Sự khởi đầu thuận lợi của cựu Tổng thống Jacques Chirac

Thứ Năm, 22/12/2011, 15:23
Có lẽ thấy sự đắc dụng của ông Jacques Chirac nên ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Giscard d'Estaing đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ làm Thủ tướng hôm 27/5/1974. Mới hơn 41 tuổi, nhưng tân Thủ tướng Jacques Chirac đã được coi là hình mẫu của jeunes loups (những con sói trẻ) trên chính trường Pháp...

Cả chính trường và xã hội Pháp đều bị chia rẽ sau khi cựu Tổng thống Jacques Chirac bị toà tuyên phạt 2 năm tù treo hôm 15/12. Ông Jacques Chirac đã trở thành cựu Tổng thống Pháp đầu tiên trong lịch sử bị kết án tù và dư luận coi quyết định của toà còn nhiều điều gây tranh cãi. Ngoài ra, bản án 2 năm án treo được tuyên trong bối cảnh chỉ còn 5 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống nên chính giới cũng như dư luận Pháp coi việc này sẽ có tác động nhất định đến chính trường.

Với tư cách là chính khách được yêu thích nhất nước Pháp và cho tới nay như chưa có ai vượt qua kỷ lục tham chính của ông Jacques Chirac - 2 nhiệm kỳ Tổng thống, 2 nhiệm kỳ Thủ tướng và gần 20 năm làm Thị trưởng Paris.

Tên gọi đầy đủ của ông Jacques Chirac là Jacques Rene Chirac, sinh ngày 29/11/1932. Trong thập niên 1950, ông Jacques Chirac gia nhập đảng Cộng sản Pháp và tham gia ký yêu cầu Stockholm, yêu cầu xoá bỏ vũ khí hạt nhân nên đã bị chất vấn khi xin visa lần đầu tiên vào Mỹ. Tuy được huấn luyện để trở thành sĩ quan dự bị vì tình nguyện tham gia chiến tranh Algeria, nhưng người ta vẫn không muốn cựu Tổng thống Jacques Chirac trở thành sĩ quan bởi nghi ngại tư tưởng cộng sản của ông. Do đó, ông Jacques Chirac mới trở thành nhân viên tại toà án Auditors.

Tới tháng 4/1962, ông Jacques Chirac được cử lãnh đạo bộ máy nhân viên của Thủ tướng Georges Pompidou và đây là sự khởi đầu thuận lợi đối với sự nghiệp chính trị của ông Jacques Chirac. Thủ tướng Georges Pompidou khá hài lòng trước khả năng giải quyết công việc của ông Jacques Chirac nên đã đặt biệt danh "chiếc máy ủi" cho người trợ lý của mình. Từ đó, “Chiếc máy ủi" nhận được sự quan tâm của chính giới và biệt danh này đã giúp ông Jacques Chirac nhanh chóng thành công trên chính trường.

Dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Georges Pompidou, ông Jacques Chirac được bầu làm đại diện của khu vực Correze khi ra tranh cử theo phái de Gaulle năm 1967. Con đường thăng tiến của ông Jacques Chirac hanh thông sau khi có vai trò quan trọng trong đàm phán giải quyết cuộc bất ổn của công nhân và sinh viên hồi tháng 5/1968 với tư cách Quốc vụ khanh về các vấn đề xã hội (1967-1968).

Ông Jacques Chirac khi làm Thủ tướng dưới thời Tổng thống Georges Pompidou.

Sau khi Thủ tướng Georges Pompidou được bầu làm Tổng thống (năm 1969), ông Jacques Chirac được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh về Kinh tế và Tài chính (1968-1971), rồi Bộ trưởng Quan hệ Nghị viện (1971-1972), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1972-1974). Dám bảo vệ lợi ích của nông dân Pháp khi tấn công chính sách nông nghiệp của Mỹ và phương Tây nên ông Jacques Chirac nhanh chóng nổi tiếng trên chính trường Pháp và bước đầu thu hút sự quan tâm của thế giới.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, thay thế người tiền nhiệm Raymond Marcellin từ chức hôm 27/2/1974, ông Jacques Chirac lại thu hút sự quan tâm của chính trường Pháp khi dám huỷ bỏ dự án SAFARI vì quan ngại về quyền riêng tư sau khi tờ Le Monde đề cập tới vấn đề nhạy cảm này.

Tổng thống Georges Pompidou đặc biệt tin cậy Bộ trưởng Nội vụ Jacques Chirac nên đã giao cho ông chỉ huy chiến dịch tranh cử tổng thống dự định diễn ra trong năm 1976. Nhưng cuộc bầu cử này buộc phải diễn ra sớm hơn dự kiến bởi cái chết bất ngờ của Tổng thống Georges Pompidou (ngày 2/4/1974).

Có lẽ thấy sự đắc dụng của ông Jacques Chirac nên ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Giscard d'Estaing đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ làm Thủ tướng hôm 27/5/1974. Mới hơn 41 tuổi, nhưng tân Thủ tướng Jacques Chirac đã được coi là hình mẫu của jeunes loups (những con sói trẻ) trên chính trường Pháp khi được Tổng thống Giscard d'Estaing giao nhiệm vụ hoà giải giữa “phái Giscard" và "không Giscard" trong nghị viện.

Sự khéo léo và tinh tế của ông Jacques Chirac còn được thể hiện trong việc thoát khỏi sự “truy sát” của "Các ông trùm phái de Gaulle", những người coi ông là kẻ phản bội vì vai trò trong chiến dịch tranh cử giúp ông Giscard d'Estaing ngồi lên ghế Tổng thống. Ông Jacques Chirac nhanh chóng thuyết phục những người phái de Gaulle ủng hộ những cuộc cải cách xã hội do Tổng thống Giscard d'Estaing đưa ra.

Việc 2 cựu cố vấn của Tổng thống Georges Pompidou là Pierre Juillet và Marie-France Garaud làm cố vấn cho mình, Thủ tướng Jacques Chirac nhanh chóng khẳng định vị thế cũng như vai trò của mình trên chính trường Pháp. Ông Jacques Chirac thế hiện bản lĩnh chính trị khi dám từ chức Thủ tướng sau khi Tổng thống Giscard d'Estaing không trao quyền cho mình.

Ngay sau khi rời ghế Thủ tướng (1974-1976), ông Jacques Chirac bắt tay xây dựng cơ sở chính trị của mình trong đảng bảo thủ Pháp. Việc thành lập đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà (RPR) năm 1976 được coi là thành công trong việc tái lập người của phái de Gaulle cũ vào nhóm tân de Gaulle. Và ông Jacques Chirac làm Chủ tịch RPR 18 năm (1976-1994)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.