Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được trao giải Nobel Hòa bình

Thứ Bảy, 12/10/2013, 09:08
Với những nỗ lực trong việc cấm phổ biến vũ khí hóa học và quá trình giải trừ vũ khí hóa học ở Syria thời gian gần đây, tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã được Ủy ban Nobel Na Uy tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình 2013. Khoản tiền 1,25 triệu USD tiền thưởng của giải sẽ được trao tặng cho đại diện của OPCW trong lễ vinh danh ở Oslo vào ngày 10/12, nhân dịp lễ tưởng niệm ngày mất của Alfred Nobel, người sáng lập ra giải Nobel năm 1895.

Thông cáo của Ủy ban Nobel Na Uy ngày 11/10 cho biết, OPCW được vinh danh trong giải Nobel Hòa bình vì đã có những nỗ lực để triệt tiêu vũ khí hóa học. Các thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy lập luận rằng, trong 16 năm qua, OPCW đã giúp ngăn chặn sự phát triển của loại vũ khí hóa học có tính hủy diệt cao, đưa việc sản xuất các hóa chất theo quỹ đạo quản lý của quốc tế. Sự kiện gần đây ở Syria chính là một phần trong công việc âm thầm đó. Đồng thời, Ủy ban Nobel Na Uy cũng nhấn mạnh rằng, nhờ có sự kiên quyết của OPCW và sự say mê trong công việc của các chuyên gia thuộc tổ chức này mà hạn chót cho việc phá hủy hoặc vô hiệu hóa các loại vũ khí hóa học vào tháng 4 năm 2012 đã được hoàn tất gần 100%. Ngay cả những quốc gia cứng rắn trong vấn đề này như Mỹ cũng phải nhượng bộ trước OPCW. Hãng Reuters dẫn lời một thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy rằng, đã có nhiều giải thưởng dành cho những nỗ lực trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trụ sở của OPCW tại The Hague, Hà Lan.

Vào thời điểm này, OPCW đã có nhiều đóng góp trong vấn đề vũ khí hóa học và Ủy ban Nobel thực sự ấn tượng trước những thành quả mà OPCW đã đạt được. Nguồn tin này cũng khẳng định, việc đề cử OPCW cho giải Nobel Hòa bình 2013 được thực hiện trước ngày 1/4, tức là trước thời điểm mà bức ảnh về vũ khí hóa học sử dụng ở Syria được công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Có tới 259 cá nhân và tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, trong đó đáng chú ý nhất là nữ sinh 16 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai.

Trước giờ trao giải, hầu hết các hãng cá cược tại châu Âu cũng như các nhà phân tích đều nhận định rằng, nữ sinh này là người có cơ hội giành giải cao nhất bởi trước đó, vào ngày 10/10, Malala Yousafzai đã nhận được giải thưởng về nhân quyền mang tên Sakharov của Nghị viện châu Âu với giá trị tiền thưởng là 50.000 Euro. Vì thế, khi cái tên OPCW được xướng lên trong bản thông cáo của Ủy ban Nobel Na Uy, nhiều người đã bất ngờ nhưng phần đông đều ủng hộ bởi cho rằng, OPCW xứng đáng bởi những gì họ đóng góp cho nền hòa bình trên thế giới.

Được thành lập từ năm 1997 để thi hành Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về cấm phổ biến vũ khí hóa học, OPCW có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. OPCW có khoảng 5.000 chuyên gia hoạt động tại 86 quốc gia khác nhau trên thế giới. Do hoạt động trong lĩnh vực đặc thù nên tổ chức này ít khi xuất hiện trước báo giới.

Các chuyên gia của OPCW thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

Thời gian gần đây, OPCW mới được dư luận chú ý nhiều hơn vì các nỗ lực giải trừ vũ khí hóa học ở Syria. Hiện OPCW đã cử hai đoàn thanh sát viên tới Syria để thực hiện quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học dự kiến kéo dài gần 1 năm. Hành động này của các chuyên gia OPCW cùng các nỗ lực khác của quốc tế đã tránh cho Syria khỏi nguy cơ bị Mỹ và một số nước châu Âu tấn công quân sự. Tuy nhiên, hoạt động của các chuyên gia OPCW tại hàng chục điểm cất giữ vũ khí hóa học ở Syria lại không hề dễ dàng cho dù chính quyền Damascus được đánh giá là tích cực trong việc hợp tác. Nguyên do là bởi có nhiều kho vũ khí hóa học đang nằm tại các vùng tác chiến do lực lượng đối lập Syria nắm giữ. Thêm vào đó, lực lượng đối lập Syria không những không “mặn mà” với hoạt động của OPCW, mà còn thường xuyên có hoạt động chống phá. Đó là chưa kể đến những đe dọa tính mạng đối với các chuyên gia OPCW đến từ các nhóm Hồi giáo cực đoan có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Trong quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học, các chuyên gia OPCW cũng đối mặt với những rủi ro về sức khỏe, tinh thần và cả những đe dọa khác.

Theo nhiều nguồn tin tình báo của Mỹ và phương Tây, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và một số tổ chức vũ trang khác đang lên kế hoạch tấn công và cướp các kho vũ khí hóa học ở Syria để phục vụ cho mục đích xấu xa của chúng. Vì thế, công việc của các chuyên gia OPCW lại vất vả bội phần. Nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Ngược lại, OPCW đã ra quyết tâm sẽ cố gắng hoàn thành việc giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria trước thời hạn, để từ đó tạo đà cho việc tiến hành quá trình đàm phán hòa bình cho vấn đề Syria, đem lại cuộc sống ổn định, yên bình cho người dân nước này

Sông Thương
.
.
.