Thủ tướng Iraq bị cáo buộc “đổi súng lấy phiếu bầu”

Thứ Ba, 02/03/2010, 09:10
Tờ Timesonline số ra ngày 1/3 dẫn lời một cựu phát ngôn viên cơ quan tình báo Iraq (INIS) Saad al-Alusi cho hay, đương kim Thủ tướng Nour al-Maliki đã trao hàng ngàn khẩu súng trường cho thủ lĩnh các bộ lạc ở vùng núi Iraq để đổi lấy những lá phiếu ủng hộ.

Cáo buộc được đưa ra chỉ một tuần trước khi cuộc tổng tuyển cử Iraq bắt đầu đã khiến cho chính trường Iraq rung động. Kèm với lời cáo buộc, ông Saad al-Alusi đã cung cấp cho giới truyền thông những bức ảnh chụp ông Nour al-Maliki đang vui vẻ trao súng cho thủ lĩnh các bộ lạc và những người ủng hộ mình tại các tỉnh miền Nam. Chưa hết, những lá thư được gửi tới văn phòng Thủ tướng, bàn về việc này cũng đã được đưa ra trước công chúng.

Theo thông tin mà ông Saad al-Alusi cung cấp, khoảng 8.000 khẩu súng trường đã được Thủ tướng Nour al-Maliki đặt mua từ một nhà cung cấp ở Serbia từ cuối năm 2008. Chính INIS là nơi đứng ra đặt mua súng cho Thủ tướng. Sau đó, ông Nour al-Maliki còn đặt mua thêm 10.000 khẩu súng lục. Ông Saad al-Alusi  khẳng định, số vũ khí này được dùng như một cách để Thủ tướng Nour al-Maliki đổi lấy phiếu bầu từ các bộ lạc.

Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Ali al-Dabbagh đã nhanh chóng bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng đây chỉ là món quà mà chính phủ dành tặng cho các bộ lạc, nhằm giúp họ tăng cường an ninh. Trong khi đó, một số thủ lĩnh của các bộ lạc lại cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2010, Thủ tướng có tới thăm kèm theo các khoản tiền hỗ trợ, nhưng đều bị các bộ lạc từ chối.

Có thể nói rằng, những thông tin mà ông Saad al-Alusi đưa ra đang khiến giới quan sát thế giới lo ngại về một cuộc bầu cử không công bằng, chính trực có thể sẽ xảy ra ở Iraq. Đáng chú ý là, cáo buộc này cũng đã bộc lộ rõ những mâu thuẫn khó điều hòa giữa chính phủ của Thủ tướng Nour al-Maliki và INIS.

Được thành lập dưới sự hỗ trợ tiền của và nhân lực từ CIA, INIS là một cơ quan hoạt động độc lập. Ngay từ khi ông Nour al-Maliki lên nắm quyền, căng thẳng thường xuyên xảy ra giữa văn phòng Thủ tướng và INIS nhất là khi Giám đốc INIS Muhammad al-Shahwani bị sa thải cùng 190 nhân viên. Về thông tin mà ông Saad al-Alusi cung cấp, Chủ tịch Uỷ ban liêm chính của Quốc hội Iraq Sheikh Sabah al-Sayedi hứa, sẽ cho kiểm tra và yêu cầu ông Nour al-Maliki giải thích.

Hiện, Thủ tướng vẫn đang gấp rút vận động tranh cử và tìm kiếm thêm những lá phiếu ủng hộ mình. Hôm 28/2, ông tuyên bố sẵn sàng liên kết với người Kurd hoặc người Hồi giáo dòng Shiite để thành lập một phe đa số sau cuộc bầu cử vào ngày 7/3. Một mặt, tuyên bố là dấu hiệu rõ nhất từ trước tới nay cho thấy, hy vọng về liên minh Nhà nước pháp quyền của ông Nour al-Maliki muốn đoàn kết với các phe phái, đối thủ sau cuộc bỏ phiếu, mặt khác, cũng cho thấy sự ủng hộ đối với Thủ tướng đang ngày càng ít đi. Điều đó được thể hiện ngay trong thái độ tẩy chay bầu cử của Mặt trận Đối thoại Quốc gia (NDF), đảng quan trọng của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni trong liên minh chính trị phi giáo phái tại Iraq và đảng Hội đồng quốc gia vì các bộ lạc Iraq (gồm cả người Sunni và Shiite). Hiện Liên minh Quốc gia Iraq (INA) đang là đối thủ chính của Thủ tướng Nour al-Maliki

Sông Thương
.
.
.