Tiết lộ khả năng quân sự của Syria

Thứ Tư, 04/09/2013, 23:10
Mặc dù Quốc hội Anh đã phủ quyết việc đánh Syria, nhưng Mỹ, Pháp và một số nước khác vẫn chưa từ bỏ ý định can thiệp quân sự vào nước này. Việc này có thể diễn ra sau khi đoàn thanh sát của Liên hợp quốc rời Syria (31/8) và trước khi Quốc hội Pháp nhóm họp (4/9). Do đó, dư luận hiện đang rất quan tâm tới khả năng quân sự của 2 bên, nếu cuộc tấn công Syria diễn ra.

Sự chuẩn bị của Tổng thống Bashar al-Assad

Dư luận quan tâm tới bản báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu quốc tế các vấn đề thế giới tại Stockholm, Thụy Điển. Bởi 71% vũ khí của Syria có nguồn gốc từ Nga và Moskva đã cung cấp cho Syria xe thiết giáp, xe tăng (T-72), các hệ thống pháo, máy bay tiêm kích (MiG-29), máy bay chiến đấu (SU-24), tàu chiến, tên lửa và các bệ phóng tên lửa (tên lửa chống hạm Yakhont), không kể đến các loại súng. Nhưng phải kể tới hệ thống phòng không tầm xa S-200, hệ thống phòng không tự hành ZSU-23-4, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung SA-6, tên lửa Scud… Có số liệu cho rằng, Syria đã chi hơn 4 tỷ USD để mua vũ khí từ Nga. Ngoài Nga, Iran, Iraq cũng chiếm một tỷ lệ tương đối về số lượng vũ khí bán cho Syria, theo sau là Belarus và một số quốc gia khác.

Binh sỹ của Syria.

vũ khí của Syria.

vũ khí của Syria.

vũ khí của Syria.

Sức mạnh của hệ thống phòng không Syria còn được tạo nên bởi các tên lửa chống hạm có sức công phá cao và đặc biệt là hai hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh P-800 Onyx. Hệ thống radar có thể theo dõi 100 mục tiêu trong cùng một thời điểm và đồng thời tấn công 12 mục tiêu. Syria được cho là đang có trong tay khoảng 900 hệ thống tên lửa phòng không, 4.000 pháo phòng không cỡ nòng từ 23-100mm và 48 hệ thống phòng không S-200 Angara với khả năng chống nhiễu cực kỳ hiệu quả. Syria còn có 5 trận địa S-200 đang hoạt động với tầm bắn từ 160 đến 400km được Nga thiết kế để bắn hạ máy bay F-4 Phantom. Syria có ít nhất 200 bệ phóng tên lửa 2K12 Kub SAM (SA-6) được thiết kế nhằm triệt hạ các mục tiêu bay trong tầm thấp và trung. SS-21 Scarab là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn đang được Syria sử dụng.

Quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad còn sở hữu hàng chục trực thăng vũ trang hạng nặng có khả năng vận chuyển tên lửa và đánh bom. Theo số liệu năm 2012 mà tạp chí Business Insider tiết lộ, quân đội Syria có gần 5.000 xe tăng, 1.000 súng cối, 7.000 vũ khí chống tăng. Trong kho dự trữ của Syria có lưu trữ Sarin, khí Mustard, Tabun và VX. Đây đều là chất độc hóa học có tác động mạnh lên hệ thần kinh con người. Có tin nói rằng, tên lửa Scud và hàng chục bệ phóng đã được đưa tới một căn cứ ở phía Bắc Damascus.

Lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu

Được biết, hải quân Mỹ đang có 4 tàu khu trục tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải, với mỗi tàu được trang bị 96 tên lửa hành trình Tomahawk (có giá khoảng 1,4 triệu USD/quả). Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Mahan, USS Gravely, USS Barry và USS Ramage đang ở gần hải phận Syria. Có tin nói rằng, tàu khu trục USS Stout trang bị tên lửa dẫn đường đang trên đường tới hỗ trợ tàu USS Mahan. Các tàu ngầm được trang bị tên lửa cũng đang hoạt động tại Địa Trung Hải, cho dù Mỹ không khẳng định sự hiện diện của chúng.

Một số tàu ngầm, bao gồm tàu ngầm tên lửa SSGN có khả năng mang 154 tên lửa, đã tham gia chiến dịch tấn công Libya. Tàu ngầm Florida được cho là đã phóng 99 tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu ở Libya trong tháng 3-2011. Mỹ có thể dùng tên lửa hành trình phóng từ biển hoặc máy bay ném bom tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự của Syria. Máy bay ném bom B1, B2 của Mỹ cũng có khả năng mang tên lửa hành trình không đối đất thông thường và sẵn sàng được sử dụng nếu cuộc tấn công Syria nổ ra. Mỹ cũng đã điều hệ thống tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-16 tới Jordan để sẵn sàng khai hỏa. Ngoài ra còn phải kể tới tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp cùng máy bay tiêm kích Rafale và Mirage của nước này.

Theo giới chuyên môn, nếu đánh Syria, Mỹ sẽ tốn hàng tỷ USD. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, chỉ trong vài tuần đầu tiên NATO can thiệp quân sự vào Libya hồi năm 2011, Mỹ đã tốn 608 triệu USD. Theo Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, chi phí chung cuộc mà Mỹ chi cho chiến dịch ở Libya là 1,1 tỷ USD. Ngoài ra còn khoảng vài tỷ USD của các nước đồng minh.

Trong khi Mỹ dự định tấn công quân sự vào Syria chỉ vài ngày, giới phân tích lại cho rằng, chi phí của cuộc tấn công này sẽ tương đương với chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng của NATO nhằm lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi vào đầu năm 2011.

Theo giới quân sự, nếu khai hỏa cuộc chiến, trước tiên lực lượng liên quân sẽ phải tìm mọi cách để vô hiệu hóa được các hệ thống phòng không, không quân của Syria vì đây là lực lượng có khả năng bảo vệ vùng trời, vùng biển, khống chế các điểm cao trên lãnh thổ. Liên quân Mỹ sẽ phải khống chế khoảng 650 trận địa pháo, tên lửa, cao xạ chống máy bay, hơn 1.000 quả tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, trong đó có cả phiên bản tên lửa phòng không S-300.

Có tài liệu nói rằng, tổng quân số binh sỹ Syria vào khoảng 178.000 quân (chưa kể khoảng 314.000 lính dự bị), trong đó lục quân có 110.000, hải quân có 5.000, không quân có 27.000, phòng không có 36.000. Quân đội Syria có 325 chiến đấu cơ gồm MiG-21, MiG-23, MiG-25 (30 chiếc), MiG-29 (60 chiếc) và Su-22s. Không quân Syria sở hữu khoảng 55 trực thăng Mi-8 và 45 chiếc Mi-17 cùng một số Mi-24 (loại trực thăng vũ trang hạng nặng, có khả năng vận chuyển tên lửa và đánh bom tùy theo nhiệm vụ) cùng 33 trực thăng tấn công. Theo tờ Guardian của Anh, không quân Syria đang xem xét sử dụng phi công cảm tử để đáp trả các cuộc tấn công của phương Tây. Theo đó, có ít nhất 8.000 chiến binh "tử vì đạo" của Syria sẵn sàng đương đầu với chiến đấu cơ Mỹ nếu nước này bị tấn công.

Theo đánh giá của giáo sư về an ninh quốc gia thuộc Đại học Georgetown tại Mỹ Christopher Swift, quân đội Syria tuy không phải là lực lượng vũ trang lớn, nhưng có 5 ưu điểm nổi bật.

Thứ nhất, duy trì quân số thường trực ở mức 70.000 - 80.000 binh sĩ, nhưng có thể tổng động viên lên tới 100.000 người. Ngoài ra phải kể tới nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah có trụ sở tại Lebanon đã đưa hàng ngàn chiến binh tới tham chiến trên đất Syria. Iran cũng gửi hàng trăm cố vấn từ Lực lượng đặc nhiệm Qods tới Syria để đào tạo binh sĩ Syria cách đối phó với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Thứ hai, tuy là quân đội nhưng lực lượng này chủ yếu làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội bộ nên luôn mua bán vũ khí phòng không, trực thăng chiến đấu và sở hữu nhiều súng cối. Do đó, lực lượng nổi dậy khó giành được lợi thế trước quân đội.

Thứ ba, có tinh thần đồng đội cao hơn rất nhiều so với quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein. Tổng thống Bashar al-Assad chủ yếu dựa vào lực lượng của người Alawite và họ trung thành với sứ mệnh duy trì sự kiểm soát của nhà nước đối với các sắc tộc khác.

Thứ tư, được trang bị vũ khí đầy đủ và hiện đại, từ xe tăng, xe bọc thép tới trực thăng chiến đấu.

Thứ năm, sở hữu hệ thống phòng không mạnh. Nhờ mua khá nhiều thiết bị phòng không, nhất là hệ thống tên lửa phòng không tối tân do Nga chế tạo nên quân đội Syria có thể kiểm soát được không phận của nước này. Ngoài ra, Syria đang sở hữu tổ hợp phòng không tích hợp Pantsir-S1, có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình Mỹ. Hệ thống phòng không di động tầm thấp SA-8 của Syria cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao dưới 12km.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.