Hậu vụ Charlie Hebdo: Thế giới Hồi giáo lại 'nổi sóng'

Thứ Sáu, 16/01/2015, 09:41
Việc bức tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed đang khóc, cầm tấm biển “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) bên dưới tựa đề “Tout est pardonné” (Tất cả được tha thứ) xuất hiện trên trang bìa của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo số ra ngày 14/1, số đầu tiên được phát hành sau các vụ xả súng xảy ra hôm 7/1, đã gây ra những phản ứng trái chiều từ nhiều phía...
Trong phản ứng đầu tiên, Viện Dar al-Ifta (cơ quan chuyên ra các sắc lệnh tôn giáo ở các nước Hồi giáo) ngay trong ngày 14/1 đã lên tiếng phản đối quyết định của Charlie Hebdo tiếp tục ấn hành các bức biếm họa khác vẽ Nhà tiên tri Mohammed, đồng thời coi đó là hành động khiêu khích. Trong một tuyên bố, Dar al-Ifta cho rằng quyết định của Charlie Hebdo là sự khiêu khích phi lý đối với tình cảm của 1,5 tỷ người Hồi giáo, những người yêu thương và kính trọng Nhà tiên tri Mohammed.

Ngay sau động thái này của Dar al-Ifta, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi đã ký sắc lệnh trao quyền cho Thủ tướng Ibrahim Mahlab cấm mọi ấn phẩm nước ngoài có nội dung bài xích tôn giáo. Còn theo Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif, trang bìa lần này của Charlie Hebdo không tôn trọng “các tín đồ Hồi giáo khắp thế giới”.

Ông Zarif nêu rõ: “Những gì được cho là bất khả xâm phạm thì cần phải được tôn trọng. Nếu chúng ta không học cách tôn trọng người khác thì sẽ rất khó khăn trong một thế giới của những quan điểm khác nhau, các nền văn hóa khác nhau và các nền văn minh khác nhau”. Đồng quan điểm, Tổng thư ký Tổ chức hợp tác Hồi giáo, ông Iyad Amin Madani cũng cho rằng, “tự do ngôn luận không phải là kêu gọi sự hận thù và không được xúc phạm tôn giáo của người khác. Bất cứ ai, không phân biệt giáo phái, tôn giáo hay tín ngưỡng, đều không thể chấp nhận rằng đức tin của Nhà tiên tri là một đối tượng bị chế giễu”.

Đại giáo sỹ tại Jerusalem Mohammed Hussein ngày 14/1 cũng đã lên án việc Tạp chí Charlie Hebdo đăng hình Nhà tiên tri Mohammed là một hành động “xúc phạm”. Trong một thông cáo, ông Hussein tuyên bố: “Sự xúc phạm này làm tổn thương tình cảm của gần 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới”.

Cũng trong ngày 14/1, Bộ Nội vụ Senegal ra thông cáo cấm phổ biến các ấn phẩm của Charlie Hebdo và nhật báo Liberation của Pháp có đăng biếm họa Nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa. Trước đó, ngày 13/1, tòa án ở tỉnh Diyarbakir, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã cấm các website tại nước này đăng hình ảnh trang bìa mới nhất của Charlie Hebdo.

Theo phán quyết của tòa án, các hình ảnh, phim hoạt hình, các bài viết, ấn phẩm nhằm châm biến Nhà tiên tri Mohammed và đạo Hồi là một sự xúc phạm đối với những người Hồi giáo. Tại Pháp, các nhà lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi bình tĩnh, tuy nhiên, những người Hồi giáo ở đây bày tỏ lo ngại về tác động của ấn bản Charlie Hebdo mới nhất tới cộng đồng của họ: “Họ đã tự do xuất bản thứ mà họ thích, nhưng nó ảnh hưởng tới chúng tôi, nó làm chúng tôi tổn thương sâu sắc”.

Hình ảnh Nhà tiên tri Mohammed trên bìa Tạp chí Charlie Hebdo số mới nhất đã khiến người Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới giận dữ.

Bên cạnh những phản ứng gay gắt, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của Charlie Hebdo. Trong cuộc họp báo ngày 14/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Washington hoàn toàn ủng hộ quyền của Charlie Hebdo đăng những điều như thế này. Cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, ông “khá thích” tranh vẽ Nhà tiên tri Mohammed trên số báo mới nhất của Charlie Hebdo: “Tôi khá thích bức tranh đó. Tôi không chắc là tôi có thể thích mọi thứ mà Charlie Hebdo sản xuất nhưng bức tranh này với một hình ảnh nhà tiên tri với thông điệp “tất cả được tha thứ”. Đây là tinh thần tha thứ mà chúng ta rất cần trong thế giới hiện đại này”. Trong khi đó, với số lượng kỷ lục được bán ra, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định: Tạp chí Charlie Hebdo đang “hồi sinh”.

Trong diễn biến đáng chú ý khác, trong một đoạn ghi hình được đăng tải trên Youtube, Nasser bin Ali al-Ansi, lãnh đạo tổ chức al-Qaeda tại Yemen (AQAP), đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc Thánh chiến tại Paris “nhằm trả thù cho Sứ giả của Đấng Allah (Nhà tiên tri Mohammed), đồng thời tiết lộ rằng, “người lên kế hoạch, lựa chọn mục tiêu và chi tiền cho chiến dịch này là một trong số những người đứng đầu tổ chức AQAP”. Đoạn ghi hình này đã được Mỹ xác nhận.

Cũng trong ngày 14/1, Viện Kiểm sát Brussels ở Bỉ đã tiến hành cuộc điều tra liên quan đến 4 hiệu sách nhận được thư đe dọa tấn công nếu bán số mới nhất của Charlie Hebdo của Pháp, với bìa là bức biếm họa mới về Nhà tiên tri Mohammed. Trong khi đó, theo các chuyên gia an ninh mạng của Pháp, hơn 1.000 trang mạng của nước này bị tấn công kể từ sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu vào trụ sở Charlie Hebdo. Cũng theo nguồn tin này, các phần tử tự xưng là “thánh chiến mạng” từ Bắc Phi và Mauritania đã nhận gây ra các vụ tấn công hàng loạt này, ngoài ra chúng còn đe dọa sẽ có một làn sóng tấn công mới vào ngày 15/1.

Nhận diện nghi phạm thứ 5 trong vụ tấn công Paris

Các cơ quan an ninh Pháp cho hay họ đã nhận diện được thêm một tòng phạm của tên khủng bố Amedy Coulibaly, kẻ đã bắt cóc và giết hại 4 người dân tại một siêu thị ở Paris vào tuần trước. Theo đó, cảnh sát Pháp đang điều tra một người đàn ông ở ngoại ô Paris, kẻ có thể đã lái xe đưa Coulibaly tới siêu thị này.

Cảnh sát Pháp cho biết, vào tuần trước khi xảy ra vụ bắt cóc con tin, tên Coulibaly đã thuê một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô rồi chất đầy vũ khí trong ngôi nhà này, nhưng từ chối tiết lộ những gì họ phát hiện bên trong ngôi nhà. Tuy nhiên, theo báo Le Parisien, các thanh tra đã từ Cục Phòng chống tội phạm Paris và lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố đã tìm thấy một chiếc xe scooter cho phép họ nhận diện ra “tay súng thứ tư” là đồng lõa của Coulibaly.

Hiện chưa xác định được danh tính kẻ này nhưng y có thể đã bắn và làm bị thương một người chạy bộ ở vùng Fontenay-aux-Roses gần đó vào ngày 7/1, cùng ngày anh em Kouachi tàn sát 12 người trong vụ tấn công Charlie Hebdo.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.