Tình báo Pháp bị cáo buộc đã sát hại cựu Tổng thống Libya

Thứ Ba, 02/10/2012, 09:42
Một năm sau ngày cựu Tổng thống Libya Moammar Gadhafi bị bắt giữ và giết hại, thông tin về cái chết của ông đã được báo chí phương Tây khai thác cụ thể. Đặc biệt, lời kể của người từng giữ chức Thủ tướng lâm thời Libya Mahmoud Jibril cho biết, chính đặc vụ Pháp là người đã bắn chết cựu Tổng thống Libya ngay trước cửa hầm nơi ông trú ẩn cùng con trai.

Tin từ hãng ANI cho hay, cựu Tổng thống Libya Moammar Gadhafi bị một đặc vụ người Pháp sát hại theo mật lệnh từ Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy. Một nguồn tin ngoại giao từ Libya khẳng định, hành động này là nhằm ngăn chặn việc ông Moammar Gadhafi sẽ khai ra những thông tin bất lợi cho ông Nicolas Sarkozy, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang đến gần.

Trước đó, Mahmoud Jibril, người từng giữ chức Thủ tướng lâm thời Libya sau khi chế độ của ông Moammar Gadhafi bị lật đổ tiết lộ với đài truyền hình Ai Cập rằng, một người nước ngoài đã trà trộn vào nhóm quân nổi dậy và nổ súng sát hại ông Moammar Gadhafi. Ngay sau đó, tờ Daily Mail của Anh đã đưa lại thông tin này trích dẫn nguồn tin từ tờ Corriere della Serra của Italia rằng sát thủ người nước ngoài nói trên là mật vụ Pháp.

Cố Tổng thống Libya Moammar Gadhafi (trái) và cựu Giám đốc tình báo Libya Abdullah al-Senussi, người vừa bị Chính phủ Mauritania dẫn độ về nước hồi đầu tháng 9.   Ảnh: AP.

Thậm chí, tờ Corriere della Serra còn giải thích rằng: “Từ khi NATO ủng hộ lực lượng đối lập của Libya và chính quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng vậy, ông Moammar Gadhafi đã đe dọa sẽ tiết lộ chi tiết mối quan hệ của mình với cựu Tổng thống Pháp cùng những khoản tiền hỗ trợ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007 với tổng trị giá lên tới hàng triệu USD. Tờ Corriere della Serra dẫn lời một quan chức của Libya khẳng định: “Ông Sarkozy có đủ lý do để muốn Đại tá Gadhafi im lặng càng sớm càng tốt”!

Ban đầu, khi một số tờ báo phương Tây đăng những tin này, nhiều người cho rằng đây có thể là chiêu bài nhằm hạ thấp uy tín của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đúng vào thời điểm ông đang vướng vào những bê bối khác. Tuy nhiên, lời khẳng định mới đây của Chủ tịch Hội đồng hành pháp thuộc Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) đã đặt ra thêm nhiều nghi vấn khác.

Trong khi đó, người từng phụ trách quan hệ ngoại giao của NTC cho hay, vào tháng 10 năm 2011, ông Moammar Gadhafi đã bị phát hiện tung tích khi đang nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Arab bị chuyên gia NATO theo dõi qua vệ tinh và họ đã dễ dàng xác định được địa điểm trú ẩn của ông Moammar Gadhafi trong thành phố Sirte trước khi ông này bị sát hại.

Thời điểm đó, báo chí phương Tây đưa tin rằng ông Moammar Gadhafi bị quân nổi dậy lôi ra khỏi một đường ống thoát nước và tra tấn một cách dã man. Trên thực tế, ông Moammar Gadhafi đã bị bắn chết trước khi bị lôi ra để quay video. Một điểm đáng chú ý nữa là do bị sức ép và đe dọa lớn từ Mỹ cùng các nước phương Tây, hôm 30/9, Syria cũng đã thừa nhận cung cấp cho Pháp thông tin tình báo về nơi ẩn náu của cựu Tổng thống Libya.

Theo đó, các  điệp viên của Pháp hoạt động tại thành phố Sirte (Libya) đã giăng bẫy nhà lãnh đạo này ngay tại đây sau khi họ có được số điện thoại vệ tinh của ông Moammar Gadhafi từ Chính phủ Syria. Khi đó, điều kiện để ông Bashar al-Assad trao cho Paris số điện thoại là lời hứa giảm bớt áp lực lên chính quyền Syria. Nay Damascus quyết định công khai thông tin này bởi họ nhận thấy, sau sự kiện về ông Moammar Gadhafi, rất có thể họ cũng sẽ là nạn nhân của “trò chơi hai mặt” này!

Moammar Abu Minyar al-Gadhafi là người đứng đầu Libya sau một cuộc đảo chính lật đổ vua Libya năm 1969. Trong thời gian cầm quyền, ông Moammar Gadhafi hay tự xưng là “Vua của các vị vua châu Phi” và là “lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo”.

Từ năm 1972, khi thôi giữ chức Thủ tướng, ông đã được gán các danh hiệu "Người hướng dẫn cuộc cách mạng vĩ đại tháng 9 đầu tiên của đại dân quốc nhân dân xã hội Libya" hay "Lãnh đạo và người hướng dẫn anh em của cuộc cách mạng" trong các văn kiện của nhà nước và báo chí chính thức của Libya. Người ta thường gọi ông là Tổng thống Gadhafi hay Đại tá Gadhafi.

Sau cái chết của Tổng thống Gabon Omar Bongo ngày 8/6/2009, ông trở thành nhà lãnh đạo (ngoài các Quốc vương) có thời gian giữ chức lâu thứ ba trên thế giới. Ông cũng là nhà lãnh đạo có thời gian phục vụ lâu nhất ở Libya từ thời Ali Pasha Al Karamanli. Tổng thống Moammar Gadhafi bị lật đổ và bị giết hại vào ngày 20/10/2011, sau 42 năm cầm quyền

Sông Thương
.
.
.