Thông điệp liên bang 2015 của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Thứ Tư, 21/01/2015, 12:59
Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, ngày 20/1, Tổng thống Barack Obama đã đọc Thông điệp liên bang năm 2015 trước lưỡng viện. 

Đây là cơ hội để ông Barack Obama đánh giá tình hình nước Mỹ trong một năm qua và trình bày các mục tiêu chính sách đối nội, đối ngoại trong năm thứ 7 làm Tổng thống. Song vì năm nay Quốc hội Mỹ nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng hòa nên giới phân tích thế giới nhận định, người đứng đầu Nhà Trắng có thể không đưa ra nhiều mục tiêu lớn, bởi lộ trình thực hiện nó không hề dễ dàng.

Việc đọc thông điệp liên bang vào đầu năm mới đã trở thành động thái mang tính thủ tục theo quy định của Hiến pháp ở Mỹ. Bài phát biểu này được truyền hình trực tiếp tới toàn thể người dân Mỹ và được coi là đường hướng cho chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong năm 2015.

Điểm khác biệt duy nhất của lần đọc thông điệp liên bang này so với 6 lần đọc thông điệp liên bang khác của Tổng thống Barack Obama là ông phải trình bày các chương trình nghị sĩ và chính sách của chính phủ trước Quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát.

Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của kênh tin tức NBC, người phát ngôn Nhà Trắng Dan Pfeiffer cho biết, chủ đề chính của thông điệp liên bang 2015 là “kinh tế của tầng lớp trung lưu” và cách thức cải thiện vấn đề tiền lương cũng như kích thích kinh tế.

Ông Barack Obama cũng sẽ kêu gọi tăng đánh thuế những người giàu và công ty tài chính lớn để giảm bớt thuế cho tầng lớp trung lưu; đưa ra chương trình miễn học phí cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng, hỗ trợ người mua nhà, người phải nghỉ việc do ốm đau, thai sản…

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng sẽ công bố một loạt đường hướng đối nội và đối ngoại của chính quyền trong năm 2015, trong đó có cả những vấn đề bị các nghị sĩ Cộng hòa nhiều lần đe dọa ngăn chặn tại cơ quan lập pháp như chính sách nhập cư, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, vấn đề hạt nhân ở Iran…

Bất chấp việc Quốc hội khóa mới nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra khá cứng rắn trong một loạt vấn đề. Ảnh: AP .

Giới quan sát thì nhận định, thông điệp liên bang của Tổng thống Barack Obama sẽ không nhận được sự hoan nghênh của các nghị sĩ Cộng hòa. Thay vào đó, những bước đi và đề xuất mới của ông chủ Nhà Trắng có nguy cơ sẽ chọc giận phe Cộng hòa và khiến cho việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp khó khăn hơn trong một số lĩnh vực, trong đó có thương mại và cải cách thuế.

Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama phải cân nhắc nội dung khi tiến hành báo cáo trước Quốc hội tình hình năm 2014 và đề xuất các biện pháp cho những vấn đề chính trong năm 2015. Ngay từ cuộc họp đầu tiên của năm vào ngày 6/1 đến nay, các nghị sĩ đảng Cộng hòa thường xuyên có động thái gây khó dễ cho Chính phủ. Cụ thể, vào 15/1, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch mới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tuyên bố về cuộc bỏ phiếu trong vài tuần tới về dự luật thắt chặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran trong quá trình Chính phủ Mỹ đàm phán với Iran để đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của nước này.

Chưa hết, Thượng nghị sĩ Bob Corker và một số nghị sĩ khác còn đang soạn thảo một dự luật trao quyền cho Quốc hội Mỹ “bỏ phiếu trực tiếp” về một dự luật bất kỳ nhằm vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ. Điều này có nghĩa là Thượng viện hoặc Hạ viện Mỹ có thể thông qua hoặc không thông qua một dự luật với tỷ lệ quá bán 2/3. Đồng thời, các Hạ nghị sĩ trong đảng Cộng hòa cũng bắt đầu thực hiện những cảnh báo của mình trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật chi tiêu ngân sách cho các hoạt động an ninh nội địa. Với 236 phiếu thuận và 191 phiếu chống, Hạ viện cho phép chi gần 40 tỷ USD năm tài khóa 2015 cho Bộ An ninh nội địa nhưng nêu rõ không chi tiền vào việc thực thi sắc lệnh hành chính tháng 11 năm 2014 của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà theo đó, cấm trục xuất gần 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã, đang có mặt trong lãnh thổ nước Mỹ…

Dẫu vậy, cho đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Quốc hội khóa mới này nhưng cũng dứt khoát “không để Quốc hội làm thụt lùi những thành tựu mà chính quyền đã đạt được trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, cải cách thị trường tài chính và cải thiện môi trường”. Thậm chí, ông Barack Obama còn sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết tối cao trong trường hợp các nghị sĩ Cộng hòa cản trợ chính sách đối nội và đối ngoại mà chính phủ đang theo đuổi.

Kết quả thăm dò dư luận do báo The Washington Post và kênh tin tức ABC News công bố hôm 19/1 cho biết, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Barack Obama hiện là 50%, cao nhất kể từ sau cuộc thăm dò của ABC News vào mùa xuân 2013. Khoảng 41% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy lạc quan về nền kinh tế, cao hơn so với mức 27% trong cuộc thăm dò tháng 10/2014. Đáng chú ý là đa phần người dân Mỹ cho biết, họ đặt niềm tin vào ông Barack Obama hơn là phe Cộng hòa trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 40% và 36%.

Sông Thương
.
.
.