Tia hi vọng mới cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Thứ Hai, 08/12/2014, 09:48
Phát biểu sau cuộc gặp diễn ra gần thủ đô Moskva hôm 6/12, cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều khẳng định mong muốn sớm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Trước đó, hôm 5/12, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố bắt đầu nới lỏng trừng phạt đối với một số ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank và VTB, cũng như nền công nghiệp dầu lửa của nước này.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Nga diễn ra chớp nhoáng tại sân bay Vnukovo khi Tổng thống Hollande đang trên đường trở về sau chuyến thăm chính thức Kazakhstan kéo dài hai ngày và có chặng dừng chân bất ngờ tại thủ đô Moskva.

Trước khi bước vào thảo luận kín, ông Hollande đã nói với người đồng cấp Putin đây là thời điểm để hai bên nắm bắt cơ hội giải quyết những bất đồng. Tổng thống Pháp bày tỏ, ông muốn phát đi một thông điệp về “xuống thang căng thẳng” nhằm xóa bỏ mọi bức tường ngăn giữa Nga và phương Tây. Theo ông điều này là hoàn toàn có thể.

Ông Hollande nhấn mạnh, cả Nga và Pháp đều có nghĩa vụ phải huy động mọi công cụ có thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng (tại Ukraine) và công cụ chính hiện nay vẫn là nghị định thư hòa bình đạt được tại Minsk, Belarus. Ông Hollande nói: “Cả tôi và Tổng thống Nga đều muốn tranh thủ cuộc gặp ngắn ngày hôm nay để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine vì nhân dân Ukraine, vì châu Âu và vì Nga. Tôi biết, cả Nga và Pháp đều muốn tìm kiếm một giải pháp. Mới đây tôi đã tới Kazakhstan và ở đây cũng từng có những vấn đề tương tự và tôi tin rằng có những lúc bạn cần phải nắm bắt lấy cơ hội và cơ hội sẽ đến”.

Đáp lại, Tổng thống Putin cho rằng, hiện còn “nhiều vấn đề khó khăn” nhưng ông tin tưởng “chuyến thăm làm việc ngắn (của nhà lãnh đạo Pháp) có thể góp phần tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề”, đồng thời đóng góp vào một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine trong khuôn khổ cuộc đối thoại Normandy diễn ra tại Pháp hồi tháng 6. Ông nêu rõ: “Tôi thực sự hi vọng một quyết định cuối cùng về lệnh ngừng bắn sẽ được đưa ra trong tương lai gần. Tôi đã thảo luận chi tiết với Tổng thống Pháp về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng rằng Nga, Pháp và nhiều nước khác có liên quan đến quá trình giải quyết xung đột Ukraine cũng sẽ đều ủng hộ cho điều đó”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp hôm 6/12. Ảnh: Reuters.

Ông chủ Điện Kremli tái khẳng định Nga ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và hi vọng các bên sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại khu vực. Tổng thống Pháp Francois Hollande là lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái, khiến EU và Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva với lý do Nga ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, tuyên bố của EU đưa ra hôm 5/12 cho phép các ngân hàng Nga huy động “những khoản vay có mục tiêu rõ ràng và giải thích bằng văn bản nhằm đảm bảo việc cung cấp các nguồn vốn khẩn cấp để đáp ứng được các yêu cầu về tính thanh khoản và quản lí nợ của những cá nhân trong Liên minh, những người sở hữu hơn 50% cổ phần trong Annex III (ám chỉ các ngân hàng của Nga)”. Trong tuyên bố của mình, EU cũng nói rõ những điều kiện để khối này xoá bỏ quy định cấm cung cấp thiết bị cho hoạt động khai thác dầu. Theo đó, họ sẽ “cho phép bán, cung cấp, vận chuyển hay xuất khẩu các hàng hoá cấp thiết cho việc ngăn chặn hoặc giảm thiểu những sự việc có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và an toàn của con người hay môi trường xung quanh”. Xét về cơ bản, việc cung cấp các thiết bị cho Nga và các vùng đặc khu kinh tế hay lãnh thổ ngoài khơi vẫn bị cấm. Bên cạnh đó, tuyên bố của EU có nhắc đến “việc khai thác dầu ở Bắc Cực”, ám chỉ lệnh cấm vận được áp dụng đối với những hoạt động khai thác ở ngoài khơi Bắc Cực. “Thám hiểm vùng nước sâu”, ám chỉ bất kì hoạt động khai thác dầu sâu hơn 150m so với mặt đất.

Trong một tuyên bố ngày 6/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh, “cuộc bầu cử bất hợp pháp được tổ chức tại các vùng lãnh thổ do lực lượng khủng bố kiểm soát (ám chỉ các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk) hôm 2/11 phải được hủy bỏ”, và rằng, “công việc chuẩn bị cho các cuộc bầu cử khu vực theo quy định của luật pháp Ukraine cần phải được bắt đầu”. Cùng ngày, ông Poroshenko cho biết, một cuộc họp tiếp theo của nhóm liên lạc về Ukraine có khả năng sẽ được tổ chức tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 9/12 tới. Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DNR) Denis Pushilin cho rằng, cuộc họp tiếp theo về việc giải quyết hòa bình ở miền Đông Ukraine cần phải được tổ chức tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 12/12. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo DNR cho rằng không cần phải có trung gian từ EU và Mỹ trong các cuộc đàm phán với nhóm liên lạc về Ukraine tại Minsk. Theo Chủ tịch Hội đồng tối cao DNR Andrei Purgin, sự tham gia của EU và Mỹ trong quá trình đàm phán sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Ông Andrei Purgin cho biết DNR hài lòng với hình thức của cuộc đàm phán với Kiev dưới sự trung gian của Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cũng trong ngày 6/12, Tổng thống Poroshenko đã chúc mừng các quân nhân của lữ đoàn số 92 nhân ngày thành lập Lực lượng Vũ trang Ukraine và bàn giao cho họ khoảng 100 đơn vị vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng và trực thăng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Stepan Poltorak đã ủng hộ tiến hành đợt huy động binh sỹ từng phần mới. Theo ông Poltorak, “cần luân phiên các binh sỹ đang phục vụ ngoài mặt trận”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.