edward Snowden khẳng định không phải là gián điệp của Trung Quốc. Edward Snowden được cho là tới Hongkong từ ngày 20/5.

Tối 22/6, trên trang web của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cựu nhân viên CIA Edward Snowden cho biết, chính phủ Mỹ đã xâm nhập hệ thống của các công ty di động Trung Quốc để thu thập hàng triệu tin nhắn và có bằng chứng để chứng minh cho điều này. Cũng trong ngày 22/6, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng Tom Donilon nói với hãng CBS News rằng, Mỹ đã tiếp cận nhà chức trách Hongkong để quyết tâm dẫn độ cựu nhân viên CIA Edward Snowden về nước.

Edward Snowden được người dân Hongkong ủng hộ.

Tới tranh cãi trong việc bắt dẫn độ cựu nhân viên CIA Edward Snowden

Được biết, sau khi chính phủ Mỹ chính thức đâm đơn kiện Edward Snowden với các cáo buộc hình sự gồm hoạt động gián điệp, trộm cắp tài sản chính phủ, cung cấp trái phép thông tin tình báo, số phận của cựu nhân viên CIA đã tiết lộ chương trình do thám tuyệt mật của an ninh Mỹ tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Ngày 23/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong cho biết, cảnh sát Hongkong đã khởi động trình tự luật pháp nhằm tìm kiếm lệnh bắt tạm thời từ tòa án địa phương theo yêu cầu của phía Mỹ.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama, nếu Hongkong không hành động ngay để bắt giữ và dẫn độ Edward Snowden, quan hệ Mỹ - Hongkong sẽ trở nên phức tạp. Giới chuyên môn cho rằng, Mỹ có thể phải đối mặt với tiến trình ngoại giao và pháp lý kéo dài mới mong đưa được Edward Snowden ra tòa. Nếu bị kết án, Edward Snowden sẽ phải đối mặt với bản án 30 năm tù giam.

Theo Giáo sư Simon Young Ngai-man thuộc khoa Luật, Đại học Hongkong, chỉ riêng cáo buộc trộm cắp tài sản chính phủ cũng đủ đảm bảo Edward Snowden trở thành đối tượng bị dẫn độ trừ khi cựu nhân viên CIA chứng minh rằng, hành vi ăn cắp của mình phục vụ mục đích chính trị.

Ủy viên Hội đồng lập pháp Hongkong, luật sư Ronny Tong Ka-wah nhận định, tòa án địa phương sẽ sớm ban hành lệnh bắt giữ tạm thời đối với Edward Snowden. Lệnh bắt này có thể được đưa ra mà không cần phải nghe ý kiến từ luật sư của Edward Snowden.

Cảnh sát trưởng Hongkong Andy Tsang từ chối bình luận về vụ việc, chỉ nhấn mạnh, Hongkong sẽ giải quyết trường hợp Edward Snowden theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, các dân biểu Hongkong đã đề nghị Trung Quốc đưa ra quyết định về việc này sau khi Bộ Tư pháp Mỹ gửi yêu cầu. Giới chuyên môn cho rằng, tuy giới chức cảnh sát Hongkong nói, lệnh bắt giữ tạm thời do phía Mỹ đưa ra không có hiệu lực ở Hongkong, nhưng một khi lệnh bắt giữ Edward Snowden được tòa án Hongkong đưa ra, cảnh sát sẽ phải giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan xuất nhập cảnh và cựu nhân viên CIA sẽ không thể rời khỏi Hongkong.

Được biết, “người hùng” Edward Snowden đã tìm đại diện pháp lý từ các luật sư nhân quyền để chuẩn bị đấu tranh chống lại yêu cầu dẫn độ mình trở về Mỹ. Việc tiết lộ liên quan tới cách thức NSA thu thập thông tin về các chương trình theo dõi tối mật có thể khiến cho các cơ quan tình báo Mỹ phải xem xét lại hoạt động thu thập dữ liệu và đối tượng nào được phép tiếp cận các thông tin như vậy.

Theo tiết lộ của ông Olafur Vignir Sigurvinsson, doanh nhân Iceland, Giám đốc của DataCell, một trong những công ty trung gian thanh toán tiền cho trang mạng WikiLeaks, một chiếc máy bay đã sẵn sàng đưa Edward Snowden đến Iceland.

Chiếc máy bay này do công ty của ông Olafur Vignir Sigurvinsson thuê từ một công ty Trung Quốc với giá hơn 240.000 USD. Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho biết, ông đã liên lạc với đại diện của Edward Snowden để bàn khả năng tị nạn ở Iceland bởi trước đó cựu nhân viên CIA từng bày tỏ nguyện vọng này.

Theo tờ As-Sharki Al-Ausat, Mỹ lợi dụng các cuộc chiến chống khủng bố để vi phạm nhân quyền và bảo vệ những lợi ích chiến lược sâu xa của họ.

Theo những báo cáo phân tích của Cơ quan Tình báo tín hiệu (SIGINT) thuộc NSA thu được từ các hoạt động của cảnh sát Nga, Cơ quan An ninh liên bang (FSB), Cơ quan Tình báo đối ngoại (SVR) và các phương tiện thông tin liên lạc quân sự của Nga như đài phát thanh, điện thoại cố định và di động, fax, tin nhắn văn bản từ năm 2003 đều gọi các phần tử khủng bố Chesnia và Bắc Kavkaz là “du kích”.

Trọng Hậu
.
.
.