Thái Lan: Tranh cãi về Dự luật Ân xá

Thứ Năm, 08/08/2013, 09:09
An ninh đã được thắt chặt ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) khi Quốc hội tranh cãi về Dự luật Ân xá có liên quan đến các vụ bạo lực chính trị xảy ra từ năm 2006. Hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trên cả nước, trong đó, lực lượng đối lập chống chính phủ cáo buộc đảng cầm quyền Puea Thai lợi dụng Luật Ân xá để giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về quê hương mà không phải đối mặt với bất kỳ một án phạt tù nào.  

Ngày 7/8, Quốc hội Thái Lan chính thức xem xét Dự luật Ân xá do các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Puea Thai đề xuất. Dự luật này đang gây khá nhiều tranh cãi khi kiến nghị xóa tội cho các nhân vật tổ chức biểu tình và tham gia hoạt động chống chính quyền kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 9 năm 2006 đến nay.

Tuy nhiên, do lo ngại về khả năng chính phủ sẽ vận dụng Dự luật Ân xá để giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi hương mà không phải đối mặt với bất kỳ một án phạt tù nào nên lực lượng đối lập và phe “áo vàng” đã kiên quyết phản đối và tổ chức nhiều hình thức thể hiện sự phản đối của mình nhằm ngăn chặn việc Quốc hội thông qua dự luật này.

Tin từ hãng BBC cho hay, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã được một nhóm mới thành lập tự xưng là Quân đội nhân dân chống chế độ Thaksin phát động từ hôm 4/8 bất chấp việc chính quyền Bangkok áp dụng Luật an ninh nội địa trong 3 quận của Thủ đô Bangkok. Người đứng đầu các cuộc biểu tình Taikorn Polsuwan còn tuyên bố, sẽ có hàng ngàn người đến biểu tình trước cửa Quốc hội khi các nghị sĩ thảo luận dự luật này.

Còn phát ngôn viên của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), còn gọi là phe “áo vàng” tuyên bố sẽ kêu gọi biểu tình nếu nhận thấy dự luật ân xá nói trên nhằm giúp cựu Thủ tướng Thaksin thoát án tù. Đảng Dân chủ đối lập nói rằng, họ muốn Dự luật Ân xá được rút lại trước khi đảng này thương thảo với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đến chiều 7/8, giao thông ở Bangkok đã bị tắc nghẽn.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã được một nhóm mới thành lập tự xưng là Quân đội nhân dân chống chế độ Thaksin phát động từ hôm 4/8 nhằm phản đối việc Quốc hội xem xét Dự luật Ân xá.

Người phát ngôn trung tâm gìn giữ hòa bình của chính quyền Thái Lan cho biết, cảnh sát giao thông buộc phải đóng cửa 5 con đường dẫn tới tòa nhà chính phủ và tòa nhà Quốc hội. Tổng cộng 12 con đường sẽ bị đóng cửa từ ngày 7/8. Gần 5.000 cảnh sát đã được huy động canh gác và bảo vệ an ninh bên ngoài tòa nhà chính phủ, tòa nhà quốc hội và văn phòng Thủ tướng… Việc đảm bảo an toàn cho các nghị sĩ và thành viên trong nội các cũng đã được triển khai.

Trước những nguy cơ bất ổn có thể xảy ra ở Thái Lan, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Cecile Pouilly đã kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội Thái Lan xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề trong dự luật Ân xá và chính phủ phải đảm bảo rằng các biện pháp ân xá được thực hiện đúng người, đúng luật và không để xảy ra những tranh chấp lớn làm ảnh hưởng đến chính trường và an ninh xã hội.

Tổ chức Human Rights Watch cũng đưa ra lời khuyến cáo tương tự. Hãng VOA dẫn lời nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak nói rằng, Thái Lan dường như lại hướng đến sự “đối đầu” chính trị. Ông Pongsudhirak nhận định: “Phe đối lập cũng như liên minh chống và ủng hộ ông Thaksin lại đang bất đồng. Chúng ta thấy vào năm ngoái chính phủ và đảng Puea Thai tìm cách thúc đẩy việc thông qua một loạt biện pháp cải cách Hiến pháp. Tuy nhiên họ gặp trở ngại, bị ngăn chặn bởi Tối cao Pháp viện và chính phủ đã lùi bước. Năm nay họ lại đưa vấn đề ra, chống lại liên minh chống ông Thaksin”.

Tuy nhiên ông Kraisak Choonhaven, một cựu thượng nghị sĩ và là thành viên của Đảng Dân chủ đối lập lại cho rằng, có sự ủng hộ của 2 đảng đối với Dự luật Ân xá: “Nếu dự luật liên quan đến những người thuộc đám đông hay người biểu tình không được đối xử công bằng trong cuộc đàn áp, dự luật có thể được thông qua. Nó thực sự tùy thuộc vào điểm đó. Nếu dự luật được thảo luận rõ ràng và được sự đồng thuận tôi nghĩ Đảng Dân chủ sẽ hoàn toàn không chống đối”.

Dư luận Thái Lan ủng hộ Dự luật Ân xá

Dự luật Ân xá do nghị sĩ Worachai thuộc đảng Puea Thai đề xuất, được Chính phủ ủng hộ với nội dung xóa tội cho những người liên quan đến các biến cố chính trị từ năm 2006 đến 2010, nhưng không bao gồm những nhân vật “có quyền lực”.

Dự luật nhằm hướng tới việc ân xá cho những người ủng hộ Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay còn gọi là “phe áo đỏ” đang bị giam giữ trong các nhà tù do tham gia biểu tình bạo động vào tháng 5/2010. Lãnh đạo nhóm UDD, bà Thida Tavornseth cũng xác nhận rằng, Dự luật Ân xá gồm những người biểu tình bị giam giữ nhưng không có những người lãnh đạo nhóm UDD.

Bà nói: “Khoảng 500 đến 800 người của UDD đã bị giam giữ từ 2 đến 3 năm. Không, không có những người lãnh đạo và không có ông Thaksin Shinawatra, chỉ có dân thôi”. Liên minh cầm quyền với đảng Puea Thai quyết định sẽ không kiến nghị thay đổi bất cứ nội dung nào của dự luật này để nó nhanh chóng được thông qua. Nếu được thông qua trên nguyên tắc sau cuộc tranh luận tại Quốc hội ngày 7/8, để có hiệu lực dự luật này còn phải qua hai cuộc bỏ phiếu nữa tại Quốc hội. Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu dư luận Dusit công bố hồi cuối tháng 7, có tới 95%  người Thái Lan được hỏi cho rằng, Quốc hội có thể ban hành Luật Ân xá trên cơ sở đảm bảo công bằng và những người bị đối xử bất công cần được đền bù. 

Đáng chú ý, có 60,89% người dân Thái Lan ủng hộ ân xá đối với tất cả mọi người thuộc mọi phe phái, với lý do mong muốn toàn dân khôi phục sự đoàn kết, cùng nhau phát triển đất nước ngày càng tiến bộ và ổn định. Số ý kiến còn lại cho rằng, Luật Ân xá chỉ nên áp dụng đối với những người bình thường, không bao gồm số người cầm đầu biểu tình chính trị và các quan chức, nhân viên nhà nước vi phạm pháp luật. (Chu Nguyễn)

Khánh Chi
.
.
.