Thủ tướng Italia đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ

Thứ Ba, 01/10/2013, 08:55
Ngày 2/10, sự tồn tại của Chính phủ Italia do Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 của Eurozone bắt nguồn từ việc 5 Bộ trưởng trong chính phủ thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức hồi tuần trước.

Theo các nhà phân tích, những động thái mới đây của các chính trị gia thuộc đảng PDL đã được khuyến cáo từ hồi tháng 4 khi phái trung tả của ông Enrico Letta và phái trung hữu của ông Silvio Berlusconi có những cuộc đụng độ, tranh cãi căng thẳng về các biện pháp cải tổ chính trị và kinh tế đúng vào thời điểm khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chìm trong khủng hoảng nợ công. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi cựu Thủ tướng Italia bị kết tội gian lận thuế hồi tháng 8.

Khi đó, ông Silvio Berlusconi đã đe dọa sẽ kêu gọi các Bộ trưởng là thành viên đảng PDL rút khỏi chính phủ nếu như ông bị Thượng viện tước bỏ mọi ưu đãi của một Thượng nghị sĩ và loại ông ra khỏi Quốc hội. Điều này là hoàn toàn có thể bởi Quốc hội Italia đã có quy định cấm những người bị kết tội tham gia cơ quan này. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng, hành động từ chức của 5 Bộ trưởng thuộc đảng PDL chỉ là “đổ thêm dầu” vào lửa trong vấn đề Italia mà thôi.

Thủ tướng Italia Enrico Letta trong một cuộc họp tại Hạ viện. Ảnh: Reuters.

Nghĩa là, PDL đã biết chọn thời điểm để “gây chiến” với Thủ tướng Enrico Letta, bởi lẽ chỉ một ngày trước khi các lá đơn xin từ chức được công bố, Chính phủ Italia đã không đạt được các biện pháp tài khóa nhằm giữ thâm hụt ngân sách không vượt quá các mức giới hạn của Liên minh châu Âu (EU). Đây mới chính là lý do khiến lòng tin đối với thị trường Italia bị đảo ngược, đẩy chính phủ vào tình thế khó khăn hơn trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế…

Và nó cũng nhanh chóng trở thành “đòn bẩy” để ông Silvio Berlusconi đưa ra các cáo buộc mới cho rằng Thủ tướng Enrico Letta đã đóng băng các hoạt động chính phủ, vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận thành lập chính phủ…

Tin từ tờ Guardian của Anh cho hay, ngày 29/9, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano và Thủ tướng Enrico Letta đã có cuộc họp nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Quan điểm của ông Giorgio Napolitano là những phát biểu bày tỏ quan điểm khác nhau của các chính trị gia trung hữu đã tạo nên một “môi trường rõ ràng là bất ổn liên quan đến những diễn tiến có thể xảy ra sắp tới. Vì vậy, Thủ tướng sẽ phải trình bày trước Quốc hội về đánh giá của ông liên quan đến tình hình cũng như những giải pháp cần thực hiện”.

Ngay lập tức, ông Enrico Letta tuyên bố ông sẽ đề nghị Quốc hội tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với liên minh của ông vào ngày 2/10. Với lá bài này, nhiều khả năng, Thủ tướng sẽ giành được phần thắng bởi phái trung tả của ông đang chiếm đa số tại Hạ viện. Trong trường hợp cuộc bỏ phiếu tín nhiệm không diễn ra theo đúng kịch bản mà ông Enrico Letta mong đợi, các cuộc thương thuyết sẽ được bắt đầu để tìm ra phía đa số mới trong Quốc hội, nhằm ủng hộ nội các mới và tránh phải tiến hành một cuộc bầu cử khác diễn ra đúng 7 tháng sau cuộc bỏ phiếu gần đây nhất.

Giới quan sát cho rằng, với tình hình kinh tế của Italia nói riêng và châu Âu nói chung hiện nay, ít đảng phái chính trị ở Italia dám “cược” vận mệnh chính trị nước mình vào một cuộc bầu cử mới. Vì vậy, nhiều khả năng, nếu không thu hẹp được khoảng cách với phe trung hữu, liên minh chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta sẽ tan rã, nhường chỗ cho một liên minh chính phủ mới giữa phe trung tả, các thành viên trung hữu ly khai và nhóm cánh tả.

Cho đến chiều 30/9, kịch bản này có vẻ khả thi khi mà 3 trong số 5 Bộ trưởng từ chức của PDL đột nhiên thú nhận rằng họ miễn cưỡng làm vậy vì chính ông Silvio Berlusconi đã chọn họ vào vị trí này trước đó. Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano nói rằng ông sẽ “ủng hộ ông Berlusconi theo cách khác”, còn Bộ trưởng Giao thông Maurizio Lupi thì khẳng định: “Chúng tôi muốn ở lại với ông Berlusconi nhưng không phải với các cố vấn kém cỏi của ông ấy”.

Bộ trưởng Y tế Beatrice Lorenzin cũng nói: “Tôi hoàn toàn hiểu ông Berlusconi muốn gì, song tôi không thể chia sẻ chiến lược đó”. Nhiều Bộ trưởng khác trong chính phủ và các thành viên chủ chốt của PDL cũng tuyên bố sẽ “làm theo lương tâm mách bảo” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Phan Hiển
.
.
.