Tăng mâu thuẫn giữa Mỹ - Pakistan sau cái chết của Bin Laden

Thứ Bảy, 07/05/2011, 09:52
Nếu như chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động từ cách đây 10 năm đã đưa Washington và Islamabad xích lại gần nhau và trở thành những đồng minh thân cận thì cuộc tấn công chớp nhoáng tiêu diệt thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda Osama Bin Laden tại khu nhà ở Abbottabad đêm 1/5 do lực lượng SEALs thực hiện lại khiến hai quốc gia này trở nên mâu thuẫn.

Chưa khi nào mà CIA và cơ quan tình báo Pakistan (ISI) lại có những trận tranh cãi nảy lửa và đổ lỗi cho nhau trong việc để cho trùm khủng bố sống nhởn nhơ giữa một thành phố đầy quân nhân và cảnh sát trong suốt 6 năm qua.

Những cáo buộc trái chiều

Tin từ hãng Reuters ngày 6/5 cho hay, giới chức Mỹ đang có những phản ứng khá mạnh mẽ khi báo chí đưa tin về việc tình báo Pakistan đã bị "qua mặt" trong vụ tấn công ở Abbottabad và rằng Washington không hề báo trước cho Islamabad về cuộc vây ráp bởi lo ngại tình báo nước này sẽ hỗ trợ cho trùm khủng bố Osama Bin Laden trốn thoát.

Nhiều người còn kêu gọi cắt giảm khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Pakistan mà trước đó Mỹ vẫn làm. Trong khi đó, Pakistan lại cảnh báo, quân đội nước này sẽ xem xét lại mọi thỏa thuận hợp tác quân sự và tình báo với Mỹ nếu Mỹ một lần nữa tiến hành cuộc đột kích tương tự như vụ hạ sát Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Kayani thậm chí còn yêu cầu Mỹ giảm số quân nhân của mình tại Pakistan xuống "mức tối thiểu".

Lực lượng an ninh Pakistan đang được triển khai xung quanh tòa nhà nơi trú ẩn của Osama Bin Laden.

Một số quan chức cấp cao an ninh Pakistan thì khẳng định, Mỹ đã mô tả sai lệch về cuộc đấu súng kéo dài tại tòa nhà ở Abbottabad. Chưa hết, Ngoại trưởng Pakistan Salman Bashir cảnh báo, bất kỳ nước nào thực hiện các hoạt động không được phép trên lãnh thổ Pakistan cũng sẽ gặp "hậu quả tai hại". Đồng thời, ông Salman Bashir cung lên tiếng bênh vực công tác của quân đội và ISI đêm 1/5.

Giải thích về những cáo buộc từ phía Mỹ về việc tại sao Osama Bin Laden đã ở trong tòa nhà nói trên 6 năm liền mà không bị tình báo Pakistan phát hiện, Ngoại trưởng Salman Bashir khẳng định, 2 năm trước, Pakistan đã thông tin cho cơ quan tình báo Mỹ về khu nhà ở Abbottabad.

Khi đó, Pakistan khẳng định, ISI đã đưa tòa nhà này vào tầm ngắm từ năm 2003 bởi có nhiều thông tin cho thấy sự hiện diện của chiến binh Al-Qaeda tại đây. Chính quyền Islamabad lập luận rằng, với công nghệ cao và những trang thiết bị tối tân, CIA có thể sẽ xác định được những người ở trong tòa nhà này.

Lực lượng SEALs trong đêm 1-5 tấn công vào nơi ở của trùm khủng bố.

Song, chính CIA đã phớt lờ những thông tin từ phía Pakistan mà lại cho rằng đây chỉ một trong hàng loạt dữ liệu không đáng quan trọng mà ISI vẫn thường gửi đến. Vì thế, ông Salman Bashir nhấn mạnh, bình luận của Giám đốc CIA Leon Panetta rằng CIA không thể tin tưởng ISI nếu tiết lộ trước thông tin về vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố là điều không thể chấp nhận được.

Nhắc lại những nỗ lực của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố suốt 1 thập kỷ qua, Ngoại trưởng Salman Bashir cho rằng thật không công bằng khi nói Pakistan làm ngơ trước sự hiện diện của Osama Bin Laden và yêu cầu phía Mỹ phải có cái nhìn thực tế, chính xác và hợp lý hơn về vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong chuỗi phản ứng trước động thái của Mỹ, Pakistan đã từ chối dẫn độ người vợ trẻ nhất của Osama Bin Laden là Amal al Sadh (27 tuổi), người Yemen về Mỹ. Cô gái này hiện đang được điều trị vết thương tại bệnh viện quân y ở Rawalpindi và Mỹ cũng không được phép tiếp cận để thẩm vấn.

Hỏa mù về thông tin

Những thông tin bất nhất cùng những cáo buộc khác nhau từ phía Mỹ, Pakistan đã khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) phải lên tiếng. Theo đó, cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay đã yêu cầu Mỹ tiết lộ toàn bộ sự việc nhằm xác định tính hợp pháp của chiến dịch truy sát Osama Bin Laden.

Quan điểm của bà Navi Pillay là mọi người đều có quyền được biết chính xác sự việc đã diễn ra trong đêm 1/5. Về thông tin rằng trùm khủng bố đã bị tiêu diệt khi không có vũ khí tự vệ, bà Navi Pillay chỉ nhấn mạnh rằng, các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố cần tuân thủ luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế không cho phép các hành động tra tấn cũng như hành quyết mà không xét xử.

Lợi dụng sơ hở và sự mập mờ trong thông tin về chiến dịch tấn công ở Abbottabad cũng như việc Mỹ quyết định không công bố những bức ảnh về thi thể của Osama Bin Laden, nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan đã lên tiếng bác bỏ việc trùm khủng bố đã bị tiêu diệt. Một đại diện cấp cao của  nhóm Tehrik-e-e Taliban Pakistan đã xuất hiện trên kênh truyền hình Geo - TV tuyên bố rằng Osama Bin Laden vẫn còn sống và cho rằng thông tin mà Mỹ đã đưa ra là tin "giả".

Kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn lời Alex Jones, người quản lý nhiều trang web đông người đọc  nhận định, việc đột kích giết chết trùm khủng bố là "một trò lừa bịp" bởi không có xác chết và việc chôn cất ở biển cũng không được hợp lý. Alex Jones còn nói rằng, nguồn tin từ Nhà Trắng của anh cho hay, Osama Bin Laden đã chết cách đây 9 năm…

Và hé lộ từ CIA

Trước những câu hỏi khác nhau về chiến dịch tấn công chớp nhoáng do các thành viên đội đặc nhiệm SEALs thực hiện, ngày 6-5, CIA tiếp tục hé lộ những thông tin mới. Theo đó, từ tháng 11 năm ngoái, khi lần theo dấu vết người đưa tin của Osama Bin Laden tới tòa nhà ở Abbottabad, CIA đã thuê một ngôi nhà an toàn ở ngay gần nơi ẩn náu của Osama Bin Laden và cho một nhóm nhân viên tình báo bí mật theo dõi 24/24h.

Trong suốt nửa năm đó, người của CIA chưa một lần nhìn thấy bóng dáng của Osama Bin Laden. Tuy nhiên, nhờ theo dõi, chụp ảnh khách ra vào tòa nhà cùng những người đang sinh sống trong đó, CIA đã khoanh vùng nghi vấn về một căn phòng đặc biệt ở tầng trên cùng của tòa nhà này.

Đây cũng chính là căn buồng nơi trùm khủng bố bị phát hiện và bị tiêu diệt. Tờ Bưu điện Washington cho biết, để phục vụ cho chiến dịch này, CIA đã sử dụng cả những thiết bị tối tân, cố gắng nghe trộm các cuộc nói chuyện trong tòa nhà và vạch ra các phương án trốn chạy của Osama Bin Laden nếu thấy có nguy hiểm.

Đúng như những gì mà cô vợ trẻ Amal al Sadh của trùm khủng bố đã khai với tình báo Paksitan, Osama Bin Laden không bao giờ ra khỏi tòa nhà ở Abbottabad và chỉ thu mình trong hai căn phòng ở tầng 3. Bản thân Amal al Sadh cũng không bao giờ bước chân ra khỏi nhà trong suốt 6 năm chung sống với Osama Bin Laden ở đây.

Thêm một yếu tố giúp Mỹ khẳng định về sự hiện diện của Osama Bin Laden tại Abbottabad là hồi tháng 1, một thành viên cao cấp của nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah (JI) có quan hệ với Al-Qaeda là Umar Patek đã bị bắt khi đang đi trên đường phố.

Tên này được cho là đến Pakistan để bắt mối với thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda và gặp gỡ Osama Bin Laden. Umar Patek cũng là một trong những kẻ tham gia vụ đánh bom khủng bố ở Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng. Nguồn tin từ CIA còn khẳng định, dù bị tách biệt với thế giới bên ngoài và chỉ liên lạc thông tin qua những người thân tín, song, Osama Bin Laden vẫn là kẻ lên kế hoạch, vạch ra những âm mưu tấn công khủng bố mới.

Các tài liệu thu được trong các máy tính, đĩa CD ở hai phòng trên tầng 3 tòa nhà tại Abbottabad đã cho thấy trùm khủng bố này đang dự định cho Al-Qaeda tiến hành một vụ tấn công đường sắt tại Mỹ vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Ý tưởng của kế hoạch này là gây hỗn loạn tại một đường tàu chưa được xác định, nhằm làm con tàu trật bánh khỏi đường ray tại một thung lũng hoặc cây cầu nào đó.

Ngay lập tức, giới chức an ninh Mỹ và giới chức đường sắt đã có các cuộc họp khẩn, thiết lập ủy ban rà soát mạng lưới an toàn đường sắt bởi cho đến nay, CIA vẫn chưa thể biết được rằng, Al-Qaeda đã triển khai những bước nào trong chiến dịch tấn công khủng bố nói trên.

Hôm 5/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thăm khu Ground Zero, nơi mà tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tọa lạc trước ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001.

Trước khi tới khu Ground Zero, ông Barack Obama cũng đã đến đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm 343 người lính cứu hỏa New York đã quyên thân trong vụ 11/9/2001 và thăm trạm cứu hỏa Manhattan, nơi mất đi tới 15 chiến sĩ trong ngày định mệnh ấy, để lại 28 đứa trẻ mồ côi cha.

Được biết, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới khu Ground Zero kể từ sau khi cựu Tổng thống George Bush tuyên bố thề sẽ trả thù cho nước Mỹ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

PV

Phan Hiển
.
.
.