Tổng thống Nga ký đạo luật cấm người Mỹ nhận con nuôi:

Sóng gió mới trong quan hệ ngoại giao Nga – Mỹ

Chủ Nhật, 30/12/2012, 09:09
Cả Moskva và Washington đều cáo buộc nhau “hủy hoại mối quan hệ song phương” khi Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky còn Tổng thống Nga thì ký đạo luật Yakovlev, cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga.

Nỗ lực “tái khởi động” quan hệ Nga- Mỹ từng bị đóng băng sau cuộc chiến Nga-Gruzia hồi năm 2008 đang có nguy cơ thất bại, nhất là khi hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh lại tiếp tục “châm chích” nhau bằng các đạo luật mới. Cụ thể, cả Moskva và Washington đều cáo buộc nhau “hủy hoại mối quan hệ song phương” khi Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky còn Tổng thống Nga thì ký đạo luật Yakovlev, cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga.

Hôm 28/12, Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ mối lo ngại về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua đạo luật Yakovlev cấm công dân Mỹ nhận con nuôi là trẻ em Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho rằng, đạo luật trên sẽ cản trở nhiều trẻ em Nga có cơ hội được người Mỹ nhận làm con nuôi. Đồng thời, ông Patrick Ventrell cũng thúc giục Chính phủ Nga cho phép những gia đình Mỹ đang làm thủ tục nhận con nuôi là trẻ em Nga được đón các em này.

Nhiều quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul phát biểu: “Điều luật này đã liên kết số phận những đứa trẻ mồ côi với các vấn đề chính trị. Hai nước đã từng có những thỏa thuận bảo vệ những đứa trẻ Nga làm con nuôi. Thật đáng tiếc khi bây giờ Duma Quốc gia Nga đang bỏ đi những thỏa thuận này”.

Tin từ hãng AFP cho biết, ông Vladimir Putin đã ký đạo luật này chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Thượng viện Nga thông qua với sự ủng hộ của tất cả 143 Thượng nghị sĩ. Nhiều nhà phân tích nhận định, biện pháp cứng rắn này là để trả đũa đạo luật nhân quyền mới mang tên Magnitsky của Mỹ nhằm vào các quan chức Nga, liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nói: “Mọi người đều bị tổn thương bởi cái được gọi là luật Magnitsky của Mỹ. Rõ ràng là luật này được ban hành là để nhằm vào Nga. Vì vậy đương nhiên Quốc hội Nga cũng cần có hành động đáp trả”.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đa số người dân Nga lại hoan nghênh việc Tổng thống ký ban hành và Thượng viện Nga thông qua đạo luật Yakovlev. Theo lịch trình, đạo luật Yakovlev sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Điều này cũng có nghĩa là 52 trẻ em Nga đang được một số người Mỹ làm thủ tục nhận con nuôi sẽ ở lại Nga chứ không sang Mỹ nữa.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, đạo luật Yakovlev là để bảo vệ nhiều trẻ em Nga sau khi trở thành con nuôi các gia đình người Mỹ đã bị ngược đãi, trong khi đó chính phủ Mỹ đã không có bất cứ động thái xử phạt nào đối với những kẻ bạo hành trẻ em này, đặc biệt là với những đứa trẻ bất hạnh phải đi làm con nuôi. Mặt khác, theo ông Vladimir Putin, giới chức Washington cũng không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ ngăn chặn các hành vi ngược đãi, hành hạ đối với trẻ em Nga được nhận làm con nuôi trên đất Mỹ.

Cảnh sát Nga ngăn cản người biểu tình mang biểu ngữ: “Liệu trẻ mồ côi có lỗi về cái chết của Sergei Magnitsky? Hãy chấm dứt nỗi hổ thẹn này” bên ngoài tòa nhà Duma quốc gia Nga hôm 19/12/2012.

Cũng phải nói thêm rằng, trước khi đạo luật Yakovlev ra đời, từ năm 2005, Nga đã nhiều lần báo động về nạn nhân con nuôi trái phép. Khi đó, Nga đã cho triển khai một chiến dịch quy mô lớn để "làm sạch" hoạt động cho và nhận con nuôi. Hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao Nga cũng từng đề nghị chính phủ ngừng cho phép người Mỹ nhận con nuôi ở Nga và siết chặt quy chế cho-nhận con nuôi người Nga sau một loạt vụ ngược đãi, thậm chí làm tử vong trẻ em người gốc Nga ở Mỹ, trong đó có vụ một người Mỹ tên là  Tereza Maknalti đã gây ra nhiều vết bầm tím và xước xát trên đầu, mặt và các vết bỏng cấp độ II trên 10% thân thể một cháu gái nuôi gốc Nga.

Tuy nhiên, bà này lại chỉ bị phạt 23 tháng tù giam và có thể được trả tự do sau tám tháng ngồi tù bất chấp những chứng cứ rõ ràng về tội thường xuyên hành hạ con gái nuôi gốc Nga...

Đến tháng 7, sau khi dư luận Nga bức xúc trước việc ngày càng có nhiều vụ bạo hành con nuôi, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua một đạo luật mới, siết chặt các quy định về việc công dân Mỹ nhận con nuôi ở Nga. Báo chí Nga còn đưa tin rằng, đã có ít nhất 19 trẻ em Nga được người Mỹ nhận nuôi tử vong tại Mỹ trong vòng 10 năm qua; nhiều em khác thì bị cha mẹ nuôi bạo hành. Từ những thông tin này, dự thảo đạo luật Yakovlev được đưa ra và dù gây nhiều tranh cãi song nó cũng nhanh chóng được cả hai viện ở Nga thông qua một cách nhanh chóng.

Giới quan sát nhận định, đạo luật Yakovlev của Nga và đạo luật Magnitsky của Mỹ đang khiến quan hệ của hai quốc gia này nóng lên và thậm chí có nguy cơ đẩy hai cường quốc này vào một cuộc đối đầu mới trong năm 2013

Đạo luật Yakovlev được mang tên bé trai Dima Yakovlev người Nga (1,5 tuổi) đã thiệt mạng năm 2008 tại Mỹ do bạo hành từ cha nuôi người Mỹ. Đạo luật cấm mọi công dân Mỹ nhận con nuôi người Nga và hủy hiệp định cho - nhận con nuôi ký giữa Nga với Mỹ năm 2011, đồng thời cấm nhập cảnh Nga và đóng băng tài khoản đối với mọi công dân nước ngoài vi phạm các quyền và tự do của con người và của các công dân Nga. Đạo luật cấm những tổ chức phi kinh doanh nhận viện trợ Mỹ để hoạt động chính trị trên lãnh thổ Nga.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, hiện có khoảng 740.000 trẻ em Nga mồ côi, trong khi đó chỉ có 18.000 trường hợp đang chờ nhận con nuôi ở nước này. Kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, hơn 60.000 trẻ em Nga đã được các gia đình nước ngoài, hầu hết là Mỹ, nhận nuôi. Trong 2 năm 2011, 2012, có 400 trẻ em Nga đã chuyển sang sống tại các gia đình người Mỹ theo Hiệp định Nga-Mỹ về cho-nhận con nuôi người Nga.

Ngọc Khuê

Huyền Chi
.
.
.