Thế giới mất hơn 10 nghìn tỷ USD để chống khủng hoảng tài chính

Thứ Ba, 04/08/2009, 08:41

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tiêu tốn của chính phủ các nước hơn 10.000 tỷ USD. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố hôm 2/8 còn chỉ ra rằng, các nước công nghiệp đã dùng tới 9.200 tỷ USD để hỗ trợ ngành tài chính-ngân hàng trong khi số tiền mà các nền kinh tế mới nổi đã chi vào khoảng 1.600 tỷ USD.

Trong số này, tiền chi tiêu cho các kế hoạch giải cứu là 1.900 tỷ USD, còn lại được cung cấp đến thị trường dưới hình thức các khoản vay và đảm bảo. Chi phí giải cứu tài chính cho đến nay bao gồm: bơm vốn (1.100 tỷ USD); mua tài sản (1.900 tỷ USD); bảo đảm (4.600 tỷ USD);  hỗ trợ thanh khoản (2.500 tỷ USD).

Cũng theo IMF, các nước giàu ngày càng lún sâu vào nợ nần do khủng hoảng tài chính. Dự báo, tới năm 2014, nợ chính phủ sẽ lên tới 239% GDP ở Nhật, 132% ở Italy, 112% ở Mỹ và 99,7% ở Anh. Chưa hết, các nước thuộc nhóm G20 sẽ phải chịu mức thâm hụt ngân sách bình quân là 10,2% GDP trong năm 2009, mức thâm hụt cao nhất từ Chiến tranh Thế giới 2 tới nay, trong đó, mức thâm hụt lớn nhất thuộc về Mỹ, với 13,5% GDP.

Theo dự báo của cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan, suy thoái kinh tế Mỹ tệ hại nhất trong 5 thập kỷ đang dần kết thúc và tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn dự báo của các chuyên gia.

Mặc dù vậy, ông Alan Greenspan cũng cảnh báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ sẽ vượt 10%, cao hơn so với mức 9,5% vào tháng 6/2009 ngay cả khi kinh tế đang hồi phục. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thì đang ở mức 9,4% - tỉ lệ cao nhất trong vòng 10 năm và là dấu hiệu chứng tỏ sự suy giảm kinh tế

Chu Nguyễn
.
.
.