Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 là 'khả thi'

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:09
Phát biểu ngày 29/3 tại Lausanne, Thụy Sĩ, nhà đàm phán hàng đầu của Iran, ông Abbas Araghchi cho biết, mặc dù cuộc đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1 đang trong giai đoạn cuối cùng và rất khó khăn, nhưng việc đạt được thỏa thuận hạt nhân là “khả thi” và chỉ còn lại “hai hoặc ba” vấn đề cần giải quyết.

Bên cạnh đó, dù thừa nhận rằng, cuộc đàm phán kéo dài mấy ngày qua vẫn còn nhiều thách thức, song các bên đều lạc quan tin tưởng về một thỏa thuận hạt nhân trước hạn chót.

Nhằm tạo cơ hội cho các bên có thêm thời gian để cân nhắc trước khi đi đến một thỏa thuận khung trước ngày 31/3, cuộc họp toàn thể dự kiến diễn ra tối 29/3 tại Lausanne, Thụy Sĩ giữa Iran và nhóm P5+1 cùng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini về chương trình hạt nhân của Tehran đã được dời sang ngày 30/3.

Để tham dự cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hủy chuyến bay về Washington dự lễ vinh danh cố Thượng nghị sĩ Edward Kennedy. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius cũng hoãn một chuyến thăm tới Kazakhstan.

Trước đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định: “Chúng tôi có mặt ở đây vì tin rằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran là có thể đạt được, song cần phải bảo đảm rằng việc chế tạo bom nguyên tử phải nằm ngoài tầm với của Iran” và không có sự thỏa hiệp liên quan đến điều kiện này. Ngoại trưởng Anh cũng hối thúc Iran sớm cân nhắc để đưa ra quyết định trong một vài giờ tới, đồng thời bày tỏ hi vọng các bên có thể thành công.

Ngoại trưởng Steinmeier thì không loại trừ khả năng xảy ra “các cuộc khủng hoảng thêm nữa” liên quan tới các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên nắm bắt cơ hội để thể hiện linh hoạt các quyết định chính trị nhằm thúc đẩy đàm phán hạt nhân Iran đạt kết quả.

Cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1 tại Lausanne, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.

Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, Iran và 6 cường quốc thế giới ngày 29/3 đã đạt được thỏa thuận mang tính thăm dò về một số điểm chính của một thỏa thuận nhằm giảm mạnh chương trình hạt nhân của Tehran. Iran và P5+1 đã đạt được sự nhất trí sơ bộ về các phần then chốt của một thỏa thuận nhằm hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của Tehran.

Một quan chức phương Tây cho biết, Iran “dù ít hay nhiều” đã đồng ý cắt giảm hơn 2/3 số lượng máy ly tâm và chuyển hầu hết kho nhiên liệu hạt nhân của nước này ra nước ngoài. Các cường quốc phương Tây đang xem xét ý tưởng cho phép Iran tiến hành các hoạt động liên quan tới làm giàu nhiên liệu hạt nhân có giới hạn và bị giám sát chặt chẽ để phục vụ các mục đích y tế tại cơ sở dưới lòng đất Fordow, đồng thời đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận toàn diện trước thời hạn chót ngày 30/6. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Iran đã phủ nhận việc các bên đạt được sự nhất trí về những điểm này và cho rằng, những thông tin như thế “là đồn đoán của truyền thông” phương Tây nhằm tạo ra một bầu không khí tác động tới quá trình đàm phán.

Các nhà ngoại giao Iran cũng đồng thời khẳng định, chưa có thỏa thuận nào được ký kết giữa nước này với P5+1, và vẫn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh đó, các phương án về việc dỡ bỏ trừng phạt mà đại diện P5+1 đưa ra là không thực tế và không chấp nhận được với Iran. Các nhà đàm phán Iran nhấn mạnh, Tehran chờ đợi quan điểm xây dựng của tất cả 6 nước, chứ không chỉ một số nước trong nhóm.

Từ đầu năm tới nay, Iran và P5+1 đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm đưa chương trình hạt nhân của Tehran dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, đổi lại phương Tây và Mỹ phải nới lỏng các lệnh trừng phạt gây thiệt hại lớn cho kinh tế quốc gia Hồi giáo này. Hai bên đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng về chương trình hạt nhân của nước này trước ngày 31/3 và đạt được thỏa thuận đầy đủ trước ngày 30/6.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/3 đã lên tiếng chỉ trích dữ dội việc Iran và các cường quốc tiến tới một thỏa thuận hạt nhân sơ bộ.  Thủ tướng Israel mô tả “trục Iran - Lausanne - Yemen là mối đe dọa với toàn thể nhân loại”.

Ông Netanyahu cảnh báo, Iran sẽ đủ sức “chinh phục cả Trung Đông” thông qua “trục” kiểm soát Iraq, Libăng và Syria. Ông khẳng định, thái độ phản đối cương quyết của ông nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ cả hai đảng ở Mỹ.

Iran phản đối phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 30/3, Iran đã đề nghị Đại biện lâm thời Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran giải thích bài phát biểu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có nội dung chỉ trích mạnh mẽ vai trò của nước Cộng hòa Hồi giáo này tại Yemen và khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cho hay, do vắng mặt Đại sứ nên Đại biện lâm thời Thổ Nhĩ Kỳ đã được “mời đến” để lắng nghe “sự bất bình và lấy làm tiếc của Iran đối với những bình luận không phù hợp và bất thường của ông Erdogan”. Bà Afkham nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị có lời giải thích rõ ràng và thuyết phục”, đồng thời hối thúc ông Erdogan hủy chuyến thăm Tehran theo dự kiến vào tháng tới. Bà còn nhấn mạnh: “Cách tiếp cận của Iran đối với khu vực và quan hệ với các nước láng giềng dựa trên nền tảng hòa bình, ổn định và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau… Chúng tôi tin rằng, sự hợp tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp ứng mục tiêu này”.

Trước đó, hôm 26/3, ông Erdogan đã yêu cầu “Iran và các nhóm khủng bố phải rút khỏi” Yemen. Ông cũng cáo buộc Iran can thiệp vào các quốc gia khác trong khu vực khi viện dẫn vai trò của Tehran trong việc cố vấn và điều phối các nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shi'ite trong cuộc chiến chống các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, “âm mưu của Iran là nhằm gia tăng ảnh hưởng của Tehran tại Iraq”.


Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.