Tìm kiếm máy bay QZ8501:

Thân máy bay nằm sâu 30m dưới biển

Thứ Năm, 01/01/2015, 11:21
Thông tin về hình ảnh qua sóng âm cho thấy, thân máy bay nằm ngửa ở độ sâu từ 24-30m dưới biển cùng với thi thể của một số hành khách mặc áo phao và nắm chặt tay nhau được tìm thấy ngày 31/12 đang dần hé mở những bí ẩn về vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay QZ 8501 thuộc hãng hàng không AirAsia.

Từ những phát hiện mới

5h sáng 31/12, hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã được nối lại sau khi thời tiết có vẻ tốt hơn. Mặc dù vậy, tầm nhìn vẫn bị hạn chế do gió mạnh và sóng biển cao tới 3m.

Đến gần 8h sáng cùng ngày, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Henry Bambang Soelistyo cho biết, đã chuyển cho các đơn vị tham gia tìm kiếm và cứu hộ của các nước bản đồ về khu vực chiếc máy bay Airbus 320-200, cùng những thông tin liên quan như lời kể của một ngư dân về một số vật thể trôi nổi trên biển, gần quần đảo Tujuh.

9h sáng cùng ngày, các nhân viên cứu hộ đã vớt thêm được 2 thi thể trong trang phục tiếp viên hàng không. Gần 3 tiếng sau đó, với sự hỗ trợ của trực thăng Super Puma cùng 18 tàu thuyền, 9 máy bay và 15 trực thăng, tàu Bung Tomo của Indonesia đã vớt thêm được nhiều giày trẻ em, những túi thức ăn và đặc biệt hình ảnh sóng âm thu về cho thấy, phần thân của máy bay QZ8501 có vẻ như đang nằm ngửa dưới độ sâu 24-30m ở biển Java, cách nơi tìm thấy thi thể các nạn nhân khoảng 3km. Đáng chú ý là lực lượng cứu hộ còn phát hiện thi thể 3 hành khách đang nắm tay nhau…

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có mặt tại trung tâm xử lý khủng hoảng ở Surabya và địa điểm là nơi máy bay rơi gần Pangkalan Bun. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Joko Widodo đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân là hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay QZ8501, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị và cơ quan tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Huy động mọi lực lượng để tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501.

Đồng thời, ông Joko Widodo cũng yêu cầu các cơ quan, các ngành, nhất là giao thông, hàng không và cứu hộ cứu nạn cần rút ra bài học cần thiết, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho hành khách, cùng sự phối hợp trong nước và quốc tế trong giải quyết các thảm họa.

Hãng hàng không AirAsia cũng đã mời gia đình các hành khách trên máy bay QZ8501 tới thành phố Surabaya, nơi thi thể các nạn nhân xấu số sẽ được nhận dạng để làm công tác lấy mẫu và xét nghiệm ADN. Cho đến chiều cùng ngày, cảnh sát Indonesia cũng đã thu thập được mẫu ADN của 93 thân nhân nạn nhân trên chiếc máy bay xấu số.

Nhiều quốc gia khác cũng thông báo điều động thêm tàu và máy bay tới hỗ trợ Indonesia. Như Mỹ chẳng hạn, ngoài tàu chiến USS Sampson đang có mặt tại hiện trường, lực lượng Hải quân Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến USS Fort Worth từ căn cứ châu Á tới vùng biển Java trong một hoặc hai ngày tới để phối hợp cùng lực lượng cứu hộ quốc tế trong chiến dịch cứu nạn máy bay QZ8501.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Singapore cũng thông báo, đã cử tàu cứu hộ MV Swift Rescue tới tham gia chiến dịch tìm kiếm. Australia, một quốc gia láng giềng gần gũi khác của Indonesia, cũng đã cử máy bay và tàu chiến tới tham gia công tác cứu hộ.

Tới các giả thuyết khác nhau

Ngay sau khi thông tin về phần thân máy bay được phát hiện nằm dưới đáy biển, nhiều giả thuyết về vụ tai nạn thảm khốc đã được đưa ra. Hãng Channel NewsAsia dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng, nhiều khả năng máy bay Airbus 320-200 đã bị rơi xuống biển Java và bị vỡ tan sau khi va đập vào mặt biển rồi chìm xuống đáy biển.

Jacques Astre, Chủ tịch Công ty Tư vấn giải pháp an toàn hàng không quốc tế nhận định rằng, khu vực tìm thấy mảnh vỡ của máy bay tương đối nhỏ nên có thể máy bay vỡ khi rơi xuống biển chứ không bị vỡ từ trước đó. Nhận định này trùng khớp với giả thuyết của cựu phi công Mỹ John Cox rằng: “Nếu phần cánh, mũi và đuôi máy bay được tìm thấy ở cùng một nơi thì có nghĩa là máy bay còn nguyên vẹn khi chạm mặt nước”.

Trong khi đó, một cựu phi công Mỹ Steve Ganyard lại cho rằng, máy bay có thể đã từ từ hạ cánh xuống mặt biển nhưng không thành công do thời tiết quá xấu. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết khác là có thể có một quả bom đã phát nổ bên trong máy bay...

Người đưa ra giả thuyết này là cựu phi công thuộc lực lượng không quân Mỹ đồng thời là cố vấn cho hãng ABC News John Nance cho rằng, việc máy bay phát nổ trên không sẽ lý giải tại sao máy bay đột nhiên biến mất khỏi màn hình radar, không có một tín hiệu cấp cứu nào được đưa ra trước khi lao xuống biển Java với 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Một điểm đáng chú ý là các số liệu từ trung tâm điều khiển bay cho thấy, máy bay QZ8501 có thể bay qua núi mây tích mưa, mây này có thể gây ra sét và các điều kiện thời tiết nguy hiểm, như gió mạnh, mưa đá và lốc xoáy. Mà nếu máy bay bay vào khu vực có mây tích mưa ở độ cao từ 9 đến hơn 11km, thường có độ tròng trành lớn, khiến phi công không thể thao tác, và có thể dẫn đến khả năng máy bay vượt khỏi tầm kiểm soát và lao xuống với tốc đô å1,5km/phút. Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với việc điều tra lúc này là phải tìm ra hộp đen của máy bay ghi lại toàn bộ các cuộc đối thoại cũng như dữ liệu về vị trí và tốc độ bay của máy bay.

Những nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sẽ giúp sớm tìm thấy những nạn nhân chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia

Trước những thông tin mới liên quan đến chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia gặp nạn trên đường từ thành phố Surabaya (Indonesia) đến Singapore, ngày 31/12/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

Chúng tôi hết sức xúc động và đau buồn khi nhận được những thông tin liên quan đến chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia. Chúng tôi xin gửi đến Chính phủ, nhân dân các quốc gia có hành khách trên chuyến bay và gia đình những người bị nạn lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc và hy vọng những nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Chính phủ các quốc gia sẽ giúp sớm tìm thấy những nạn nhân còn đang mất tích.

Ngày 31/12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có điện chia buồn gửi Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.

PV (theo TTXVN)

Huyền Chi
.
.
.