Tín hiệu khả quan về vaccine phòng chống Ebola

Thứ Tư, 15/10/2014, 14:23
Cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola đang bùng phát ở Tây Phi và lan ra các quốc gia khác trên thế giới đã có những tín hiệu khả quan khi các nhà khoa học Canada chế tạo thành công loại vaccine chống virus này đồng thời nhận được kết quả tốt trong việc thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, chỉ từ giờ đến cuối năm, với nỗ lực của cả cộng đồng, thế giới sẽ có vaccine Ebola để phòng chống căn bệnh này.

Các cuộc thử nghiệm trên người

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo hôm 13/10, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose cho biết, các ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người đối với vaccine Ebola VSV-EBOV do các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia thuộc Cơ quan y tế Canada tại Winnipeg chế tạo đã đem lại những dấu hiệu khả quan. Trước đó, các thử nghiệm trên động vật đều cho thấy, vaccine VSV-EBOV có hiệu quả đến 100%. Điều mà các nhà khoa học lo ngại nhất chính là những tác dụng phụ của loại vaccine này khi nó vào cơ thể con người. Cũng theo tiết lộ của bà Rona Ambrose thì để việc nghiên cứu này được hoạt động một cách trôi chảy, Canada đã gửi 20 lọ vaccine thử nghiệm tới Mỹ để thử nghiệm tiếp trên 20 người tình nguyện có sức khỏe tốt thuộc Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed ở Silver Spring, bang Maryland.

Một nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ đang vào khu vực cách ly của bệnh nhân Ebola tại bệnh viện chính phủ Kenema. Ảnh: AP.

Như vậy, đây là lần đầu tiên vaccine chống Ebola được thử nghiệm trên cơ thể người. Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từng bật đèn xanh để bắt đầu quy trình này. Khi đó, người ta đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào loại vaccine thử nghiệm do Tập đoàn dược GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, loại vaccine này chưa đủ tin cậy để có thể tiêm vào cơ thể người. Dự kiến, vào tháng 11 tới, các chuyên gia mới tiêm vaccine này vào cơ thể 3 người tình nguyện để xác định xem nó tạo ra phản ứng miễn dịch với virus Ebola hay không. Còn tại Anh, người phụ trách truyền thông của Trung tâm dịch vụ y tế Anh (NHS) Ruth Atkins cũng đã đồng ý là người được tiêm vaccine Chimp Adenovirus type 3 (ChAd3) phòng Ebola. Tiếp sau thử nghiệm của cô này, có khoảng 60 tình nguyện viên khác ở độ tuổi từ 18 đến 50. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố nước này có thể sản xuất 3 loại vaccine chống virus Ebola trong vòng 6 tháng tới. Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova còn nhấn mạnh, 1 trong 3 loại vaccine này đã sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Cùng chung ý tưởng này, các bác sĩ bệnh viện Thái Lan Siriraj ở Thủ đô Bangkok cũng đã phát minh ra một loại vaccine mới phòng chống Ebola và chỉ cần 1 năm để phát triển loại vaccine này.

Và những sai sót cần khắc phục

Theo đánh giá của WHO, việc thử nghiệm vaccine Ebola trên người vào thời điểm này là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết bởi lẽ dịch bệnh Ebola đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người. Đáng chú ý là đã có ít nhất 2 trường hợp người mắc bệnh Ebola ở ngoài vùng dịch. Đó là trường hợp y tá của Tây Ban Nha và một người Mỹ. Mới đây, Mỹ lại xác nhận có thêm trường hợp thứ 2 bị nhiễm Ebola cho dù người này đã mặc đồ bảo hộ trong nhiều lần tiếp xúc với bệnh nhân Ebola trước đó. Tổng thống Mỹ đã chỉ thị cho Bộ trưởng Y tế Sylvia Burwell tiến hành một cuộc điều tra về hai ca nhiễm Ebola ở nước này, nhất là về quy trình kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện. Đồng thời, ông Barack Obama cũng đã điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về sự cần thiết phải có thêm nỗ lực quốc tế "mạnh mẽ" nhằm đối phó với dịch bệnh chết người Ebola lan tràn ở Tây Phi. Tổng thống Obama cũng kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc “ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc, cung cấp thêm nhân lực, thiết bị y tế cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh Ebola”.

Nữ y tá bị lây nhiễm virus Ebola, đang được điều trị tại thành phố Dallas, bang Texas của Mỹ là một người Mỹ gốc Việt. Theo hãng CBS News, cô này tên là Nina Pham và vẫn trong tình trạng tỉnh táo, có thể thảo luận với bác sĩ về kế hoạch điều trị của mình. Nina Pham là bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên ngay trên đất Mỹ và vụ việc phát sinh do một “lỗ hổng về quy trình” chưa xác định được trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan khi bệnh nhân Ebola này quay trở lại bệnh viện lần thứ 2. Một số tờ báo Mỹ cho hay, tối 13-10 (theo giờ Mỹ), Nina Pham đã được truyền huyết thanh từ bác sĩ Kent Brantly, một bệnh nhân Ebola đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Bác sĩ Brantly đã nhiễm virus Ebola ở Liberia song đã bình phục.

Phan Hiển
.
.
.