Thảm họa thiên tai ở Nga, Trung Quốc và Pakistan

Chủ Nhật, 15/08/2010, 11:05
Những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 là khoảng thời gian kinh hoàng nhất đối với người dân tại nước Nga do nắng nóng "tồi tệ nhất từ hơn 1.000 năm qua", tại Pakistan lũ lụt diễn ra "tệ hại hơn cả sóng thần năm 2004" và tại Trung Quốc lở đất "kinh khủng nhất trong 60 năm qua" khiến số người chết lên đến hàng nghìn và tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nước Nga bước vào mùa hè với cái nắng như đổ lửa, bởi nhiệt độ thường ở mức trên 37 độ C kèm theo những đám cháy rừng lác đác và cuối cùng bùng thành "thảm họa" khi gần 200.000km2 trong tổng số 800 triệu hecta rừng do Nga sở hữu (chiếm 22% diện tích rừng thế giới và 47% lãnh thổ Nga) bị "giặc lửa" tấn công một cách khủng khiếp.

Đến nay, đã có 2.000 người chết vì nóng, hơn 50 người thiệt mạng do "bà hỏa". Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 15 tỷ USD, chiếm 1% GDP và gây hậu họa cho đất nước này từ 10 tới 100 năm sau. Trong lúc đó, sản lượng ngũ cốc của Nga đã sụt giảm khoảng 1/5, khiến giá lúa mì trên thị trường quốc tế tăng vọt và buộc Thủ tướng Putin phải ban lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong 4 tháng (từ  ngày 15/8 đến 31/12) vì lo ngại thiếu lương thực.

Còn tại Pakistan, một đợt lũ lụt kéo dài chưa đầy hai tuần lễ đã khiến 1.600 người thiệt mạng và đưa số người chịu ảnh hưởng lên con số kỷ lục - 13,8 triệu, nghĩa là nhiều hơn 2,8 triệu người so với ba thiên tai trong qua khứ gần nhất gộp lại, theo đó: 3 triệu người bị ảnh hưởng trong trận động đất ở Pakistan năm 2005; 5 triệu người trong cơn sóng thần ở Indonesia và 3 triệu người trong trận động đất vừa qua ở Haiti.

Mưa nhiều và bão lớn đã khiến Trung Quốc đang phải trải qua những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ trở lại đây và biến mùa hè năm nay tại đây thành mùa chết chóc. Theo AFP, mưa lũ từng hoành hành các vùng phía Nam, miền Trung và gần đây là vùng Đông Bắc Trung Quốc đã khiến 1,4 triệu ngôi nhà đã bị phá hủy và thiệt hại ước tính lên đến 275 tỉ nhân dân tệ, tương đương 30 tỉ euro.

Máy bay tham gia chống "giặc lửa" tại Nga.

Tại miền Nam Trung Quốc, mưa như trút nước đã gây vỡ đê, sạt lở đất, cắt đứt hệ thống đường bộ, đường sắt chạy qua khu vực này. Theo số lượng thống kê, đến nay tại khu vực này đã có 210 người chết, 119 người mất tích và buộc hơn 2.400.000 người phải đi sơ tán đến nơi an toàn. Lũ lụt gây thiệt hại về kinh tế khoảng 6,2 tỷ USD, 1.600.000ha đất nông nghiệp bị ngập, khoảng 195.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và đẩy hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề. Còn tại các tỉnh miền Đông Trung Quốc lụt nặng, làm 107 người chết và 59 người mất tích.

Chưa hết, bão lụt tạo ra những cơn mưa dữ dội, xối xả không ngớt từ đêm 7/8 đã gây ra một loạt trận sạt lở đất kinh hoàng ở tỉnh Gansu, phía Tây Bắc Trung Quốc vào sáng sớm 8/8. Hàng trăm ngôi nhà đã bị lũ bùn cuốn phăng. Nhiều khu chung cư cao tầng bị xẻ làm đôi hoặc bị ngập chìm trong bùn đất đến tận tầng 3. Khoảng 45.000 người dân đã được sơ tán khi những dòng bùn xối xả phá hủy hơn 300 ngôi nhà và làm hư hại 700 ngôi nhà. 3.000 ngôi nhà đang bị ngập chìm trong bùn nước.

Lở đất ở Trung Quốc.

Tính đến chiều 11/8, số người thiệt mạng đã lên tới con số khủng khiếp - 1.117 người và còn 627 người nằm trong danh sách bị mất tích... Tình hình hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, khiến Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc phải triệu tập một hội nghị đặc biệt dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nhằm thảo luận và đề ra các biện pháp  đẩy mạnh công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai lũ quét và lũ bùn đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương trên.

Tại một số nước Trung Âu, thiên tai hoành hành dữ dội khiến hàng chục người đã thiệt mạng, và nhiều người bị mất tích. Nhiều thành phố của Ba Lan, Đức bị cô lập hoàn toàn do mưa lớn khiến nước sông dâng cao buộc nhiều người dân phải sống trên mái nhà. Tại thành phố Liberec của Cộng hòa Séc, tình trạng ngập lụt cũng buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa do lo sợ một số con đê và đập khác có nguy cơ bị vỡ. Mưa lớn tại Lítva đã cướp đi 4 sinh mạng và nhấn chìm một số tuyến đường tại thành phố cảng Klaipeda.

6 triệu người Pakistan cần cứu trợ khẩn cấp thực phẩm sau lũ lụt.

Nguyên nhân khiến cho nhiều nước ở khu vực Trung Á, Trung Âu phải chịu thảm họa thiên tai tồi tệ như vậy là do hiện tượng El Nino để lại từ năm 2009.

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra chiếm tới 90%. Còn lại 10% là do tự nhiên. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thay đổi thời tiết khiến mỗi năm có hơn 2 triệu người chết vì bệnh sốt rét và 5 triệu người khác phải nhập viện. Nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,5 - 2,5 độ C so với mức trung bình của 20 năm cuối thế kỷ XX, thế giới sẽ chứng kiến khoảng 20-30% các loài động, thực vật bị nguy cơ tuyệt chủng.

Cũng theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1 mét ở Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội GDP. Còn nếu mực nước biển dâng lên là 3 - 5m thì điều này đồng nghĩa với việc "có thể xảy ra thảm họa" ở Việt Nam với nguy cơ mất trắng 5 triệu tấn lúa và khiến 22 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện nay, tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ về một hiệp định biến đổi khí hậu toàn cầu mới là trọng tâm hoạt động quốc tế không chỉ của các nền kinh tế lớn trên thế giới - nơi chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - mà còn của tất cả các nước còn lại. Một trong những vấn đề quyết định nhất để ngăn cản và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu là phải giảm lượng khí thải các bon trên toàn cầu. Điều này chỉ đạt được nếu có những thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và sử dụng năng lượng nhằm tránh gia tăng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm lên.

Cơ quan Năng lượng quốc tế đã cảnh báo rằng, nếu không nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và cứ một năm trì hoãn quá trình chuyển đổi này, thế giới lại mất thêm 500 tỷ USD

Ngọc Hà
.
.
.