Tin vắn quốc tế ngày 19/11

Thứ Bảy, 19/11/2011, 16:47
Nhân tròn 2 tháng kể từ ngày bùng nổ phong trào "Chiếm lấy phố Wall", ngày 17/11, những người biểu tình tại New York, Mỹ đã phát động chiến dịch mới có tên là "Đóng cửa phố Wall".

Đây được coi là mở đầu cho một làn sóng biểu tình mới trên toàn nước Mỹ và diễn ra một ngày sau khi cảnh sát New York đột kích vào khu công viên Zuccotti Park phá lều trại, giải tán và bắt giữ hơn 200 người biểu tình trong lúc họ đang ngủ. Ngày 17/11 được coi là "Ngày hành động" phản kháng rầm rộ nhất với đỉnh điểm là các cuộc mít tinh và tuần hành quy mô lớn trên các đường phố và tàu điện ngầm tại 5 quận của TP New York.

Kể từ 18/11 đến 3/12, khoảng 150.000 người (chiếm khoảng 0,2% tổng số cử tri Nga) sinh sống ở vùng sâu, vùng xa thuộc 34/83 chủ thể của Nga cũng như những cử tri Nga sống ở nước ngoài được phép đi bỏ phiếu sớm để bầu đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) khóa VI và đại biểu Duma địa phương. Ủy viên Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) Nga, bà Siyabshakha Shapieva cho biết, chi phí trung bình để tổ chức bầu cử sớm vào khoảng 580 rub/cử tri, trong khi chi phí này tại các vùng sâu, vùng xa thuộc Cộng hòa Khanty-Mansisk, Zabaikalie và Chukotka lên tới 3.000-4.000 rub/cử tri. Cuộc bầu cử chính thức Duma Quốc gia Nga sẽ được tổ chức vào ngày 4/12.

Ngày 17/11, Tổng thống Hugo Chavez đã ra lệnh cho Lực lượng vệ binh quốc gia mạnh tay với tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng ở Venezuela, đặc biệt tại thủ đô Caracas và 2 bang lân cận là Vargas và Miranda. Không những đối phó với các tội phạm giết người, những binh sĩ kể trên còn hỗ trợ cảnh sát ngăn chặn nạn buôn bán ma túy trên đường phố hoặc say xỉn nơi công cộng…

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Janet Napolitano đã cho phép Sở Mật vụ bảo vệ chiến dịch tranh cử Tổng thống của nghị sỹ đảng Cộng hòa Herman Cain sau các vụ bê bối tình dục. Đây là trường hợp hiếm thấy bởi ứng viên Tổng thống chỉ được bảo lãnh trong chiến dịch tranh cử khoảng vài tháng trước khi diễn ra bầu cử.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva quan ngại trước các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Á và thiết lập các căn cứ quân sự lớn tại Afghanistan của Mỹ. Việc này diễn ra cùng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ám chỉ Trung Quốc và Ấn Độ là những mối họa cho dù Lầu Năm Góc vừa thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh ở Thái Bình Dương.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Mohammad Haneef Atmar cho biết, các nỗ lực để Taliban đàm phán hòa bình đã thất bại nếu Pakistan không thay đổi chính sách cung cấp nơi trú ẩn cho các tay súng chống đối. Sau cái chết của cựu Tổng thống Burhanuddin Rabbani hôm 20/9, Tổng thống Hamid Karzai tuyên bố, sẽ xem xét lại cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình với Taliban.

Quan hệ giữa Tổng thống Asif Zardari và giới quân đội càng lún sâu vào khủng hoảng sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen xác nhận về bức thư của Chính phủ Pakistan thúc giục Mỹ lật đổ các tướng lãnh hàng đầu. Tổng thống Asif Zardari từng lo ngại quân đội sẽ đảo chính để lấy lại nhuệ khí sau khi bị mất mặt sau vụ Osama bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi đầu tháng 5. Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani đã phải từ chức hôm 17/11 sau khi ông bị triệu hồi về Islamabad để giải thích về bức thư nhạy cảm kể trên.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Makarov vừa cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang rồi biến thành cuộc chiến hạt nhân dọc biên giới Nga với châu Âu. Tướng Nikolai Makarov nhấn mạnh, các nước tham gia Hiệp ước Warsaw trước đây nay đã trở thành thành viên NATO, thậm chí cả các nước Baltic cũng gia nhập liên minh này. Trong khi đó, Nga tiếp tục phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ

Phương Anh-Quỳnh Trang
.
.
.