Tin vắn thế giới ngày 24/1

Chủ Nhật, 24/01/2010, 11:35
Tổng thống Bolivia Evo Morales vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Theo Hiến pháp mới, đây sẽ là nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Evo Morales và ông có quyền ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Evo Morales là Tổng thống thứ 84 và là nguyên thủ đầu tiên có nguồn gốc thổ dân ở Bolivia. Trong nhiệm kỳ trước, những chính sách quốc hữu hóa của ông được gọi là cách mạng Xã hội chủ nghĩa.

*An ninh đã được thắt chặt trong dịp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du tới Iraq nhằm làm giảm sự căng thẳng về một quyết định của chính phủ nước này trong việc cấm hàng trăm ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Ông Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Al-Maliki và Tổng thống Talabani để "làm rõ" việc 511 ứng cử viên bị cấm tham gia trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 7/3 tới.

* Mặc dù được Tổng thống mới đắc cử Porfirio Lobo Sosa đảm bảo an ninh tới định cư tại Cộng hòa Dominica, nhưng Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya cùng gia đình vẫn muốn định cư tạm thời ở Mexico và sẽ trở lại quê nhà trong tương lai gần. Việc này diễn ra sau khi ông Juan Orlando Hernandez được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Honduras, còn Tổng thống tiếm quyền Miseletti thì tuyên bố, chỉ rời Phủ Tổng thống 6 ngày trước khi Tổng thống mới đắc cử Porfirio Lobo Sosa tuyên thệ nhậm chức.

* Bộ Nội vụ Haiti vừa xác nhận, đã có gần 112.000 người bị thiệt mạng trong trận động đất hôm 12/1. Tuy nhiên đây chưa phải con số cuối cùng bởi chính phủ Haiti ước tính, sẽ có khoảng 200.000 người chết và 250.000 người bị thương do trận động đất này gây ra. Mặc dù vẫn tiếp tục các hoạt động cứu trợ, nhưng Liên hợp quốc cũng bắt đầu tập trung vào việc tái xây dựng Haiti bằng chương trình "việc đổi lấy tiền".

Tuy nhiều dịch vụ được nối lại, các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả trận động đất vẫn diễn ra hết sức khẩn trương, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố xóa nợ và cấp những khoản vay ưu đãi khác, nhưng người dân Haiti vẫn ồ ạt tìm đường rời khỏi đất nước.

* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moskva sẽ theo dõi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản. Ông Sergei Lavrov cũng muốn nhận được lời giải thích của WarsawWashington về việc triển khai tổ hợp tên lửa Mỹ tại Ba Lan gần biên giới với Nga. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho biết, cuộc đàm phán Nga-Mỹ về ký kết một hiệp ước mới thay thế START-I sẽ được nối lại vào đầu tháng 2 tới.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã chính thức bác bỏ thông tin về việc các đơn vị hợp thành của Hạm đội Baltic sẽ được tăng cường (tàu chiến, tàu ngầm và máy bay) nhằm đáp lại kế hoạch triển khai tên lửa Patriot của Mỹ tại Ba Lan. Được biết, các tên lửa Patriot của Mỹ sẽ được triển khai tại phía Bắc Ba Lan, cách khu vực Kaliningrad của Nga 100km thay vì ở gần Warsaw như trước đây.

* Bộ trưởng Nội vụ Anh Alan Johnson vừa quyết định nâng mức báo động khủng bố để London tăng cường cảnh giác sau khi nhận được những cảnh báo xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, ông Alan Johnson cũng nhấn mạnh, hiện không có tin tình báo nào cho thấy sắp có một cuộc tấn công khủng bố diễn ra, đồng thời từ chối cho biết quyết định này dựa trên cơ sở tình báo nào. Trước đó, Anh cũng đã tạm dừng các chuyến bay thẳng đến Yemen để đề phòng các mối đe dọa ngày càng tăng từ những phần tử có liên quan với Al Qaeda ở nước này.

* "Đàm phán 6 bên có thể được nối lại trong tháng 2", đây là thông báo của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan với giới truyền thông hôm 22/1. Ông Yu Myung-hwan cho biết, 5 bên liên quan (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga) đã đạt được đồng thuận ngoại giao về việc nối lại đàm phán vào khoảng trung tuần tháng 2.

Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào về việc nối lại đàm phán và các bên liên quan cần tiếp tục gây sức ép ngoại giao với Bình Nhưỡng về vấn đề này. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho biết, CHDCND Triều Tiên đã đề nghị tiến hành đàm phán quân sự liên Triều cấp chuyên viên để thảo luận về việc cải thiện hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới hai miền.

* 36 tháng tù giam là mức án mà cựu Đại tá không quân Mỹ James Wilbur Fondren phải nhận vì đã làm gián điệp cho nước ngoài. Theo tài liệu mà các công tố viên cung cấp, James Wilbur Fondren đã gửi nhiều tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho một người châu Á từ tháng 11/2004 đến tháng 2/2008.

Bên cạnh đó, ông còn trao đổi hơn 40 email với một số quan chức nước ngoài từ tháng 3/1999 đến tháng 5/2000 và tiếp tục trao cho họ những thông tin về hệ thống tên lửa cũng như mạng lưới tình báo của Mỹ. Bị FBI bắt giữ từ hồi tháng 9 năm ngoái, James Wilbur Fondren còn bị cáo buộc là cung cấp thông tin về an ninh Mỹ cho một hãng tư vấn để đổi lấy những khoản tiền lớn.

* Ấn Độ đã tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đề phòng khả năng tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba (LeT) thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhân dịp nước này tổ chức Quốc khánh hôm 26/1. Ấn Độ đã ra lệnh cấm bay trên vùng trời khu vực Dinh Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng và trụ sở các bộ chủ chốt như Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính bởi có tin nói rằng, LeT hiện đang sở hữu hơn 50 dù lượn. Các hệ thống rađa cũng được bố trí tại những vị trí trọng yếu nhằm phát hiện vật thể bay ở tầm thấp, trong khi lực lượng phòng không sẵn sàng chặn đánh bất kỳ cuộc tấn công nào từ trên không.

*Các quan chức đến từ 16 quốc gia châu Á đã tham dự hội nghị bàn về an ninh hạt nhân trong khu vực được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị đã nhất trí hợp tác đối phó với nguy cơ khủng bố bằng vũ khí hạt nhân trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân theo sáng kiến của Mỹ dự kiến diễn ra trong tháng 4 tới. Các quan chức cũng đã nhấn mạnh tới nguy cơ nhiên liệu hạt nhân bị sử dụng vào những mục đích xấu và đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình quốc tế.

*Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) ở Thái Lan bắt đầu cuộc biểu tình lớn tại sân golf Soi Dao thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Khao Soi Dao, tỉnh Chanthaburi kể từ hôm 23-1 với sự tham dự của khoảng 50.000 người. Ông Somwang Assarasi, một lãnh đạo của UDD tại Chanthaburi cho biết, mục đích của cuộc biểu tình là phản đối sự thờ ơ, bất lực của chính phủ trong việc để cho tư nhân lấn chiếm đất khu bảo tồn, xây dựng sân golf. Chính quyền tỉnh Chanthaburi đã điều gần 1.500 cảnh sát, nhân viên an ninh tới duy trì trật tự.

Trước đó, UDD tuyên bố, hoãn cuộc biểu tình tại khu vực sân bay quốc tế  Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok để phản đối chính phủ trì hoãn truy tố lãnh đạo Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đã gây ra vụ chiếm giữ sân bay này hồi cuối năm 2008.

*Tel Aviv vừa trả 10,5 triệu USD tiền bồi thường cho Liên hợp quốc do những thiệt hại về người và tài sản mà Israel đã gây ra cho cơ quan này trong chiến dịch quân sự tại dải Gaza hồi năm ngoái. Việc này diễn ra đúng thời điểm bắt đầu cuộc hội đàm giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với đặc phái viên Mỹ về Trung Đông George Mitchell. Palestine đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ trong việc nối lại đàm phán vô điều kiện với Israel - Israel phải ngừng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem và khu bờ Tây trước khi nối lại các cuộc thương lượng.

*Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Tehran hành động mang tính xây dựng để xoa dịu lo ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này, nhưng cũng cảnh báo việc vội vã áp dụng lệnh trừng phạt với Iran. Việc này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton và Trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại EU Catherine Ashton tuyên bố, sẽ duy trì việc gây áp lực đối với Tehran về chương trình hạt nhân của Iran.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khẳng định của người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Iran, ông Ali Akbar Salehi - Tehran sẽ khởi động nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên vào khoảng cuối tháng 9 với sự trợ giúp của Nga. Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki vừa khẳng định, Tehran không bác bỏ đề xuất do Liên hợp quốc làm trung gian về việc trao đổi nhiên liệu hạt nhân đã làm giàu - chỉ muốn trao đổi từng phần.

*Ủy ban bầu cử quốc gia Philippines vừa đề nghị bắt tạm giam đối với ứng cử viên độc lập Elly Pamatong sau khi ông kiến nghị đòi loại bỏ cựu Tổng thống Joseph Estrada ra khỏi danh sách ứng cử viên Tổng thống, và Tổng thống Gloria Arroyo khỏi danh sách ứng cử viên nghị sĩ Quốc hội.

Ủy ban bầu cử quốc gia còn xem xét khả năng đưa vụ việc này ra Tòa án tối cao để yêu cầu truất quyền tranh cử vĩnh viễn đối với ông Elly Pamatong. Việc này khiến cho cuộc bầu cử dự định diễn ra vào tháng 5 càng thêm căng thẳng, phức tạp

Đào Phương Thanh - Hà Thị Dung - HC
.
.
.