Tổng thống Iran "nhỏ nhẹ" về nguy cơ chiến tranh

Thứ Ba, 25/09/2007, 09:20
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nói: "Nếu ai đó cho rằng Iran và Mỹ đang tiến tới chiến tranh thì họ đã lầm. Tại sao chúng tôi lại muốn chiến tranh chứ. Không có cuộc chiến nào sắp xảy ra cả".

Ngày 23/9, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tới New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong không khí căng thẳng của cuộc tranh cãi gay go xung quanh vấn đề hạt nhân, ông Mahmoud Ahmadinejad trả lời phỏng vấn khá mềm mỏng trên Đài Truyền hình CBS và khẳng định quan điểm Tehran không muốn gây chiến tranh với Washington.

Nỗ lực đối thoại

Trong vòng vây an ninh dày đặc, vừa đáp xuống sân bay, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được đưa ngay về khách sạn ở trung tâm thành phố.

Theo lịch trình, ông sẽ có bài phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng LHQ vào ngày 25/9 và diễn thuyết trước đám đông giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Columbia.

Mặc dù đề nghị được thăm khoảng đất trống nơi tòa tháp đôi bị phá hủy hoàn toàn trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã bị chính quyền thành phố New York bác bỏ nhưng theo giới phân tích, đây vẫn là cơ hội lịch sử cho ông Mahmoud Ahmadinejad trình bày quan điểm của mình một cách trực tiếp với người dân Mỹ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.

Trên thực tế, mối quan hệ Washington-Tehran ngày càng căng thẳng sau khi Mỹ cáo buộc Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân cũng như giúp đỡ các nhóm quân nổi dậy tại Iraq chống đối quân đội Mỹ.

Vì thế, trước thềm chuyến đi, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố chuyến công du của ông sẽ mang lại cơ hội cho người dân Mỹ được nghe một quan điểm khác biệt. Theo lời đề nghị của Đài CBS (Mỹ), ông cũng đã xuất hiện trên chương trình "60 Minutes", khẳng định quan điểm Iran không cần bom hạt nhân.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nói: "Nếu ai đó cho rằng Iran và Mỹ đang tiến tới chiến tranh thì họ đã lầm. Tại sao chúng tôi lại muốn chiến tranh chứ. Không có cuộc chiến nào sắp xảy ra cả". 

Và những "trái bom nổ chậm"

Giới phân tích cho rằng, thái độ mềm mỏng của ông Mahmoud Ahmadinejad trong thời điểm báo chí đưa tin giới chức quân sự Mỹ đang lên kế hoạch tấn công 2.000 mục tiêu quân sự của Iran là dấu hiệu cho thấy sự "xuống thang" của Tehran với quốc tế nói chung và Washington nói riêng.

Tuy nhiên, khó có thể đoán trước được mối quan hệ giữa Iran - Mỹ sau chuyến công du của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bởi lẽ đến giờ phút này, giới chức quân sự Mỹ vẫn đưa ra cáo buộc rằng Iran buôn lậu tên lửa đất đối không và những trang thiết bị quân sự cùng vũ khí tối tân khác sang Iraq. Minh chứng cho lời nói của mình, phía Mỹ đã công bố tên người Iran vừa bị họ bắt giữ tại miền Bắc Iraq.

Chưa hết, Israel cũng "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cáo buộc IranSyria hợp tác phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuần báo quốc phòng Janes số ra mới nhất còn cho biết, hơn 20 kỹ sư người Iran và 15 quan chức Syria đã bị chết hôm 23/7 trong một vụ tai nạn khi đang thử nghiêm đầu đạn hóa học cho tên lửa Scud. Một tờ báo khác của Anh thì khẳng định, vụ việc xảy ra tại một trung tâm thí nghiệm bí mật được SyriaIran hợp tác xây dựng từ năm 2005.

Tờ báo này còn đưa tin rằng Tehran đã cung cấp cho Damascus nhiều thiết bị dùng để sản xuất vũ khí hóa học với tổng giá trị hàng triệu USD… Lạ một điều là chính phủ Iran lại đón nhận thông tin này một cách bình tĩnh với những lời bác bỏ và giải thích rất khéo léo.

Luôn chỉ trích Mỹ nhưng lại muốn lấy lòng người dân nước này. Có lẽ vì thế mà thái độ ứng xử nhã nhặn của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được đánh giá là  tạo sự thành công cho chuyến công du ngay từ khi nó mới bắt đầu.

Mặc dù có thể ông Mahmoud Ahmadinejad vấp phải nhiều đoàn người phản đối khi vừa xuống sân bay song cũng đã không ít người Mỹ có những nhận xét tích cực hơn về nhà lãnh đạo đã từng lên tiếng chỉ trích thậm tệ chính quyền nước họ.

Phải chăng, đó cũng chính là cái lợi cho nước cờ lâu dài trên thế trận ngoại giao quốc tế của Iran?

Huyền Chi
.
.
.