Syria đối mặt với kế hoạch tấn công của Mỹ

Thứ Sáu, 10/02/2012, 11:05
Bất chấp những nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria bằng hòa bình của Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, Mỹ vẫn nhóm họp các chuyên gia an ninh để lên kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
>> Phương Tây phản đối Nga và Trung Quốc chống lại nghị quyết về Syria

Hoàn thành việc soạn thảo sửa đổi Hiến pháp theo đề nghị từ lực lượng đối lập và chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn không thoát khỏi áp lực từ các quốc gia phương Tây.

Tin từ hãng CNN, bất chấp những nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria bằng hòa bình của Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, Mỹ vẫn nhóm họp các chuyên gia an ninh để lên kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Ngày 8/2, hãng CNN đã dẫn nguồn tin từ hai quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, trong lúc vẫn tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria, giới chức Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã bắt đầu thảo luận nội bộ về phương án quân sự có thể sử dụng đối với Syria. Phương án này sau đó sẽ được dùng để trình lên Nhà Trắng trong trường hợp Tổng thống Barack Obama yêu cầu. Thông tin này đang khiến dư luận thế giới lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở vùng Vịnh.

Bạo lực tiếp diễn ở Syria càng đẩy người dân vào cảnh cùng quẫn.

Nguyên do là trước đó, báo chí phương Tây đã đưa nhiều thông tin về việc Israel lên kế hoạch tấn công Syria. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak còn cảnh báo, nếu Tehran vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân của mình, Israel có thể sẽ tính đến khả năng tấn công Iran. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại đưa ra nhận định rằng, Tel Aviv có thể ra lệnh không kích nhằm vào Iran trong tháng 4 hoặc cùng lắm là tháng 5, tháng 6 năm nay.

Hôm 7/2, hai Thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain và Josseph Lieberman cũng đưa ra quan điểm, Mỹ nên cân nhắc tất cả các phương án, trong đó có cả việc trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy hoặc thiết lập vùng cấm bay ở Syria như từng làm với Lybia. Một số nhà ngoại giao Mỹ còn tiết lộ, Nhà Trắng không loại trừ khả năng sẽ trợ giúp thêm tài chính và vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria.

Trong khi đó, hãng AFP đưa tin, Mỹ đã triển khai phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B tại căn cứ không quân Al-Ubaid ở Qatar. Ngoài ra còn có nhiều loại máy bay quân sự khác như máy bay vận tải quân sự S-17, S-130, máy bay tiếp nhiên liệu RC-135 và RC-10, các máy bay trinh sát của hải quân P-3 "Orion" và máy bay phát hiện radar từ xa E-8.

Trên thực tế, từ khi xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Syria, Mỹ luôn lên án chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cáo buộc họ vi phạm nhân quyền và đàn áp người biểu tình. Bất chấp những nỗ lực phủ quyết và giảm bớt căng thẳng từ phía Syria và cả Nga, Mỹ vẫn liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh ủng hộ những dự thảo nghị quyết lên án chính quyền Damascus.

Sự sốt sắng của Mỹ trong việc dùng quân sự đối với vấn đề Syria đã khiến Thủ tướng Vladimir Putin phải lên tiếng. Tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin còn cảnh báo rằng, sự can thiệp vào Syria có thể dẫn đến tình trạng tương tự như ở Libya sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thúc giục có những nỗ lực hơn nữa để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng với Syria tuyên bố, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) không thể làm, nước này và Liên đoàn Arab (AL) sẽ đưa ra các sáng kiến mới để hỗ trợ người dân Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, cộng đồng quốc tế cần gửi thông điệp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ người dân Syria cũng như gửi viện trợ đến các cư dân ở thành phố Homs. Ông Ahmet Davutoglu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức một hội nghị quốc tế để hỗ trợ người dân Syria và gửi thông điệp đến Tổng thống Assad nhằm chấm dứt 11 tháng xung đột chính trị tại nước này.

Cho đến chiều 8/2, nguồn tin từ AP khẳng định, AL và LHQ đồng ý cử một đoàn quan sát viên quay trở lại Syria. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp bảo vệ người dân Syria. Trong một vài ngày tới, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiếp tục nhóm họp về vấn đề Syria

Huyền Chi
.
.
.