Thế giới chung tay đối phó với dịch bệnh Ebola

Thứ Năm, 14/08/2014, 09:34
Nỗi sợ hãi về dịch bệnh Ebola lây lan đang dần dần lui bởi sự chung tay đối phó của cộng đồng quốc tế dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Không chỉ hỗ trợ các quốc gia Tây Phi nghèo khó nguồn tài chính và loại thuốc có thể giúp điều trị, khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh, các quốc gia trên thế giới còn có những nhận thức đúng đắn hơn về virus Ebola để từ đó có những biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho cộng đồng.

Từ quyết định của WHO

Trong cuộc họp khẩn hôm 12/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua việc sử dụng thuốc thử nghiệm chưa được chứng minh công dụng để chống dịch Ebola. Theo giải thích của giới chức WHO, đây là giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi mà dịch bệnh Ebola đang ngày càng phát triển, lây lan ra khắp thế giới và trở thành trường hợp khẩn cấp đặc biệt.

Loại thuốc thử nghiệm mà WHO nhắc đến có tên gọi Zmapp do Công ty Dược phẩm công nghệ sinh học Mapp ở San Diego, bang California (Mỹ) nghiên cứu và sản xuất. Thuốc này mới được thử nghiệm trên khỉ và chưa được đánh giá về độ an toàn trên người. Nhưng nó đã được dùng để điều trị cho 2 nhân viên hỗ trợ nhân đạo của Mỹ và 1 giáo sĩ Tây Ban Nha bị nhiễm virus Ebola. Hôm 12/8, giáo sĩ người Tây Ban Nha bị nhiễm virus Ebola từ Liberia đã qua đời.

An ninh được siết chặt ở sân bay của nhiều quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ảnh: AP.

Vì thế, theo Phó Tổng Giám đốc WHO Marie-Paule Kieny, trước khi thông qua việc sử dụng thuốc thử nghiệm, Ban lãnh đạo WHO đã phải tham vấn ý kiến của Ủy ban chuyên gia đạo đức y học của WHO xem việc này có phù hợp với y đức hay không. Ủy ban này cho biết việc sử dụng thuốc thử nghiệm Zmapp cần sự đồng ý của người bệnh nên những bệnh nhân nhận thuốc thử nghiệm sẽ phải cam kết và ký vào văn bản chấp thuận.

Hiện WHO còn lo ngại về nguồn thuốc Zmapp. Tờ The New York Times cho biết, loại thuốc thử nghiệm này được chế tạo từ lá cây thuốc lá biến đổi gien và rất khó sản xuất đại trà vì cây này phải mất nhiều tuần để mọc. Phát ngôn viên của Công ty Dược phẩm công nghệ sinh học Mapp cũng thừa nhận rằng, phải mất nhiều tháng mới thu được một lượng thuốc rất khiêm tốn.

Đây cũng chính là lý do khiến việc thử nghiệm lâm sàng vấp phải hạn chế về số lượng liệu trình điều trị hiện có. Hôm 11-8, trước đề nghị của Liberia, Mỹ đã đồng ý cung cấp thuốc thử nghiệm điều trị cho các bác sĩ nước này hiện đang bị nhiễm Ebola. Nhưng Mỹ cũng chỉ có thể cung cấp 12 liều và số lượng này chỉ đủ để điều trị cho hai bác sĩ…

Trong thời điểm gấp rút hiện nay, việc Cục Phòng chống hiểm họa quốc phòng của quân đội Mỹ hứa sẽ phê duyệt ngân sách bổ sung cho Công ty Dược phẩm công nghệ sinh học Mapp và Cơ quan quản lý thuốc đã mang tia hy vọng mới cho việc sản xuất thuốc Zmapp. Bên cạnh đó, Canada cũng góp phần bằng việc thảo luận với WHO và Mỹ về khả năng cung cấp vaccine thử nghiệm chống Ebola.

Phó Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Canada cho biết, nước này có khoảng 1.500 liều vaccine do các chuyên gia trong nước tự phát triển trong phòng thí nghiệm nhưng chưa được thử nghiệm trên người. Canada có thể gửi 1.000 liều vaccine ra nước ngoài để sử dụng. Trong khi đó, tại châu Âu, một số hãng dược phẩm cũng tuyên bố đang thử nghiệm các loại thuốc chống virus Ebola.

Đến biện pháp của từng quốc gia

Hãng tin BBC dẫn lời một quan chức WHO cho biết, việc sử dụng thuốc thử nghiệm Zmapp sẽ được tiến hành trong 2-4 tháng tới. Trong thời gian đó, điều quan trọng nhất là các quốc gia phải có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các bác sĩ khi tham gia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola cũng được yêu cầu phải sử dụng quần áo bảo hộ y tế để đảm bảo an toàn. Ảnh: Al-Jazeera.

Trước mắt, biện pháp cách ly người bệnh và vùng bị dịch vẫn đang được áp dụng rộng rãi. Đại sứ Trung Quốc tại Liberia cho biết, một máy bay chở hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Guinea, Sierra Leone và Liberia đã tới khu vực này với số hàng viện trợ trị giá gần 5 triệu USD gồm thuốc men, quần áo bảo hộ y tế, thuốc tẩy uế. Chính phủ Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng tuyên bố sẵn hàng hỗ trợ hàng chục triệu USD cho khu vực Tây Phi trong phòng chống dịch bệnh Ebola.

Chính phủ các nước trong vùng dịch như Sierra Leone, Liberia, Nigeria, Guinea-Bissau thì triển khai quân đội để thực hiện các biện pháp cách ly và thậm chí đóng cửa biên giới. Các nước trong khu vực châu Phi, tiếp giáp với các vùng dịch cũng đã đưa ra các biện pháp đối phó như khuyến cáo người dân không đến khu vực có dịch, kiểm tra nghiêm ngặt ở sân bay và các cửa khẩu…

Ngọc Khuê
.
.
.