Thái Lan: Sau loạt vụ đánh bom ở Thủ đô, quân đội vào cuộc

Chủ Nhật, 19/01/2014, 09:21
Sau gần 3 tháng Thái Lan chìm trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, lực lượng quân đội – một trong những trụ cột quyền lực trung tâm của xứ sở Chùa Vàng vẫn tuyên bố đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trước nguy cơ xuất hiện bên thứ 3 nhằm “đục nước béo cò”, quân đội đã tham gia bảo vệ an ninh trên khu vực thủ đô Bangkok.

Tin từ hãng UPI cho hay, bất chấp loạt vụ đánh bom ở thủ đô Bangkok làm 1 người thiệt mạng sau khi được cấp cứu ở bệnh viện và 36 người khác bị thương, những người biểu tình vẫn tiến vào một trụ sở cảnh sát ở thủ đô Bangkok. Tại khu vực biểu tình, còn khoảng 7.000 người trụ lại nhưng tinh thần đã rệu rạo. Trong khi đó, để kích động mọi người tham gia vào cuộc “đại biểu tình” vào ngày 19/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã cáo buộc Chính phủ tạm quyền phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công bằng bom làm ông suýt tử nạn và thề sẽ lại phát động người biểu tình tràn xuống đường.

Ngay sau đó, ông Suthep Thaugsuban đã yêu cầu các thủ lĩnh cấp dưới đưa người tới các vùng ngoại ô thủ đô và một số tỉnh, thành lớn khác để tập hợp mọi người, tổ chức biểu tình. Tại khu vực miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, nơi có nhiều người ủng hộ gia đình Thaksin, các nhóm biểu tình chống chính phủ cũng đã được hình thành. Những người tham gia các nhóm này phần lớn là nông dân với mục đích chính là yêu cầu Chính phủ trả tiền cho số gạo mà họ bán theo một chương trình trợ giá gây tranh cãi của Thái Lan.

Quân đội Thái Lan đã tham gia cùng với lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh tại một số khu vực trọng yếu ở thủ đô Bangkok.

Trong khi đó, Chính phủ tạm quyền Thái Lan cũng tỏ thái độ “mất kiên nhẫn” trước lực lượng biểu tình chống chính phủ. Bằng chứng là, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 18/1 đã tuyên bố, “đã đến lúc” Chính phủ giành lại quyền kiểm soát Bangkok. Nguồn tin từ hãng UPI cho hay, mặc dù tuyên bố đứng ngoài cuộc trước sự đối đầu giữa lực lượng biểu tình và chính phủ tạm quyền ở Thái Lan, nhưng từ hôm 17/1, quân đội Thái Lan đã triển khai quân ở một số khu vực trọng yếu như văn phòng đài truyền hình PBS và một số đài truyền hình khác; trụ sở các cơ quan chính phủ như văn phòng Thủ tướng, tòa nhà chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, văn phòng lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan… Bên cạnh đó, lực lượng quân đội còn hỗ trợ cảnh sát Thái Lan tại 37 điểm ở trung tâm thành phố và nơi người biểu tình tụ tập.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut cho hay, sự tham gia của quân đội không phải nhằm mục đích lật đổ chính phủ như những lời đồn đại mà để tăng cường an ninh. Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha thì bày tỏ lo ngại rằng, có một nhóm vũ trang nào đó đứng sau các vụ tấn công ở Bangkok mấy ngày qua và nếu không hành động kịp thời, Thái Lan có thể bị rơi vào hỗn loạn và những kẻ “đục nước béo cò” sẽ nhân cơ hội này để kích động bạo lực. Vì thế, cả cảnh sát và quân đội Thái Lan đang xúc tiến điều tra về các vụ đánh bom ở thủ đô Bangkok cũng như đặt câu hỏi về việc tại sao bảo vệ an ninh của nhóm biểu tình lại ngăn cản lực lượng cảnh sát và phóng viên vào hiện trường sau khi vụ nổ bom xảy ra…

Trong một diễn biến khác, hôm 17/1, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức họp báo với phóng viên nước ngoài, trong đó bà nói rằng cách dễ nhất để hạ bệ bà là thông qua lá phiếu bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2 tới, bởi các giải pháp vi hiến đều không thể giải quyết được vấn đề. Bà Yingluck Shinawatra cũng kêu gọi các bên cần ngồi lại với nhau để tìm ra cách giải quyết vì đề xuất của người biểu tình là không thể thực hiện được theo Hiến pháp và một cuộc đảo chính nếu diễn ra cũng không giải quyết được tình hình hiện nay

Hà Linh
.
.
.