Thông qua những văn bản trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 21

Chủ Nhật, 18/11/2012, 17:50
Hội nghị hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sẽ thông qua một loạt văn bản cuối cùng để trình lên hội nghị Cấp cao ASEAN 21, hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan tổ chức trong đầu tuần tới.

Sáng 17/11, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự hội nghị AMM để chuẩn bị cho hội nghị Cấp cao ASEAN 21. Hội nghị AMM do Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong chủ trì. Hội nghị AMM sẽ thông qua một loạt văn bản cuối cùng để trình lên hội nghị Cấp cao ASEAN 21, hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan tổ chức trong đầu tuần tới. Tại hội nghị AMM, các ngoại trưởng cũng sẽ thông qua các nguyên tắc cơ bản cho các hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Mỹ...

Các hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN (APSC), hội nghị trù bị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (Prep-ASEM) và hội nghị Hội đồng hợp tác ASEAN (ACC). Cũng trong sáng 17/11, diễn đàn cấp cao kinh doanh và đầu tư ASEAN đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân đến từ 10 nước thành viên. Diễn đàn sẽ thảo luận sâu hơn cách thức để các nhà kinh doanh ASEAN tiếp cận các thị trường ngoài ASEAN thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 (FTA) và các Đối tác kinh tế toàn diện (CEP) và đây là diễn đàn bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 21.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh đến các chủ đề quan trọng cần quan tâm của diễn đàn như phát triển hạ tầng cơ sở, kết nối ASEAN, phát triển nguồn năng lượng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các xí nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư... nhằm thúc đẩy ASEAN thành khu vực thu hút đầu tư, thương mại.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm 3 quốc gia châu Á (Thái Lan, Myanmar và Campuchia) từ 17/11. Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Thomas Donilon cho biết, quyết định chọn châu Á làm đích đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với khu vực này, đồng thời đánh dấu bước khởi đầu của giai đoạn tiếp theo trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hội đàm với người đồng cấp Campuchia tại Siem Reap, Campuchia.

Theo ông Thomas Donilon, Mỹ đang điều chỉnh các kế hoạch cũng như chính sách để đảm bảo cân bằng lợi ích của nước này trên thế giới thông qua việc tập trung nhiều hơn các nguồn lực tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Mỹ tại châu Á là góp phần duy trì một môi trường an ninh ổn định, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mở và giải quyết các tranh chấp khu vực một cách hòa bình. Vẫn theo ông Thomas Donilon cho biết, Mỹ đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực - việc này thể hiện qua việc ông Barack Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali (năm 2011) và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự sự kiện này.

Dự kiến tại hội nghị Cấp cao ASEAN 21, Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận nhiều vấn đề đối với khu vực như an ninh hàng hải, thực thi luật pháp, ứng phó với thảm họa, an ninh lương thực và năng lượng. Tổng thống Barack Obama cũng sẽ tái khẳng định những nguyên tắc cơ bản về biển Đông - phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không cản trở thương mại hợp pháp, đảm bảo tự do hàng hải và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc gây sức ép kinh tế để giải quyết bất đồng. Đặc biệt, Mỹ ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Bởi COC sẽ tạo ra một khung giải quyết và ngăn ngừa tranh chấp dựa trên các quy tắc. Nhà Trắng thông báo, ngày 20-11, Tổng thống Barack Obama sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bên lề hội nghị Đông Á (EAS) tại Campuchia.

Cũng trong ngày 17/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Trước đó (16/11), tại cuộc gặp với 10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Siem Reap, Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã trình bày chiến lược xoay trục châu Á của Washington và việc Mỹ nối lại quan hệ với Myanmar.

Chiều 16/11, bên lề hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) được tổ chức tại Seam Riep, lãnh đạo quốc phòng các nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã có buổi tham vấn với ông Leon Panetta. Tại buổi gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các sáng kiến an ninh mở rộng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng các đối tác trong khu vực giải quyết những thách thức an ninh đang đặt ra như bảo đảm an ninh trên biển, an toàn hàng hải, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, đối phó với thiên tai. Ông Leon Panetta cho biết, Mỹ sẽ tham gia 3 cuộc tập trận quân sự tại Đông Nam Á trong năm tới với Brunei, Indonesia và Malaysia, đồng thời khẳng định chiến lược ở châu Á là lâu dài.

Giới truyền thông đưa tin, rất ít khi cả Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng cùng công du tới châu Á như lần này. Ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên công du nhiều nước Đông Nam Á kể từ năm 1975. Và chuyến công du châu Á lần này của Ngoại trưởng Hillary Clinton được coi để chia tay trước khi bà nghỉ hưu. Trước đó (13/11), khi phát biểu tại trường Đại học Tây Australia, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tăng cường hợp tác quân sự và tài chính đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác để xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, Trung Quốc và ASEAN sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán và đồng thuận để cuối cùng đạt được một bộ quy tắc ứng xử.

Trước đó (cuối tháng 7), ASEAN đã công bố "Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề biển Đông", trong đó tái khẳng định cam kết của các nước thành viên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC, đồng thời các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Tân Hồng-Tiên Du
.
.
.