Syria chấp nhận kế hoạch ngừng bắn của đặc phái viên LHQ

Thứ Năm, 29/03/2012, 10:15
Hôm 27/3, Chính phủ Syria tuyên bố chấp nhận làm theo kế hoạch ngừng bắn gồm 6 điểm mà đặc phái viên Kofi Annan của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab (AL) đưa ra.
>> Thực hư về thông tin đơn vị chống khủng bố của Nga tới Syria

Cùng ngày, trong cuộc gặp với những người ủng hộ ở Baba Amr, khu vực giáp ranh với Homs, nơi đang diễn ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định, chính phe đối lập đã đẩy ông vào thế buộc phải dùng vũ lực để chống lại các hành vi chống đối chính phủ.

Phát biểu trước đông đảo giới báo chí tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi ông Kofi Annan có chuyến thăm và gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, cựu Tổng thư ký LHQ nói: "Tôi xin khẳng định đã nhận được trả lời từ Chính phủ Syria. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác lâu dài với nhau trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria và việc thực thi sẽ được tiến hành ngay lập tức".

Hiện đặc phái viên của LHQ và AL về vấn đề Syria đang có chuyến công du Trung Quốc hai ngày tương tự như chuyến thăm Nga trước đó nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của hai quốc gia này trong việc chấm dứt bạo lực ở Syria.

Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tất bật với các chuyến công du tới Nga và Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trước khi ông Kofi Annan tới Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ rằng: "Chúng tôi hi vọng tất cả các bên tại Syria tham gia nỗ lực trung gian hòa giải của ông Annan nhằm tạo điều kiện cho cuộc dàn xếp chính trị cho vấn đề Syria. Đối với Trung Quốc, mọi hành động của cộng đồng quốc tế đều phải làm sao hạ nhiệt các căng thẳng tại Syria, thúc đẩy đối thoại chính trị và giải quyết các bất đồng, cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại Trung Đông".

Còn Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 27/3 cũng nhận định, việc yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức là "thiển cận". Ông Dmitry Medvedev cũng khẳng định, chính người dân Syria, chứ không phải các lực lượng nước ngoài, cần quyết định số mệnh của mình.

Trước đó, cả Moskva và Bắc Kinh đã bỏ phiếu thông qua một tuyên bố chung của LHQ kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Syria và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh của ông Kofi Annan, đồng thời nhấn mạnh sứ mệnh này có thể là cơ hội cuối cùng để tránh một cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài ở Syria.  

Tin từ hãng Reuters cho hay, kể từ khi ông Kofi Annan đưa ra kế hoạch 6 điểm trong đó kêu gọi rút quân, hạn chế vũ khí hạng nặng, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích tù nhân chính trị..., cả Syria và phe đối lập đều tỏ thái độ thiện chí. Trong kế hoạch của mình, ông Kofi Anna cũng kêu gọi Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy cùng tham gia đàm phán hòa bình và lập ra lộ trình giải quyết xung đột.

Vào thời điểm mà cựu Tổng thư ký LHQ đưa ra bản kế hoạch này, các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập ở Syria vẫn diễn tiến phức tạp, đặc biệt là khu vực gần phía Bắc Lebanon.

Vì thế, ngay sau khi người phát ngôn của ông Kofi Annan đưa ra tuyên bố về việc Chính phủ Syria chấp thuận kế hoạch của đặc phái viên LHQ, nhiều quốc gia phương Tây đã tỏ ý nghi ngờ.

6 điểm trong kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan

- Chính phủ Syria ngừng việc đưa quân đến các khu vực dân cư và chấm dứt việc sử dụng vũ khí hạng nặng ở các khu vực này;

- Chính phủ và phe đối lập đối thoại để đi đến một sự dàn xếp hòa bình;

- Ngừng bắn 2 giở/ ngày để các cơ quan cứu trợ vào nước này;

- Trả tự do cho người biểu tình, cung cấp danh sách các địa điểm giam giữ;

- Bảo đảm tự do đi lại và thị thực không phân biệt đối xử cho nhà báo;

- Tôn trọng quyền tự do giao thiệp và quyền biểu tình hòa bình.

Tuấn Anh
.
.
.