Thái Lan chưa thoát khỏi khủng hoảng

Chủ Nhật, 07/12/2008, 10:59
một người bên trong đảng Sức mạnh nhân dân cho biết các lãnh đạo của nhóm này sẽ phát động một chiến dịch tiết lộ "những lực lượng mạnh" đứng đằng sau PAD và ông Thaksin sẽ đóng một vai trò "bí hiểm hơn" trong mọi chính phủ liên minh do đảng Peua Thai đứng đầu.

Tuần đầu tiên trong tháng cuối cùng của năm 2008, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chọn con đường giải tán chính phủ của Thủ tướng Somchai Wongsawat để dẹp yên các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng trên đường phố Bangkok.

Vắng bóng những tiếng hô hào khẩu hiệu, giờ đây, thủ đô của xứ sở chùa Vàng tuy yên tĩnh nhưng lại chứa chất đầy những mâu thuẫn đang có nguy cơ bùng nổ trở lại. Sự không ổn định về chính trị đã khiến Thái Lan tụt hạng trong nền kinh tế khu vực và tiếp tục bị "nhấn chìm" trong nhiều lĩnh vực như du lịch, giao thông, xuất-nhập khẩu, đầu tư...

Tam khủng hoảng

Những tiếng thở phào nhẹ nhõm cùng tiếng vỗ tay và nụ cười hạnh phúc đã nở lại trên môi hàng chục hành khách bị mắc kẹt tại Bangkok khi họ được chứng kiến chiếc máy bay chở khách đầu tiên cất cánh từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi hôm 5/12.

Cho đến ngày 6/12, 50% chuyến bay hoạt động ở sân bay Suvarnabhumi đã được khôi phục. Nhà chức trách ở sân bay Bangkok đang gấp rút khôi phục các đường bay quốc tế vốn tê liệt suốt một tuần do bị người biểu tình phong tỏa.

Singapore Airlines thông báo hãng đã thực hiện một chuyến bay đến và rời khỏi Suvarnabhumi hôm 5/12 và dự định có đủ 5 chuyến/ngày từ ngày 6/12. Nhiều hãng hàng không khác cũng đang rục rịch khôi phục hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đến và đi khỏi Bangkok lại không dễ chút nào. Hơn 30.000 hành khách quốc tế đang bị kẹt tại 2 sân bay ở Bangkok vẫn phải sống trong cảnh "ăn đậu, nằm chờ" vì các chuyến bay của họ liên tục thông báo hủy vì những lý do về an ninh.

Serirat Prasutanont, quyền giám đốc quản lý các sân bay của Thái Lan cho biết, 547 chuyến bay đã được lên lịch xuất phát hôm 6/12 tại sân bay Suvarnabhumi, nhưng phần lớn là các chuyến bay của hãng hàng không Thái Lan. Nhiều hãng hàng không nước ngoài vẫn chưa sẵn sàng trở lại Bangkok.

Cách đó không xa, sân bay nội địa Don Muang cũng đang trong tình trạng ách tắc. Mệt mỏi, giận dữ, một số hành khách nước ngoài thậm chí đã thề sẽ không bao giờ trở lại Thái Lan.

Với họ, nụ cười thân thiện của người dân xứ sở chùa Vàng không thể đánh đổi lại được những gì mà họ đã phải chịu đựng trong suốt hơn 1 tuần sống "thất tha thất thểu" vì không thể trở về nhà.

Một nghịch lý nữa là nếu đường hàng không đã khó khăn thì các tuyến đường bộ đi lại cũng không hề đơn giản. Giao thông ở Thái Lan thực sự đang vấp phải hàng loạt vấn đề mới nảy sinh mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được.

Các hành khách nước ngoài đã quá mệt mỏi với sự chờ đợi tại sân bay ở Bangkok  để được trở về nhà một cách sớm nhất. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch mới là ngành chịu thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Lượng khách tham quan chắc chắn sẽ giảm mạnh trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới vì danh tiếng của Thái Lan đã xấu đi rất nhiều. Ủy ban Du lịch nước này ước tính 30 - 40% khách du lịch sẽ huỷ chuyến đến Thái Lan trong các dịp nghỉ lễ tới.

Các khách sạn bình thường dịp này luôn đầy khách đến 85% số phòng thì nay có nơi chỉ còn khoảng 60%. Ngành du lịch Thái Lan ước đoán sẽ thiệt hại khoảng 149 tỷ baht (4 tỷ USD) trong tổng thu nhập năm tới nếu bất ổn chính trị tiếp diễn. Đáng chú ý là, không chỉ phục vụ các du khách đến hay đi khỏi Bangkok để tham quan Thái Lan và một số nước lân cận, sân bay còn là một trung tâm xuất khẩu quan trọng.

Khi nó bị phong tỏa bởi đám người biểu tình, việc xuất, nhập khẩu cũng đã ngưng trệ. Các sản phẩm nông sản của nước này không những không thể xuất mà còn buộc phải bán với giá thấp bằng 1/3 giá trị.

Chưa hết, cuộc khủng hoảng còn khiến một lượng lớn thực phẩm đáng nhẽ phải có mặt ở Bangkok thì lại bị kẹt ở rất nhiều sân bay trên khắp thế giới. Một lô hàng 1.000 con tôm hùm tươi từ Canada đã bị kẹt ở sân bay Hong Kong và cuối cùng phải quay trở lại nơi xuất phát. Một container đầy cá, pho mát Pháp, gan ngỗng, rất nhiều loại dâu và nấm trắng trị giá 4.000USD mắc kẹt ở sân bay Charles de Gaulle gần Paris…

Đa số các nhà phân tích đều nhất trí rằng, nền kinh tế Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn và bị tụt từ hạng ổn định, xuống mức tiêu cực. Trước đó, chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo rằng bất ổn chính trị sẽ phá tan niềm tin kinh doanh vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế thế giới.

Còn theo nhật báo "Dân tộc" thì Thái Lan đang chịu ít nhất là 2 cuộc khủng hoảng: khủng hoảng chính trị và khủng hoảng pháp lý. Chính hai cuộc khủng hoảng này đã kéo theo những hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Theo nhật báo này, tiếp sau việc Tòa án Hiến pháp phán quyết giải thể ba đảng trong liên minh cầm quyền, đến lượt các nhà lãnh đạo của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đối lập đứng trước khả năng bị điều tra hình sự. Nếu cảnh sát tìm thấy các bằng chứng phạm tội, họ sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Chưa hết, PAD cũng có thể bị Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways) kiện vì đã huy động người biểu tình phong tỏa hai sân bay chính ở Bangkok gây thiệt hại nặng cho hoạt động hàng không của nước này.

Chưa có hồi kết

Có thể nhận thấy rằng, tình hình ở Bangkok trong 4 ngày qua đã tạm lắng, tuy nhiên, ẩn chứa sau đó là cả một "núi lửa đang chực phun trào". Báo chí Thái Lan hiện đang đồn đoán nhiều về người sẽ đảm nhận cương vị Thủ tướng sau khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải thể 3 đảng chính trong Liên minh cầm quyền và cấm ông Somchai tham gia chính trường trong 5 năm.

Theo lời Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Thái Lan (EC) Apichart Sukhagganond, cuộc bầu cử lại sẽ diễn ra vào ngày 11/12, tại 26 khu vực bầu cử ở 22 tỉnh.

Quyền Bộ trưởng Y tế Chalerm Yubamrung, người được coi là một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí Thủ tướng. Song PAD đã cảnh báo, sẽ biểu tình trở lại nếu một ứng viên thân với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lên nắm quyền.

Một sự kiện nữa đang khiến các nhà quan sát lo ngại chính là sự trở về của bà Pojaman Shinawatra, vợ cũ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hôm 5/12. Bà này, đang bị toà án Thái Lan kết án 3 năm tù vì tội trốn thuế.

Đại diện của PAD cho rằng, có thể, sự xuất hiện của bà Pojaman Shinawatra báo hiệu cho cuộc "trả đũa" của đảng Sức mạnh nhân dân (PPP). Các nghị sĩ không nắm chức vụ gì trong đảng này sẽ có 60 ngày để thành lập một đảng mới.

Các nhà phân tích cho rằng hầu hết những nghị sĩ đó có thể sẽ chuyển sang đảng Peua Thai, một đảng mới được thành lập cách đây chưa lâu và đang dự kiến sẽ bầu chủ tịch và ban chấp hành gồm 29 uỷ viên vào ngày 7/12. Hành động này được coi là bước quan trọng để chọn ra Thủ tướng tiếp theo mà sau đó sẽ được Quốc hội đưa ra biểu quyết.

Trong khi đó, một người bên trong PPP cho biết các lãnh đạo của nhóm này sẽ phát động một chiến dịch tiết lộ "những lực lượng mạnh" đứng đằng sau PAD để mọi người "hiểu được những mối liên hệ" và ông Thaksin sẽ đóng một vai trò "bí hiểm hơn'' trong mọi chính phủ liên minh do đảng Peua Thai đứng đầu.

Về phần PAD, sau quyết định của Tòa án Hiến pháp, dù tuyên bố chiến thắng và cho phép sân bay quốc tế ở Bangkok hoạt động trở lại, nhưng họ lại bỏ ngỏ khả năng xuống đường biểu tình trở lại nếu không có những thay đổi chính trị

Huyền Chi
.
.
.