Thế giới cảnh báo trước âm mưu thủ đoạn mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Hai, 09/06/2014, 09:11
Cách thức bất chấp tất cả để đạt mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh được khuyến cáo là sẽ khiến cho tình hình ở Biển Đông thêm phức tạp và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh hàng hải trên thế giới. Từ những phát hiện của Philippines

Từ 7/6, thông qua nhiều hình thức khác nhau, cộng đồng quốc tế và giới truyền thông nước ngoài đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo về các âm mưu, thủ đoạn mới của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm mục tiêu chính là biến yêu sách “đường chín đoạn” thành hiện thực. Cách thức bất chấp tất cả để đạt mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh được khuyến cáo là sẽ khiến cho tình hình ở Biển Đông thêm phức tạp và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh hàng hải trên thế giới. Từ những phát hiện của Philippines

Hôm 7/6, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, bà Abigail Valte cho biết, chính quyền Manila đang xem xét một loạt báo cáo liên quan đến việc Trung Quốc phá hoại các bãi đá ngầm và âm mưu biến hai bãi đá ngầm ở Biển Đông thành đảo để thực hiện chiến dịch “biến không thành có”, phục vụ cho mục đích “thôn tính” Biển Đông. Bà Abigail Valte cho biết, để tránh bị lợi dụng và sa lầy vào kế hoạch của Trung Quốc, hiện tại, Manila sẽ tiếp tục theo đuổi phương thức ngoại giao để giải quyết tranh chấp và không tạo cơ hội cho Bắc Kinh khiêu khích hay lấy cớ khiêu khích để hành động.

Trước đó hai ngày, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã gây xôn xao dư luận khi công bố hình ảnh do quân đội nước này ghi lại, cho thấy các tàu Trung Quốc tập trung gần đảo Gạc Ma và đảo Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bức ảnh được gửi về từ máy bay trinh sát của quân đội Philippines còn cho thấy, Trung Quốc đang triển khai hút cát đắp nền để mở rộng mặt bằng đảo đá Gạc Ma mà họ dùng vũ lực chiếm được của Việt Nam năm 1988. Công trình này được dự đoán có thể là một đường băng sân bay hoặc một căn cứ quân sự. 

Tờ Indiatimes của Ấn Độ đã làm một series ảnh về những hành động sai trái của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và bày tỏ những lo ngại về an ninh hàng hải hiện nay trong khu vực.

Về việc này, truyền thông Đài Loan cũng đã đưa tin rất nhiều và dẫn lời một số chuyên gia quân sự nhận định rằng, căn cứ quân sự hay đường băng ở Gạc Ma sau khi đã được xây dựng sẽ là yếu tố quan trọng tại Biển Đông, tăng cường sức mạnh cho không quân của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ. Chưa hết, tờ Inquirer của Philippines còn tiếp tục đưa ra tố cáo cho thấy, việc bồi đắp và cải tạo đảo kiểu trên của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của các rặng san hô và tác động xấu đến các bãi san hô ở quanh khu vực này.

Theo GS Charithie Joaquin, thuộc Trường Cao đẳng Quốc phòng Quốc gia Philippines, suy thoái môi trường sẽ dẫn đến bệnh tật, tình trạng khan hiếm các nguồn lực thiên nhiên: nước, khoáng sản, hải sản… và ảnh hưởng này kéo dài cả đến thế hệ sau.

Đến khuyến cáo của giới truyền thông

Trong khi đó, tạp chí The Diplomat số ra ngày 7/6 dẫn nguồn tin từ tờ South China Morning Post của Hong Kong cho hay, Trung Quốc đang xem xét kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dự án này có thể tiêu tốn của Trung Quốc 5 tỷ USD và mất 10 năm để thực hiện nằm trong kế hoạch biến yêu sách “đường chín đoạn” thành hiện thực.

Ngay sau đó, nhiều học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đã cho rằng, hòn đảo nhân tạo rất có thể sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch thực hiện một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông của Trung Quốc. Đây cũng không phải là điều mới mẻ bởi cách đây chưa lâu, dù vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.

Tuy nhiên, theo bà Zhang Jie thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, những động thái này của Bắc Kinh sẽ chỉ tạo nên “những tác hại nghiêm trọng trong khu vực” và khiến các quốc gia láng giềng mất lòng tin vào Trung Quốc còn cộng đồng quốc tế thì coi nước này là “nhân tố gây bất ổn trong khu vực”.

Và nỗi lo của cộng đồng quốc tế

Trên thực tế, việc Trung Quốc dự định xây dựng một đảo nhân tạo trên Biển Đông mà cụ thể là tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được chính báo chí nước này thông tin từ hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5. Tuy nhiên, trong một vài ngày gần đây, thông tin này đã trở nên “nóng” hơn bởi những phát hiện mới từ Philippines và giới truyền thông quốc tế. Có lẽ vì lo ngại những động thái của Trung Quốc mà nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới cũng đã có những phát biểu hoặc hành động cụ thể nhằm tìm cách đối phó với tình huống này.

Cụ thể, Mỹ liên tục hối thúc Trung Quốc phải tham gia vào vụ kiện mà Philippines đang thực hiện với nước này. Còn Ấn Độ thì cũng có thái độ khá dè chừng nhưng cũng rất cương quyết. Cụ thể, hôm 7/6, tân Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã tuyên bố “an ninh bờ biển là ưu tiên hàng đầu của chính phủ”, nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng tăng cường hoạt động giám sát và bảo vệ bờ biển của Ấn Độ.

Theo đó, ông Arun Jaitley đã đề xuất với chính phủ rằng, cơ cấu an ninh dọc bờ biển cần được tăng cường lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển, cần phải đưa thêm các tàu mới vào sử dụng để giúp các lực lượng bảo vệ bờ biển hoạt động hiệu quả hơn.

Trong khi đó, tại Botswana, tại buổi trình thư ủy nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Botswana Lê Huy Hoàng, Tổng thống Seretse Khama Ian Khama đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tổng thống Seretse Khama Ian Khama còn cho rằng chính sách pháo hạm của Trung Quốc đã lỗi thời.

Nhiều học giả quốc tế khác và cộng đồng quốc tế cũng tiếp tục thể hiện sự bất bình trước những hành động sai trái của Trung Quốc và bày tỏ lo ngại rằng, những hành động khiêu khích này đang đẩy tình hình an ninh khu vực vào một tình thế nguy hiểm. Ông Richard Cronin, Chuyên gia về châu Á, Giám đốc Chương trình Ðông Nam Á, Trung tâm Stimson nói: “Những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua tại Biển Đông là mối đe dọa đến hoà bình và ổn định của khu vực bởi nó làm gia tăng nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang tại đây. Trong một bối cảnh như vậy, chỉ cần bất kỳ một sai lầm nào thì tình hình sẽ lập tức có thể chuyển biến đột ngột và trở nên vượt tầm kiểm soát“.

Luật sư Bernard Insel, chuyên gia luật Hàng hải quốc tế của Bỉ thì khẳng định: “Nói thực thì tôi thấy những gì đang xảy ra ở Biển Đông rất đáng ngạc nhiên. Trung Quốc là một quốc gia từng đặt bút ký Công ước quốc tế, nay sử dụng tới vũ lực để đạt mục đích, và tỏ ra không hề tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhất là khi hành động đó diễn ra một cách bất ngờ, không hề có dấu hiệu gì trước đó. Xung đột đến mức độ như vậy trên biển là chuyện rất hiếm khi xảy ra trên thế giới”

Gia Nam (tổng hợp)
.
.
.