Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ “chọc giận” Mỹ và Israel

Thứ Năm, 22/08/2013, 09:02
“Thùng thuốc súng” ở Trung Đông đang có nguy cơ phát nổ không chỉ bởi những vụ biểu tình bạo lực tràn lan ở Ai Cập, những cuộc đọ súng đẫm máu ở Syria và mâu thuẫn gay gắt giữa Fatah - Hamas - Israel, mà còn vì tuyên bố mới đây của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong đó cáo buộc Washington và Tel Aviv đứng đằng sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi.

Cả Mỹ và Israel đều tỏ ra tức giận trước những tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia TRT ngày 20/8. Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest gọi đây là “dấu hiệu của một sự tấn công”.

Ông Josh Earnest nói: “Chúng tôi phản đối tuyên bố của Thủ tướng Erdogan. Cho rằng Israel có trách nhiệm về những gì đang xảy ra ở Ai Cập là một điều vô lý”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor khẳng định, Tel Aviv không thấy cần phải trả lời về “những tuyên bố bôi nhọ này” và rằng sẽ không thể tìm được bất kể một bằng chứng nào cho thấy có sự liên quan giữa Israel và các vấn đề ở Ai Cập hiện nay.

Chính phủ lâm thời Ai Cập cho rằng, không ai “tỉnh táo và công bằng” mà có thể chấp nhận cáo buộc của ông Erdogan. Theo tin từ hãng Reuters, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà lãnh đạo chỉ trích nặng nề nhất vụ lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Mursi và bắt giữ hàng loạt thủ lĩnh cấp cao thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của lực lượng quân đội Ai Cập.

Phát biểu trước các thành viên Đảng AK có nguồn gốc Hồi giáo hôm 20/8, ông Recep Tayyip Erdogan khẳng định: “Họ nói gì ở Ai Cập? Dân chủ không nằm trong thùng bỏ phiếu? Ai đứng sau chuyện đó? Chính là Israel. Chúng tôi có bằng chứng trong tay”.

Dù không nói rõ “bằng chứng trong tay” gồm những gì, song Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc lại rằng, trước cuộc bầu cử năm 2011, trong cuộc họp ở Pháp, Bộ trưởng Tư pháp đã nói chuyện với một quan chức ở Pháp rằng, trong trường hợp MB giành chiến thắng của cuộc bầu cử, họ cũng không thể thắng được bởi “dân chủ không nằm trong thùng bỏ phiếu”. Ông Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Đó chính xác là những gì đã, đang và sẽ xảy ra”.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Mursi vẫn tiến hành biểu tình trên đường phố bất chấp sự trấn áp của lực lượng quân đội Ai Cập.

Chưa hết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Tổng Thư ký OIC rằng, họ đã không thống nhất quan điểm trong việc ngăn chặn bạo lực đẫm máu xảy ra ở Ai Cập. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố, sẽ từ chức Chủ tịch OIC vì “không chấp nhận được thái độ thờ ở của một tổ chức Hồi giáo với những gì đang xảy ra ở Ai Cập. Bên cạnh đó, ông Bekir Bozdag còn cho rằng, nếu Tổng Thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu cũng có quyết định tương tự thì sẽ tạo nên một áp lực lớn đối với chính phủ lâm thời của Ai Cập.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của một số nước và tổ chức quốc tế cùng sự phản đối kịch liệt của MB về việc đàn áp những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Mursi và về vụ bắt giữ người đứng đầu MB Mohamed Badea, đại diện chính quyền lâm thời Ai Cập hôm 20-8 đã lên tiếng bảo vệ quyết định này và khẳng định, những việc này đều được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng lâm thời Ai Cập phụ trách các vấn đề kinh tế Behaa El Din tuyên bố, cánh cửa đối thoại và thỏa hiệp vẫn rộng mở với tất cả các lực lượng chính trị trong nước. Ông Behaa El Din khẳng định: "Mục tiêu cơ bản trong chương trình hành động của Chính phủ vẫn là ủng hộ tất cả các lực lượng trong nước, tất nhiên là những lực lượng không cầm súng chống lại Nhà nước, tham gia tiến trình chính trị. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch lộ trình chuyển giao quyền lực".

Đến tối 20/8, MB đã chỉ định ông Mahmoud Ezzat đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tối cao tạm thời thay ông Mohamed Badea. Nhiều nhà phân tích nhận định, việc bắt giữ ông Mohamed Badea có thể không ảnh hưởng đến sức mạnh cũng như lập trường của tổ chức này, thậm chí còn khiến tình hình căng thẳng thêm khi các tổ chức Hồi giáo có thể tìm cách trả đũa. Hiện để giảm tải sức nóng ở Ai Cập hiện nay, Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng đã đề nghị sẽ giúp làm trung gian hòa giải, tìm biện pháp chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở xứ sở Kim tự tháp. 

Cựu Phó Tổng thống ElBaradei bị kiện vì phản bội lòng tin

Tin từ tờ Telegraph ngày 21/8 cho hay, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohammed ElBaradei, người vừa từ chức Phó Tổng thống Ai Cập hồi tuần trước, sẽ bị kiện ra tòa vì tội phản bội lại lòng tin. Người đứng đơn kiện là một giáo sư về luật học thuộc Đại học Helwan tên là Sayyed Ateeq.

Trong đơn kiện, ông Sayyep Ateeq cho rằng, ông ElBaradei đã được chỉ định làm Tổng thống vì ông là đại diện của Mặt trận cứu quốc (NSF). Theo ông Sayyep Ateeq, việc ông ElBaradei từ chức hôm 14/8 để phản đối lực lượng quân đội trấn áp người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Mursi chứng tỏ ông đã phản bội lại lòng tin của NSF và của Tổng thống lâm thời.

Người phụ trách báo chí của đảng Dostour do ông ElBaradei thành lập cho rằng, vụ kiện của ông Sayyep Ateeq là không hợp pháp và chỉ nhằm mục đích làm xấu đi hình ảnh của cựu Tổng Giám đốc IAEA. Được biết, phiên xử vụ kiện này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/9 và nếu bị tuyên bố là có tội, ông ElBaradei có nguy cơ phải ngồi tù 3 năm. (Hà Linh)

Gia Nam
.
.
.