Tokyo, những chuyện nhỏ về an ninh cuộc sống

Thứ Hai, 04/06/2012, 13:26
Sau 1 năm xảy ra trận siêu động đất và sóng thần kinh hoàng, cuộc sống ở Tokyo vẫn bình yên kỷ cương, nhộn nhịp, khẩn trương. Tàu xe đi lại như mắc cửi, nhưng an toàn giao thông tuyệt đối. Xe cộ đi lại đông đúc như vậy nhưng không bao giờ nghe thấy một tiếng còi và rất ít khi bị ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông.

Sau 8 năm chúng tôi trở lại thăm đất nước Nhật Bản vào đúng ngày kỷ niệm một năm xảy ra trận siêu động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011. Cho đến nay, thỉnh thoảng vẫn có những trận động đất nhẹ xảy ra trên đất nước Nhật Bản. Vào đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến 2 trận động đất mạnh trên 6 độ richter xảy ra ở vùng Hokkaido và vùng Đông Bắc Nhật Bản mà ở Tokyo cũng rung lắc nhẹ. Vào dịp này, báo chí và truyền hình Nhật Bản đều có đăng tin rộng rãi những dự đoán của các nhà khoa học Nhật Bản là trong vòng 30 năm tới có thể sẽ xảy ra trận động đất mạnh ở vùng Tokyo gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa để cho dân chúng biết chuẩn bị tìm cách đề phòng và đối phó khi có động đất xảy ra.

Vào những ngày đầu tháng 4 này đang là mùa xuân của Nhật Bản, bắt đầu của năm tài chính và ngày khai giảng năm học mới của học sinh Nhật Bản, đồng thời hoa anh đào cũng bắt đầu nở. Anh đào là loại cây cao bóng cả, cành vươn rộng. Khi mùa hoa nở thì lá rụng hết, hoa chi chít trên cành như phủ một thảm hoa màu trắng, hồng tuyệt đẹp. Trong các công viên lớn nhỏ, trên khắp các đường phố người ta đều trồng cây anh đào nên cả thành phố là một rừng hoa nở. Có những khu phố người ta còn treo đèn lồng giữa những hàng cây để tô điểm thêm vẻ đẹp rực rỡ của hoa anh đào. Vì vậy anh đào chính là một loài hoa quý đặc trưng cho xứ sở Mặt trời mọc.

Vợ chồng tác giả chụp ảnh tại một đường phố Nhật Bản (4/2012).

Hoa anh đào rực rỡ, những bộ áo kimono duyên dáng của phụ nữ Nhật, những ngôi đền chùa cổ kính ở khắp nơi nhộn nhịp người đến chiêm bái là những nét đặc trưng nổi bật nhất, làm đẹp thêm sự hiện đại giàu sang của Nhật Bản và là sự kết hợp hài hòa của việc bảo tồn văn hóa truyền thống và sự hiện đại giàu sang.

Cuộc sống ở Tokyo vẫn bình yên kỷ cương, nhộn nhịp, khẩn trương. Tàu xe đi lại như mắc cửi, nhưng an toàn giao thông tuyệt đối. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông rất nghiêm chỉnh. Xe cộ đi lại đông đúc như vậy nhưng không bao giờ nghe thấy một tiếng còi và rất ít khi bị ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông.

Một nét nổi bật dễ nhận thấy là xe đạp, xe máy kể cả ban ngày và ban đêm, đều được dựng khá nhiều trên hè phố mà không cần có người trông giữ, và hầu như gia đình nào cũng có xe đạp để người ta đi từ nhà ra bến tàu điện ngầm. Nhiều xe có khóa và cũng có xe không khóa, nhưng không hề bị mất cắp. Nguyên nhân có thể là do ý thức tự giác và tinh thần cảnh giác cao độ của người dân và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát Nhật Bản.

Xin kể một ví dụ sau đây. Một buổi chiều đầu tháng 4 vừa qua, con gái tôi đi xe đạp ra một cửa hàng để mua thực phẩm. Như thường lệ, con gái tôi dựng xe ở ven đường. Khi mua hàng xong ra để lấy xe, thì thấy một đám đông người đứng xung quanh chiếc xe đạp của con gái tôi. Có một người Cảnh sát Nhật đang giữ một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã xịt lốp xe đạp của con gái tôi. Người Cảnh sát Nhật đề nghị con gái tôi và người đàn ông xịt lốp xe về đồn Cảnh sát gần đó để giải quyết. Con gái tôi trình bày là đang vội phải về làm cơm cho ông bà và con nhỏ ở nhà. Lúc đó người Cảnh sát Nhật bắt người đàn ông xịt lốp xe đạp đứng chỉ tay vào chiếc van xe đạp để chụp ảnh, sau khi đã ghi rõ tên, tuổi và nơi cư trú và bắt người đó phải xin lỗi con gái tôi, đồng thời cũng ghi rõ tên tuổi và địa chỉ nhà của con gái tôi. Sau đó thì người Cảnh sát chạy về đồn lấy chiếc bơm xe đạp ra để bơm xe cho con gái tôi đạp xe về nhà.

Tôi đoán chắc là người dân thấy hành động kỳ lạ của người đàn ông xịt lốp xe đã báo cho Cảnh sát nên đã cử người ra giải quyết kịp thời. Trên đường phố ở Tokyo rất ít khi có bóng dáng của Cảnh sát Nhật. Chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp người Cảnh sát đi bộ hoặc đi xe đạp trên hè phố mà thôi, vì lòng đường dành cho ôtô và xe máy.

Nhà con gái tôi ở tầng 7 của một khu chung cư cao tầng. Hằng ngày các con đi làm, các cháu đi học chỉ còn 2 ông bà ở nhà. Một hôm bà vợ tôi ra cửa hàng gần nhà để mua thực phẩm. Khi ra cửa không biết khóa cửa loay hoay thế nào làm chuông báo động kêu vang một hồi lâu, sau đó có tiếng chuông điện thoại, tôi nhấc máy lên nghe thì thấy có người nói tiếng Nhật. Vì không biết tiếng Nhật nên tôi không trả lời được. Tôi bấm điện thoại để hỏi con tôi thì cháu nói còi báo động đó là để báo đến trung tâm quản lý tòa nhà của cơ quan Cảnh sát đấy để đề phòng người lạ đột nhập vào trong nhà.

Khoảng vài phút sau có một người Cảnh sát trẻ tuổi đến trước cửa. Lúc này bà vợ tôi vẫn còn đang đứng trước cửa nhà. Người Cảnh sát đứng nghiêm giơ tay chào bà vợ tôi. Bà vợ tôi không biết tiếng Nhật nên ra hiệu tra chìa vào ổ khóa và rút chìa khóa ra. Tôi ở trong nhà ra nói bằng tiếng Anh với người Cảnh sát đó, chúng tôi là cha mẹ của các con tôi và do bà vợ tôi không biết khóa cửa nên làm cho còi báo động kêu. Người Cảnh sát yêu cầu kiểm tra hộ chiếu. Chúng tôi đưa hộ chiếu ra để người Cảnh sát xem và đối chiếu với sổ sách mang theo trong đó có ghi họ tên các con tôi. Lúc này người Cảnh sát hiểu ra vấn đề và lễ phép giơ tay chào rồi mỉm cười ra về. Đến tối gia đình con tôi nhận được một thông báo của cơ quan Cảnh sát là do không biết khóa cửa và không có vấn đề gì xảy ra.

Tôi kể 2 mẩu chuyện trên đây để thấy rằng cơ quan Cảnh sát Nhật người ta quản lý chặt chẽ đường phố và khu dân cư như thế nào. Như trên tôi đã nói là ra đường thì rất ít khi gặp Cảnh sát, nhưng khi có sự việc xảy ra thì chỉ vài phút sau đã có Cảnh sát đến giải quyết sự việc. Thật đúng là bên ngoài thì bình thường, bên trong thì rất chặt chẽ.

Ở đây cũng phải nói đến một điều là thái độ của người Cảnh sát Nhật rất điềm đạm, bình tĩnh và tôn trọng người dân. Trong vụ chiếc xe đạp của con gái tôi bị xịt lốp thì sau khi giải quyết xong sự việc, chính người Cảnh sát là người đi khắc phục hậu quả cho nạn nhân, mặc dù mình không phải là người gây ra hậu quả. Trong vụ chuông báo động kêu do bà vợ tôi không biết khóa cửa, thì người Cảnh sát Nhật cũng chỉ đứng ở ngoài cửa để hỏi han giải quyết sự việc chứ không hề vào trong nhà. Các con tôi nói rằng thỉnh thoảng cũng có Cảnh sát khu vực đến hỏi han về tình hình an ninh trật tự, nhưng họ cũng chỉ đứng ở ngoài cửa chứ không vào nhà, sở dĩ như vậy là vì họ tôn trọng cuộc sống riêng tư của người dân.

Tôi tin rằng bất cứ ai đến Nhật Bản cũng có ấn tượng tốt đẹp về cuộc sống, về vẻ đẹp rực rỡ của hoa anh đào, về việc bảo tồn văn hóa truyền thống kết hợp với sự hiện đại giàu sang của đất nước Nhật Bản, đặc biệt là giữ gìn được sự kỷ cương, nghiêm chỉnh trong nhộn nhịp, hối hả, khẩn trương; bảo đảm sự an toàn giao thông tuyệt đối trong cảnh tàu xe đi lại như mắc cửi trên đường phố; bảo đảm an ninh trật tự đường phố và khu dân cư đông đúc của cơ quan Cảnh sát Nhật Bản

Nhật Đăng
.
.
.