Thái Lan: Biểu tình đòi “Đóng cửa Bangkok”

Thứ Ba, 07/01/2014, 09:10
Như khúc dạo đầu của chiến dịch Bangkok Shutdown (“Đóng cửa Bangkok”), ngày 5/1, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã tổ chức tuần hành khắp thủ đô Bangkok với mục tiêu thu hút sự ủng hộ và kêu gọi thêm nhiều người tham gia vào cuộc đại biểu tình sẽ diễn ra vào ngày 13/1 mà theo lời của ông Suthep, đây chính là cơ hội cuối cùng cho ông và Ủy ban Cải cách Nhân dân Thái Lan. Trước tình hình trên, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo, việc thủ đô bị tê liệt sẽ làm thiệt hại cho nước Thái khoảng 600 triệu USD.
>> Tình hình Thái Lan trong dịp đầu năm 2014: Buồn vui lẫn lộn

Từ 10h sáng (giờ địa phương), đoàn người biểu tình đã tổ chức tuần hành qua các tuyến đường ở khu vực trung tâm thủ đô Bangkok nhằm ngăn cản các quan chức chính phủ đến nơi làm việc. Ngoài ra, họ còn tuyên bố sẽ cắt nguồn cung cấp điện, nước cho các văn phòng chính phủ cũng như tư dinh của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và nội các của bà, nhằm gây thêm áp lực cho chính phủ của bà, ép bà phải từ chức.

Người phát ngôn của phe đối lập Anchalee Paireerak cho biết: “Đây là cuộc tuần hành đầu tiên trong năm 2014 nhằm khởi động chiến dịch "chiếm đóng" thủ đô vào ngày 13/1 như kế hoạch đã định”. Tuy nhiên, lần này phe đối lập cho biết sẽ không phong tỏa các sân bay và các phương tiện giao thông công cộng giống như họ từng làm trong cuộc biểu tình năm 2008.

Theo Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), sau cuộc tuần hành ngày 5/1, người biểu tình sẽ tổ chức 2 đợt nữa vào các ngày 7/1 và 9/1 trước khi diễn ra cuộc đại biểu tình sau cùng vào ngày 13/1 nhằm làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của Bangkok, khi đó, người biểu tình sẽ phong tỏa 20 nút giao thông nằm trên các tuyến đường trọng yếu tại thủ đô.

Người biểu tình tại thủ đô Bangkok ngày 5/1.

Trước tình hình căng thẳng như vậy, Thủ tướng tạm quyền Yingluck, ngoài việc bác bỏ yêu sách của phe biểu tình, vẫn nêu cao khẩu hiệu kêu gọi người dân tích cực đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 nhằm duy trì nền dân chủ và nhấn mạnh, hủy bỏ cuộc bầu cử đồng nghĩa với việc đẩy nước Thái vào “cửa tử”.

Bà Yingluck cũng chỉ ra rằng, tình hình bất ổn chính trị đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế đất nước, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, minh chứng là vụ Singapore đã quyết định hủy 19 chuyến bay tới Bangkok vào cuối tháng này vào ngày 5/1 và trước đó, Hongkong Airlines cũng tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 60 chuyến bay tới Thái Lan.

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ tạm quyền Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cũng khẳng định tình hình này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho công dân và doanh nghiệp Thái Lan và sẽ phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế của nước này. Ngoài ra, bà Yingluck cũng lên tiếng kêu gọi quân đội đứng ra làm trung gian hòa giải giữa chính phủ với người biểu tình và triển khai lực lượng đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử sắp tới.

Trước đó, ngày 4/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cũng có cuộc gặp với các quan chức quân sự để bàn về giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay trên đất nước Chùa Vàng. Cũng trong ngày 4/1, đảng Pueu Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới với các cuộc mít tinh tại các khu trung tâm ở phía Bắc và ngoại ô thủ đô Bangkok. Đảng Pueu Thai cũng tuyên bố coi chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” cũng như các cuộc biểu tình hàng loạt của phe đối lập là hành động phi pháp và nhấn mạnh, thủ lĩnh biểu tình sẽ phải đối mặt với pháp luật.

Trong diễn biến mới nhất ngày 6/1, ban chỉ huy lực lượng vũ trang Thái Lan cho biết, để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh nhân Ngày quân đội 18/1, tại thủ đô Bangkok sẽ xuất hiện các thiết bị quân sự hạng nặng, bao gồm cả xe tăng và pháo binh.

Việc này đã được lên kế hoạch vào tuần trước và được thực hiện sớm hơn thời gian dự kiến. Quân đội cũng lên tiếng trấn an người dân không phải lo lắng về khả năng đảo chính quân sự

Hà Khổng
.
.
.