Hội nghị thượng đỉnh BRICS - SCO tại Nga:

Thách thức vai trò chi phối toàn cầu của Mỹ

Chủ Nhật, 12/07/2015, 11:26
Cùng với việc kết nạp thêm Ấn Độ, Pakistan của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và việc khởi động thành lập một ngân hàng phát triển mới với một quỹ tiền tệ chung của nhóm BRICS, các nền kinh tế mới nổi đứng đầu là Nga và Trung Quốc đang thực sự thách thức vai trò chi phối toàn cầu của Mỹ.

Từ Tuyên bố Ufa

Tin từ tờ Indianexpress cho hay, hôm 10/7, Hội nghị thượng đỉnh SCO đã bế mạc với những thành công khá quan trọng trong việc sớm đẩy mạnh vai trò của tổ chức này trên thế giới. Với việc thông qua Tuyên bố Ufa, Chiến lược phát triển SCO đến năm 2025 và nhiều văn kiện khác, SCO đã được mở rộng, có thêm 2 thành viên mới là Ấn Độ, Pakistan và cấp quy chế quan sát viên cho Belarus, đối tác đối thoại cho các quốc gia khác như Azerbaijan, Armenia, Campuchia và Nepal.

 Việc tiếp nhận các thành viên mới này được đánh giá là làm sâu sắc hơn hợp tác với các quốc gia là quan sát viên và đối tác đối thoại và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của SCO. Theo nhận định của giới quan sát quốc tế, SCO có thể sẽ trở thành một trong những thành viên có ảnh hưởng của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại và đóng góp cho việc duy trì an ninh và ổn định ở khu vực.

Tham vọng của các thành viên BRICS và SCO đang là thách thức lớn của Mỹ. Ảnh: Globalresearch.

Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo SCO cũng rất thức thời khi đưa ra những chương trình nghị sự thời sự và được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Việc xác định sự gia tăng của các thách thức và nguy cơ đe dọa an ninh toàn cầu, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan và sự tập hợp của các nhóm khủng bố quốc tế đã giúp SCO có một chiến lược dài hạn hơn về an ninh. Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất các biện pháp đối phó với những nguy cơ và thách thức trong khu vực. Trong 14 biện pháp được đưa ra, có tới hơn một nửa là việc tăng cường hợp tác an ninh và quân sự.

Là thành viên mới của SCO, tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cho rằng, việc mở rộng là bàn đạp để SCO trở thành một trong những tổ chức năng động nhất thế giới. Ông Narendra Modi nói: “Đã đến lúc để vươn ra khắp khu vực. Chúng ta có mọi thứ chúng ta cần để thành công”. Trước đó, không ít lần chính quyền New Delhi đã bày tỏ quan điểm muốn tham gia các cuộc tập trận chung của SCO và cùng với các thành viên khác của tổ chức này, thiết lập một mạng lưới quân sự lớn trong khu vực.

Tin từ hãng Sputnik thì cho hay, dù lần này, SCO chủ yếu tập trung vào hợp tác an ninh, song các chương trình kinh tế cũng quan trọng không kém với việc thảo luận hợp tác về vành đai kinh tế Con đường tơ lụa do Trung Quốc đề xuất và hợp tác Liên minh kinh tế Á-Âu.

Đến Quỹ tiền tệ chung

Năm nay, Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch của cả 2 tổ chức SCO và BRICS. Trong bối cảnh đang bị cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cô lập bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế, chính quyền Moskva đã khá khôn khéo khi thúc đẩy sự hợp tác của SCO và BRICS trong mọi lĩnh vực. Nói thế là bởi lẽ, trước khi có được thành công của Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga đã đạt được tham vọng của mình khi thuyết phục các thành viên của BRICS thành lập Ngân hàng phát triển mới và Quỹ tiền tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD.

Hãng Sputnik đưa tin, từ hôm 7/7, các Bộ trưởng tài chính BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã triệu tập phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng phát triển mới tại Thủ đô Moskva của Nga, cựu Thống đốc Ngân hàng ICICI của Ấn Độ Kundapur Vaman Kamath được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị trong một năm tới tuyên bố, số vốn ban đầu của ngân hàng là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong vài năm tới. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm ngân hàng này đã có thể tài trợ cho các dự án đầu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng. Thống đốc các Ngân hàng trung ương của khối cũng đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ tiền tệ trị giá 100 tỷ USD.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 30/7. Các nước thành viên BRICS sẽ góp vào quỹ một khoản tiền dùng để bảo hiểm cho các tình huống khẩn cấp gồm: Trung Quốc góp 41 tỷ USD; Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước 18 tỷ USD còn Nam Phi góp 5 tỷ USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, đây là bước đột phá lớn của BRICS và với nguồn dự trữ tiền tệ nói trên, BRICS sẽ đối phó kịp thời và hiệu quả đối với các biến động trên thị trường tài chính.

Theo các nhà phân tích, việc ghép nối những tổ chức mới thành lập như Ngân hàng phát triển BRICS, Quỹ tiền tệ BRICS, Ngân hàng đầu tư và phát triển châu Á (AIIB), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC) và dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc mà các thành viên của BRICS và SCO đang từng bước thực hiện sẽ thách thức, thậm chí làm lung lay vai trò chi phối của Mỹ trên toàn cầu và tác động mạnh đến giá trị của đồng USD.

Phan Hiển
.
.
.