Cuộc gặp ba bên Nhật – Trung – Hàn:

Tín hiệu hạ nhiệt ở Đông Bắc Á?

Thứ Hai, 30/03/2015, 11:29
Vào trung tuần tháng ba đã liên tiếp diễn ra hai cuộc đối thoại quan trọng mà kết quả của chúng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Đông Bắc Á. Đầu tiên, ngày 19/3, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức cuộc hội đàm an ninh cấp cao đầu tiên trong bốn năm, sau những căng thẳng gần đây có liên quan về vấn đề lãnh thổ. 

Tiếp đó, ngày 21/3, Ngoại trưởng ba nước Nhật Bản – Trung Quốc – Hàn Quốc đã tiến hành hội đàm tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) sau ba năm gián đoạn. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy tình hình ở khu vực Đông Bắc Á đang dịu xuống.

Bầu không khí căng thẳng bắt đầu bao trùm Đông Bắc Á từ tháng 9/2012 khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. Ngay sau đó, vào tháng 10, Trung Quốc đã kích động Chủ nghĩa dân tộc. Hàng chục triệu người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình phản đối hành động của Nhật Bản, thậm chí, một số văn phòng, công sở của Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị đập phá. Điều này đã đẩy quan hệ hai nước “xuống đáy”, thấp nhất từ trước tới thời điểm đó.

Gần một năm sau, ngày 23/11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Sensaku/Điếu Ngư và không phận của Hàn Quốc. Trung Quốc yêu cầu máy bay nước ngoài khi bay qua khu vực này phải “khai báo đầy đủ nhân thân”.

Cuộc hội đàm ba bên Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngày 21/3 tại Seoul.

Việc làm của Trung Quốc đã đẩy quan hệ Nhật – Trung tiếp tục xuống dốc, và gián tiếp đụng chạm tới Mỹ. Không chỉ có thế, Trung Quốc còn thường xuyên cho tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, máy bay do thám đi thẳng vùng lãnh hải của Nhật Bản, xung quanh quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. Hành động này là trái với Công ước Luật biển 1982.

Dẫn đến việc, tháng 4/2014, trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra tuyên bố cứng rắn rằng, theo Điều 51 trong Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật ký năm 1960, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả Sensaku/Điếu Ngư.

Rồi tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ ngày 12/5 – 5/7/2014, khiến Thượng viện Mỹ ngày 11/7 ra Nghị quyết 412 yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi EEZ của Việt Nam, trả lại hiện trạng ban đầu.

Tiếp đó, cũng trong năm 2014, ngày 3/12, 100% Hạ nghị sĩ Mỹ đã nhất trí ra Nghị quyết 714 phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tất cả những sự kiện này đã đẩy quan hệ Nhật – Trung, Trung – Mỹ xuống đến đáy, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh Đông Bắc Á.

Nếu những mối quan hệ này tiếp tục xuống dốc thì ai là người chịu thiệt? Chẳng phải Nhật, chẳng phải Mỹ mà chính là Trung Quốc. Cho nên, chính quyền Bắc Kinh buộc phải điều chỉnh chính sách ngoại giao năm 2015. Theo các nhà phân tích, cuộc đối thoại Nhật – Trung ngày 19/3 và cuộc hội đàm Nhật – Trung – Hàn hai ngày sau đó thực chất là những bước điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Và, nhiều khả năng, đây là một bước đi “ngầm” sửa sai của chính quyền Bắc Kinh khi họ nhận ra rằng, “gây sự” với Nhật Bản dẫn tới căng thẳng với Mỹ, thực sự chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Nếu không giải quyết ổn thỏa, ít ra là về mặt hình thức, với Nhật Bản và Hàn Quốc, thì sẽ không giải quyết được căng thẳng với Mỹ. Có vẻ, Trung Quốc đã rút ra được bài học từ trong quá khứ, nên họ đã phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay.

Hai năm trước, khi quan hệ Nhật – Trung căng thẳng, khi phong trào chống Trung Quốc ở Mỹ nổi lên, ở cả lưỡng viện và trong dư luận 320 triệu người dân Mỹ, ngày 7/6, ông Tập Cận Bình, thay vì tới thăm Mỹ chính thức, đã phải đề nghị một cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Obama tại California. Tất nhiên, đây cũng là một bước đi khôn ngoan của Chủ tịch Trung Quốc.

Tựu trung lại, theo các chuyên gia phân tích quốc tế, cuộc hội đàm Nhật – Trung – Hàn diễn ra chủ yếu là do Trung Quốc nắm thế chủ động trong bộ ba này. Từ đó cho thấy, tình trạng nóng – lạnh của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á hầu như là do Trung Quốc. Chuyển động trong khu vực đang chuyển sang trạng thái mềm dẻo, ngòi nổ được tháo dỡ dẫn tới tình hình dịu đi, cũng một phần xuất phát từ chính quyền Bắc Kinh.

Khổng Hà
.
.
.