Thủ tướng Nhật Bản 'nhắm' ba trọng tâm trong chuyến thăm Washington

Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:01
Giới phân tích chỉ ra rằng, trong bài phát biểu của mình, ông Abe đã nêu bật được ba trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ lần này, gồm xử lý những vấn đề quá khứ, mở rộng hợp tác quốc phòng và thúc đẩy hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tối 29/4 (giờ Việt Nam), lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm tồn tại của Liên minh Mỹ - Nhật, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu lịch sử trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ với những nội dung về quan hệ giữa hai nước.

Giới phân tích chỉ ra rằng, trong bài phát biểu của mình, ông Abe đã nêu bật được ba trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ lần này, gồm xử lý những vấn đề quá khứ, mở rộng hợp tác quốc phòng và thúc đẩy hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Abe ca ngợi một chương mới trong liên minh Nhật-Mỹ với những định hướng quan trọng về hợp tác quốc phòng, đồng thời khẳng định Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đảm nhận một vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới: “Tại Nhật Bản, chúng tôi đang đẩy mạnh củng cố nền tảng luật pháp trong lĩnh vực an ninh để có thể ứng phó tốt hơn với khủng hoảng ở mọi cấp độ. Nền tảng pháp luật này sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng như củng cố liên minh Nhật - Mỹ, tạo ra một sự răn đe hiệu quả để bảo vệ hòa bình trong khu vực”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là “nền tảng” của an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe cũng chính thức công bố hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới, cho phép lực lượng Nhật hỗ trợ quân đội Mỹ khi bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Nhật.

Tổng thống Mỹ khẳng định lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trước bất kỳ mối đe dọa nào nhắm vào lãnh thổ quốc gia Đông Á, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới quyền kiểm soát của Tokyo và Trung Quốc cũng đang đòi chủ quyền. Thủ tướng Nhật Bản mô tả quan hệ Mỹ - Nhật “năng động hơn bao giờ hết” và là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” của chính quyền Tokyo.

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Abe đã gửi lời chia buồn tới tất cả những người Mỹ đã ngã xuống trong Thế chiến II, đồng thời bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” về những hành động của Nhật Bản đối với các nước láng giềng châu Á trong thời kỳ này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rằng, ông ghi nhận giá trị những lời xin lỗi trước đây của các tiền nhiệm trong đó có phát biểu lịch sử năm 1995 của cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama.

Thủ tướng Abe nói: “Sau chiến tranh, chúng tôi đã bắt đầu ghi nhớ trong tâm trí những cảm giác hối hận sâu sắc về cuộc chiến này. Những hành động của chúng tôi đã gây ra đau khổ cho nhân dân của các nước châu Á. Chúng tôi không được phép làm ngơ trước điều đó. Chúng tôi hiện đi theo một nguyên tắc chỉ đạo mới là chủ động đóng góp cho hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế”.

Ông Abe nhấn mạnh, quá khứ không thể thay đổi, vì vậy, Nhật Bản, Mỹ và các nước trong khu vực cần hướng về tương lai, đóng góp hết sức mình vì sự phát triển chung của châu Á. Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng đã tận dụng bài phát biểu của mình để bày tỏ lập trường của Tokyo về các tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ ở châu Á. Ông kêu gọi các nước triệt để tôn trọng những nguyên tắc đàm phán hòa bình, đồng thời cho rằng không quốc gia nào được phép “sử dụng vũ lực hay ép buộc hòng hiện thực các những tuyên bố chủ quyền”.

Phản ứng trước lời xin lỗi của Thủ tướng Nhật Bản, ngày 30/4, CHDCND Triều Tiên đã phê phán ông Abe không đưa ra lời xin lỗi về việc Nhật Bản đã cưỡng ép phụ nữ châu Á, đặc biệt là phụ nữ CHDCND Triều Tiên, làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến II. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc ông Abe che giấu các tội ác thời chiến trước đây của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi ông chấm dứt xúc phạm nạn nhân của các tội ác này.

Quan chức này được dẫn lời khẳng định rằng những tội ác của quân đội Nhật Bản trong thời gian chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên và Thế chiến II là những thực tế lịch sử rõ ràng không thể che giấu được, đồng thời kêu gọi Tokyo từ bỏ cách nghĩ “lỗi thời”, đưa ra lời xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân.

Bài phát biểu của Thủ tướng Abe cũng được xem là cơ hội để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP. Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “TPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có giá trị an ninh và chiến lược lâu dài. Hiệp định này bao trùm một khu vực chiếm 40% giá trị kinh tế và 1/3 thương mại toàn cầu và chúng ta phải biến nó trở thành khu vực hòa bình và thịnh vượng lâu dài vì tương lai của con cháu chúng ta”.

Trước đó, tại buổi họp báo chung, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật cho biết hai nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình đàm phán TPP. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chính trị liên quan đến thương mại là rất khó khăn ở cả hai nước, nhưng tôi và Thủ tướng Abe đều quyết tâm đạt được TPP và chúng tôi tin rằng sẽ thành công”.

Về phần mình, Thủ tướng Abe bày tỏ hi vọng đàm phán TPP sẽ sớm kết thúc: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để đưa đàm phán TPP tới giai đoạn cuối cùng”. Giới quan sát cho biết, hiện trong đàm phán TPP, Mỹ và Nhật vẫn còn bất đồng trong các lĩnh vực như xuất khẩu ôtô và nông nghiệp. Ngoài ra, hầu hết các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama cũng phản đối do lo ngại về khả năng nhiều người lao động Mỹ sẽ mất việc làm do các công ty trong nước tìm kiếm nguồn nhân công rẻ hơn tại nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ và Nhật Bản sẽ kết thúc đàm phán song phương trong một vài tuần tới, một điều kiện thiết yếu để hoàn tất hiệp định TPP với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.