Tổng thống Ai Cập chấp nhận hoãn trưng cầu ý dân về hiến pháp?

Chủ Nhật, 09/12/2012, 11:18
Tuyên bố hôm 7/12 của Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ahmed Miky cho thấy, Tổng thống Mohamed Mursi sẵn sàng hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp dự kiến diễn ra hôm 15/12 nếu phe đối lập chấp nhận đối thoại mà không kèm theo điều kiện nào.

Cũng trong ngày 7/12, theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tối cao Samir Abu El-Maati đã quyết định hoãn tổ chức cuộc bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp cho người Ai Cập ở nước ngoài từ ngày 8/12 tới ngày 12/12.

Phó Tổng thống Mahmud Mekki cho biết (7/12), Tổng thống Mohammed Mursi có thể hoãn cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra hôm 15/12 nếu quyết định này không bị tòa án xem xét và các lực lượng chính trị đối lập phải cam kết không khởi kiện quyết định của Tổng thống.

Trong bài phát biểu hôm 6/12, Tổng thống Mohammed Mursi kêu gọi phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán "để dàn xếp mọi việc bằng tình thương, pháp quyền và lòng quyết tâm”, đồng thời nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân với hiến pháp mới vẫn diễn ra vào ngày 15/12 như dự kiến.

Giới truyền thông đưa tin, tối 7/12, hàng nghìn người biểu tình đã kéo đến phủ Tổng thống tại thủ đô Cairo, phá hàng rào dây thép gai, đồng thời phong tỏa lối đi dẫn vào phủ Tổng thống. Trước đó (4/12), Tổng thống Mohammed Mursi đã phải rời dinh thự để tránh cuộc bạo loạn của người biểu tình.

Theo giới truyền thông phương Tây, có tới hàng chục nghìn người tập trung bên ngoài phủ Tổng thống sau khi phe đối lập bác bỏ kêu gọi đối thoại diễn ra hôm 8/12 của Tổng thống Mohammed Mursi. Lãnh đạo phe đối lập tuyên bố, nguyên nhân khiến họ bác bỏ kêu gọi đối thoại bởi Tổng thống Mohammed Mursi không nhượng bộ về quyết định tự cho mình thêm quyền lực cũng như đưa ra trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới. Phong trào đối lập chính ở Ai Cập là Mặt trận cứu quốc (Mặt trận bảo vệ dân tộc) tuyên bố, không tham gia đối thoại theo đề xuất của Tổng thống Mohammed Mursi và chính phủ hiện nay đã mất tính hợp pháp.

Tổng thống Mohammed Mursi phát biểu trên truyền hình hôm 6/12.

Nguyên Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình đã kêu gọi tẩy chay cuộc đàm phán diễn ra hôm 8/12 trên mạng Twitter. Ông Mohamed ElBaradei cáo buộc đề xuất đối thoại của Tổng thống Mohammed Mursi là hình thức “gây sức ép và đặt mọi việc vào sự đã rồi”.

Cựu ứng cử viên Tổng thống, ông Khaled Ali thậm chí còn tuyên bố: những ai chấp nhận đàm phán với Tổng thống Mohammed Mursi là "kẻ phản bội". Hai nhóm đối lập khác là đảng Wafd và Liên minh vì Thay đổi Quốc gia cũng tuyên bố không tham gia đối thoại.

Giới truyền thông đưa tin, người biểu tình đã dựng các chướng ngại vật trên một tuyến phố dẫn đến phủ Tổng thống, dựng lều bạt, phân phát chăn màn, thành lập các nhóm bảo vệ và chuẩn bị các phương án đối phó với những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Mohammed Morsi. Cảnh sát Ai Cập đã tăng cường lực lượng tới địa điểm tập kết của những người biểu tình, bao gồm cả địa điểm của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhằm ngăn chặn đụng độ bùng nổ giữa hai bên.

Được biết, những người ủng hộ Tổng thống Mohammed Mursi đã phá tan lều trại của phe đối lập ở trung tâm Cairo, thậm chí còn dùng gậy đánh và ném đá những người ủng hộ ý tưởng nhà nước thế tục. Những người ủng hộ Tổng thống Mohammed Mursi đã tổ chức tuần hành tại thủ đô, dọa trả thù cho một người đàn ông đã thiệt mạng vì đụng độ hồi đầu tuần. Đám đông này hô vang khẩu hiệu "Ai Cập là quốc gia Hồi giáo, không thể thế tục".

Giới quan sát cho rằng, việc người biểu tình tiếp tục tụ tập bên ngoài phủ Tổng thống, yêu cầu Tổng thống Mohamed Mursi từ chức khiến cho bầu không khí chính trị tại Ai Cập càng thêm căng thẳng. Tình trạng bất ổn ở Ai Cập tăng lên sau khi dự thảo hiến pháp gây nhiều tranh cãi được công bố. Giới bình luận cho rằng, ngoài sự phản đối của phe đối lập, những căng thẳng gia tăng hiện nay còn cho thấy, đang có rạn nứt khá sâu sắc bên trong tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng hậu thuẫn cho Tổng thống Mohammed Mursi.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên ở Ai Cập đối thoại để giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình. Trong cuộc điện đàm ngày 6/12 với Tổng thống Mohammed Mursi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại Ai Cập.

Ngày 7/12, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng kêu gọi tất cả các bên ở Ai Cập chấm dứt tình trạng bạo lực, kêu gọi Tổng thống Mohamed Mursi tổ chức đối thoại về nội dung của dự thảo hiến pháp mới.

Dư luận đang quan tâm tới thông tin vừa đăng tải trên nhật báo Al Ahram (chiều 7/12): Tổng thống Mohamed Mursi sẽ sớm ban hành một điều luật trao thêm quyền tư pháp và bảo vệ an ninh cho các lực lượng quân đội

Tân Hồng-Tiên Du
.
.
.