Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học, nếu...

Thứ Tư, 25/07/2012, 09:17
Tình hình hiện nay tại Syria không những khiến các nước trong khu vực quan ngại, mà cộng đồng thế giới cũng lo lắng, nhất là sau tuyên bố của ông Jihad Makdisi, đại diện chính thức của chính phủ Syria: Damascus sẽ chỉ sử dụng vũ khí hoá học trong trường hợp có can thiệp quân sự của nước ngoài.
>> Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại thủ đô Syria

Ngay lập tức người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định, Mỹ sẽ quy trách nhiệm bất kỳ quan chức Syria nào liên quan tới việc phân phối hoặc sử dụng vũ khí hóa học của nước này. Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad: chính phủ của ông sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sử dụng vũ khí hóa học.

Theo nguồn tin tình báo Mỹ, Syria đã di chuyển kho vũ khí hóa học và Tổng thống Bashar al-Assad có thể sử dụng số vũ khí này để bảo vệ chính quyền đang lung lay của mình. Ngoài cuộc “khẩu chiến” kể trên, dư luận cũng quan tâm tới những phản ứng khác nhau xung quanh đề xuất của Liên đoàn Arab (AL). Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil Elaraby đề xuất: Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gia đình sẽ được ra đi an toàn nếu nhà lãnh đạo này từ bỏ quyền lực.

Các tay súng nổi dậy Syria ở thành phố Aleppo.

Ngày 23/7, Iraq đã bác bỏ đề xuất của Liên đoàn Arab yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Tuyên bố của Iraq được đưa ra ngay sau khi Liên đoàn Arab công bố cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao đối với Syria trong cuộc họp tại Doha (Qatar).

Cũng trong ngày 23/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho biết, Syria lấy làm tiếc về việc bị Liên đoàn Arab cắt quan hệ ngoại giao và rằng, nếu các quốc gia Arab thực sự muốn chấm dứt đổ máu ở Syria, trước hết họ phải ngừng cung cấp vũ khí, ngừng xúi giục và tuyên truyền chống lại nhà nước Syria.

Người phát ngôn Jihad Makdisi cũng chính thức bác bỏ đề xuất của Liên đoàn Arab về việc yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Ông Jihad Makdisi cũng khẳng định, Syria sẽ không sử dụng vũ khí hóa học và các loại vũ khí trái quy ước để chống lại người dân, trừ phi bị nước ngoài tấn công.

Theo ông Jihad Makdisi, hiện toàn bộ vũ khí hóa học của Syria đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội và giới tướng lĩnh sẽ quyết định thời điểm cũng như cách thức sử dụng các loại vũ khí này tùy theo tính chất của các hoạt động gây hấn từ bên ngoài. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi các ngoại trưởng AL thông qua nghị quyết cắt quan hệ với Syria và chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cho bất kỳ quan chức Syria nào liên quan tới việc phát tán hoặc sử dụng các loại vũ khí hóa học.

Được biết, Mỹ và Israel đang lo ngại trước khả năng các kho vũ khí hóa học ở Syria sẽ rơi vào tay lực lượng al-Qaeda hoặc Hezbollah sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad  sụp đổ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh cáo, sẽ phải hành động nếu thấy cần thiết để ngăn chặn kho vũ khí hóa học khổng lồ của Syria không rơi vào tay các phiến quân trong trường hợp chính quyền Damascus tan rã.

Trong quyết định của mình, Liên đoàn Arab đã hối thúc Quân đội Syria Tự do (FSA) thành lập chính phủ chuyển tiếp thống nhất dân tộc để sớm chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu hiện nay. Đây được coi là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

Ngày 23/7, người phát ngôn của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) George Sabra đã phát đi một thông báo đầy thách thức: lực lượng này đang đứng trước ngưỡng cửa chiến thắng. Ông George Sabra cũng kêu gọi dân chúng ủng hộ quân nổi dậy, hối thúc mọi người nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho sự hồi sinh của đất nước sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Nhưng theo tuyên bố của quân đội chính phủ Syria thì họ đã đánh bật lực lượng chống đối ra khỏi Thủ đô.

Cũng trong ngày 23/7, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với những người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Theo đó, EU phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực đối với 26 cá nhân và 3 công ty ở Syria bị cho là quan hệ mật thiết với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Đây là quyết định trừng phạt thứ 17 của EU đối với Syria kể từ khi bạo lực xảy ra vào tháng 3/2011.

Về phần mình, ngày 23/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về một cuộc nội chiến kéo dài ở Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad bị phe nổi dậy tước bỏ quyền lực một cách vi hiến. Cảnh báo của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh giao tranh quyết liệt đang nổ ra tại hai thành phố chính của Syria là Damascus và Aleppo.

Cũng trong ngày 23/7, hãng hàng không quốc gia Aeroflot của Nga tuyên bố, sẽ dừng các chuyến bay giữa Moskva và Damascus kể từ ngày 6/8 vì nhu cầu thấp. Vì là quốc gia láng giềng nên Thổ Nhĩ Kỳ đã điều một loạt tên lửa đất đối không đến vùng biên giới với Syria khi giao tranh xảy ra ác liệt tại thủ đô Damascus, thành phố Aleppo và quân nổi dậy Syria đã kiểm soát được 3 chốt trên đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov đã phủ nhận những thông tin nói rằng, các tay súng Chechnya đang can dự vào cuộc xung đột ở Syria.

Trước những phản ứng kể trên, Tổng thống Bashar al-Assad đã hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội, Tướng Ali Abdullah Ayub để tiếp tục truy lùng những kẻ khủng bố nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như bảo vệ họ trước các vụ tấn công khủng bố. Tổng thống Bashar al-Assad cũng cử em trai là Tướng Maher Assad chỉ huy của Sư đoàn 4 tinh nhuệ, đứng đầu một bộ tư lệnh mới chống quân nổi dậy, và bổ nhiệm Tướng Ali Mamloukh đứng đầu Cơ quan An ninh chung, Tướng Hafez Makhlouf làm Tư lệnh quân sự Damascus

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.