Thủ tướng Pakistan bị buộc tội coi thường tòa án

Thứ Sáu, 27/04/2012, 09:28
Ngày 26/4, tòa án tối cao Pakistan đã buộc tội Thủ tướng Yusuf Raza Gilani tội không chấp hành án vì từ chối mở lại các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari. Mặc dù vậy, ông Yusuf Raza Gilani lại được miễn ngồi tù và chính điều này đã gây nhiều tranh cãi trên chính trường cũng như là cái cớ để các đảng đối lập chỉ trích, tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố.

An ninh đã được thắt chặt ở thủ đô Islamabad từ hôm 25/4 và đến chiều 26/4, lực lượng cảnh sát đã được lệnh tăng cường tuần tra trên các đường phố, kịp thời phát hiện những vụ việc phá hoại trật tự trị an. 1.000 cảnh sát và máy bay trực thăng được huy động để bảo vệ an ninh xung quanh tòa án tối cao. Nguyên do là vì ngay sau tuyên bố của tòa án tối cao đối với Thủ tướng Yusuf Raza Gilani, nhiều chính trị gia thuộc các đảng đối lập đã có những phản ứng gay gắt.

Ông Nawaz Sharif, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz, người từng hai lần làm Thủ tướng đã kêu gọi ông Yusuf Raza Gilani từ chức. Phát biểu trên đài truyền hình tư nhân Geo, ông Nawaz Sharif nói: “Thủ tướng nên từ chức ngay lập tức. Việc từ chức đúng thời điểm sẽ giúp Pakistan tránh bị lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới”.

Lập luận của ông Nawaz Sharif là, tuyên bố của tòa án tối cao được đưa ra dựa trên sự thật và thực tế kết quả điều tra. Thủ lĩnh đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz nhấn mạnh: “Dù Thủ tướng không bị tòa án trừng phạt bằng án tù nhưng bản thân ông ta phải thấy xấu hổ”. Đồng thời, ông Nawaz Sharif cũng đe dọa, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz hiện đang gần như “kiểm soát” tỉnh Punjab lớn nhất ở Pakistan sẽ đệ trình vấn đề này lên Quốc hội, đề nghị Quốc hội có biện pháp đối với Thủ tướng Yusuf Raza Gilani”.

Thủ tướng Yousuf Raza Gilani vẫy tay chào những người ủng hộ sau khi rời tòa án tối cao sáng 26/4. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, người đứng đầu đảng Jamaat-e-Islami Munawar Hussain cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của thủ lĩnh Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz. ông Munawar Hussain cho rằng, Thủ tướng nên từ chức để tránh rắc rối sau này.

Theo tin từ hãng AP và truyền hình Nhà nước Pakistan, sáng 26/4, tòa án tối cao Pakistan đã tuyên Thủ tướng Yousuf Raza Gilani tội không chấp hành án, song miễn ngồi tù đối với ông và cũng không có kết luận nào về việc ông phải từ chức hay không. Dẫu vậy, tòa án vẫn đưa ra lời tuyên án mang tính biểu tượng đối với ông Yousuf Raza Gilani là thụ án "cho tới khi phiên tòa kết thúc", hoặc khi các thẩm phán rời khỏi phòng xét xử có nghĩa ông chỉ bị "giam giữ" vài phút tại tòa.

Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã phủ nhận tội coi thường toà án vì không mở lại các vụ việc tham nhũng chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari. Khi đó, ông Asif Ali Zardari và vợ quá cố, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị cáo buộc sử dụng tài khoản Ngân hàng Thụy Sỹ để rửa khoản tiền hối lộ 12 tỷ USD từ một số công ty. Phía Thụy Sĩ đã đóng hồ sơ này sau khi ông Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống năm 2008.

Một công tố viên Thụy Sĩ cho biết không thể mở lại hồ sơ chừng nào ông Asif Ali Zardari vẫn ở cương vị Tổng thống và được hưởng quyền miễn trừ. ông Yousuf Raza Gilani cũng bảo vệ Tổng thống bằng tuyên bố ông này có quyền miễn trừ của một nguyên thủ quốc gia. Theo ông Rashid Rizvi, nguyên Thẩm phán Tòa án tối cao Pakistan, Thủ tướng có quyền kháng cáo lên tòa án tối cao mở rộng và luật sư bào chữa khẳng định, các thủ tục kháng cáo đang được tiến hành.

Vụ việc bắt nguồn từ chuyện ông Yousuf Raza Gilani không viết thư đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại các cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari theo lệnh của một tòa án Pakistan. Thời điểm đó là vào năm 2009, sau khi tòa án tối cao cho rằng thỏa thuận về việc kết thúc vụ án điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng thống là bất hợp pháp, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani từ chối viết thư cho giới chức Thụy Sĩ đề nghị mở lại điều tra. Trong nội bộ chính quyền Islamabad cũng đã có những tranh cãi về việc có nên để ông Asif Ali Zardari được hưởng quyền miễn trừ truy tố hay không.

Từ năm ngoái, khi vụ việc được nêu ra, mâu thuẫn giữa lực lượng quân đội Pakistan và chính phủ nước này lại xuất hiện, nhất là sau khi xảy ra vụ đặc nhiệm Mỹ đột nhập vào làng Abottabad mà an ninh Pakistan không hề biết trước và tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Đến đầu năm 2012, phiên tòa xét xử nhằm vào Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã được mở và kéo dài 3 tháng với những phần tranh luận gay gắt giữa bên bị và bên nguyên. Một số nhà phân tích nhận định, phán quyết của tòa án tối cao Pakistan được xem ra là một thỏa hiệp, song nó có thể gây ra những vấn đề đối với ông Yousuf Raza Gilani, bởi đã bị một tòa án kết tội. Điều này có nghĩa Thủ tướng Pakistan hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm trong vài tuần hoặc có thể vài tháng tới.

Ngay sau phiên tòa, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã triệu tập một cuộc họp nội các bất thường để xem xét những tác động của phán quyết đối với ông. Tổng thống Asif Ali Zardari cũng triệu tập một cuộc họp của lãnh đạo đảng cầm quyền và các đối tác liên minh để thảo luận về những diễn biến chính trị nảy sinh sau phán quyết của tòa án

Huyền Chi
.
.
.