Bê bối nghe lén điện thoại khiến tờ News of the World của Anh đóng cửa:

Số phận tất yếu hay kế "thoát xác"?

Chủ Nhật, 10/07/2011, 17:57
Ngày 10/7, sau khi phát hành số báo cuối cùng, tờ báo 168 năm tuổi News of the World thuộc sở hữu của công ty News International, là chi nhánh tại Anh của Tập đoàn truyền thông lớn thứ ba thế giới News Corporation do ông trùm truyền thông Rupert Murdoch quản lý, sẽ chính thức đóng cửa.
Nguyên do là bởi tờ báo này đang dính dáng đến scandal nghe lén làm rung chuyển chính trường xứ sở sương mù. Ít nhất 3 nhân vật từng giữ vị trí cao trong tòa soạn (gồm cả cựu Giám đốc truyền thông của Thủ tướng David Cameron) đã bị bắt giữ.

4 năm cho một cuộc điều tra

Nguồn tin từ Sở Cảnh sát Scotland Yard cho hay, bê bối nghe lén điện thoại của tờ News of the World... bắt nguồn từ vụ bắt giữ một phụ nữ có tên là Terenia Taras ở Tây Yorkshire hồi cuối tháng 6. Cô này được cho là đã viết hơn 30 bài báo từ các cuộc nghe trộm điện thoại nói trên cho tờ News of the World và bị truy tố theo khoản 1 của Bộ luật Hình sự Anh năm 1977. Ngoài ra, Terenia Taras còn thường xuyên cộng tác với một số tờ báo lá cải khác như Sunday Mirror, Daily Mail, Daily Star... Từ vụ bắt giữ này, qua lấy lời khai, chuyên án mang tên "Operation Weeting" của Scotland Yard từng được khởi động cách đây 4 năm chính thức được mở lại với sự tham gia của 45 điều tra viên.

Vì bê bối nghe lén điện thoại, tờ News of the World 168 năm tuổi bị đóng cửa.

Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi triển khai, các điều tra viên đã có được bằng chứng về việc phóng viên tờ News of the World đã "thâm nhập" điện thoại của nữ sinh Milly Dowler (13 tuổi), người mất tích và bị sát hại năm 2002 để xóa và tiếp tục theo dõi tin nhắn mới từ người thân và bạn bè của em. Điều này gây hiểu lầm rằng em Milly Dowler vẫn còn sống. Tiếp đó, các điều tra viên còn phát hiện việc đặt thiết bị nghe lén vào điện thoại của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ở London ngày 7/7/2005; điện thoại của những người lính Anh thiệt mạng trên chiến trường Iraq và Afghanistan.

Đó là chưa kể đến những đơn tố cáo News of the World nghe lén điện thoại của những nhân vật nổi tiếng như các thành viên Hoàng gia Anh, tài tử điện ảnh Hugh Grant, luật sư Max Clifford, cựu nghị sĩ George Galloway, cựu Phó Thủ tướng John Prescott, Thị trưởng London Boris Johnson, chuyên gia bóng đá Andy Gray và cựu cầu thủ Paul Gascoigne... mà các điều tra viên trong chuyên án nhận được hoặc tìm thấy trong hồ sơ điều tra.

Với số lượng phát hành 2,8 triệu bản/ngày, News of the World được đánh giá là một trong những tờ báo lá cải bán chạy nhất ở Anh quốc bởi thường xuyên tiết lộ bí mật của nhiều nhân vật đình đám, các chính trị gia... Một biên tập viên cấp cao của tờ báo này cách đây hai năm cũng từng thừa nhận rằng, bằng những tiểu xảo và phương pháp sử dụng công nghệ mới, News of the World thâu tóm được một mạng lưới thông tin khá lớn và luôn có được những tin gây sốc dư luận. Người này cũng cho biết, ban biên tập của tờ News of the World sẵn sàng chi hàng triệu USD để mua lại những tài liệu quý giá phục vụ cho những bài viết có thông tin lá cải để đăng báo, thu hút sự chú ý của độc giả. Cảnh sát Scotland Yard ước tính, hơn 4.000 người là nạn nhân tiềm năng của các thám tử tư được News of the World thuê.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tờ News of the World bị cảnh sát Anh "sờ gáy". Hồi tháng 9 năm ngoái, các nghị sĩ trong Hạ viện Anh từng nhất trí thành lập một ủy ban đa đảng điều tra lại bê bối nghe trộm điện thoại tại 2 tờ báo News of the World và The Sun được thực hiện từ năm 2007. Khi đó, Quốc hội Anh đã thảo luận về vụ bê bối này bởi họ nhận được đơn khiếu nại của cả cựu Phó Thủ tướng John Prescot lẫn 2 cựu Bộ trưởng Chris Bryant và Tessa Jowell.

6 nhà báo khác từng làm việc cho News of the World đã xác nhận thông tin này và cho biết, 31 phóng viên News of the World và The Sun đã trả tiền cho các nhà điều tra để nghe lén và xem tin nhắn của nhiều nhân vật có tiếng. Số nạn nhân của những vụ nghe lén điện thoại lên đến 2.000-3.000 người, chủ yếu là các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng. Chưa hết, cánh nhà báo của News of the World và The Sun còn thuê công ty thám tử tư Nine Consultancy giúp lắp đặt thiết bị nghe trộm với mức thù lao 2.000 bảng Anh/tuần. Năm 2008, sau khi chuyên án "Operation Weeting" được mở, Giám đốc của Nine Consultancy là Glen Mulcaire đã bị phạt tù 6 tháng vì tội xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Sự liên quan của giới chức Anh

Cho đến tối 8/7, ít nhất 3 nhân vật từng giữ vị trí lãnh đạo của tờ News of the World đã bị bắt giữ. Đó là cựu Tổng biên tập Clive Goodman, Andy Coulson và Rebekah Brooks. Cả ba người này sau đó đều phải chịu thẩm vấn những vấn đề xung quanh vụ bê bối này. Riêng ông Andy Coulson thì bị giữ tại Sở Cảnh sát Scotland Yard trong 9 tiếng đồng hồ rồi được thả ra sau khi đóng tiền bảo lãnh.

Sau 9 tiếng đồng hồ bị bắt giữ và thẩm vấn, Andy Coulson, cựu Giám đốc truyền thông của Thủ tướng Anh David Cameron đã được bảo lãnh.

Tờ Người bảo vệ của Anh cho hay, ông Andy Coulson từng là Giám đốc truyền thông của đương kim Thủ tướng David Cameron nhưng bị buộc phải từ chức hồi tháng 1 khi Hạ viện yêu cầu mở lại cuộc điều tra nhằm vào tờ News of the World. Giữ cương vị Tổng biên tập News of the World từ năm 2003-2007, đến nay, ông Andy Coulson vẫn một mực khẳng định không hề hay biết về các vụ nghe lén điện thoại mà phóng viên tờ này tiến hành. Nhưng các điều tra viên vẫn ngờ rằng ông biết hoặc thậm chí từng tham gia trực tiếp vào việc nghe lén điện thoại di động.

Trong khi đó, Clive Goodman (từng phải ngồi tù 6 tháng năm 2007 vì tội xâm nhập điện thoại của các trợ lý hoàng gia), bị gọi trở lại thẩm vấn vì nghi đã hối lộ giới chức Anh. Tờ Telegraph thì đưa tin rằng, nhiều khả năng, ông Andy Coulson sẽ bị cáo buộc đã giúp Clive Goodman móc ngoặc với giới chức cảnh sát và một số thành viên trong chính quyền các địa phương ở Anh để "làm chìm xuồng" các cuộc điều tra nghe lén điện thoại nhằm vào News of the World. Còn bà Rebekah Brooks thì giữ cương vị Tổng biên tập News of the World từ 2002-2003 và hiện là Giám đốc điều hành công ty News International.

Nhiều nhà phân tích nhận định, scandal nghe lén ở News of the World đã tạo một cơn sóng lớn trên chính trường Anh và là cú đánh mạnh vào văn phòng Thủ tướng David Cameron. Từ chiều 7-7, ông David Cameron đã liên tục vấp phải chỉ trích từ lãnh đạo Công đảng đối lập Ed Mililband. Nhiều chính trị gia khác còn yêu cầu ông David Cameron thừa nhận "mắc sai lầm về đánh giá" khi thuê Andy Coulson làm Gám đốc truyền thông.

Hãng CNN bình luận, vụ việc có thể gây ra những tổn hại về chính trị khó lường với Thủ tướng Anh bởi ông Ed Miliband đang đề nghị ông David Cameron phải "minh bạch" về những gì ông đã trao đổi với Coulson về các vụ ăn cắp thông tin qua điện thoại, trước và sau khi bổ nhiệm ông này làm Giám đốc truyền thông.

Để cứu vãn tình thế, hôm 8/7, Thủ tướng David Cameron đã buộc phải tuyên bố mở hai cuộc điều tra về vụ nghe lén điện thoại của tờ News of the World. Cuộc điều tra thứ nhất là nhằm tìm hiểu tận cùng sự việc nghe lén ở News of the World do một thẩm phán đứng đầu. Cuộc điều tra thứ hai tập trung vào văn hóa, thông lệ và đạo đức của báo chí Anh mà cụ thể là cách thức quản lý của các tờ báo.

Và động thái của News Corporation

Ngay trước khi bay tới London để chuẩn bị cho cuộc giải trình với giới chức Anh và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh sau vụ bắt giữ 3 cựu Tổng biên tập Clive Goodman, Andy Coulson và Rebekah Brooks, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cho biết sẽ đóng cửa tờ báo News of the World. Phải nói đây là cú sốc mạnh đối với đội ngũ nhân viên gồm 200 người của tờ báo bởi News of the World không chỉ là tờ báo lá cải nổi tiếng mà còn là một trong những tờ báo lâu đời ở Anh với 168 năm tuổi. Người ta ước tính, việc đóng cửa tờ News of the World sẽ khiến News Corporation bị thiệt hại tới gần 3 tỷ USD tiền quảng cáo.

Các nhân viên làm việc ở tờ News of the World an ủi nhau sau khi có tuyên bố đóng cửa tờ báo 168 năm tuổi này.

Cổ phiếu của tập đoàn này vì thế cũng bị giảm tới 3,2% khi vụ việc được báo chí đăng tải. Ngoài ra, tập đoàn News Corporation còn phải đối mặt với việc bồi thường cho những nạn nhân vụ nghe lén điện thoại. Hiện diễn viên điện ảnh Sienna Miller là người đầu tiên được bồi thường với khoản tiền 160.000 USD và hơn 200 đơn kiện khác có thể khiến News Corp mất thêm 32 triệu USD nữa. Cái lo nhất của tỷ phú Rupert Murdoch hiện nay là News Corporation còn có thể bị nhà chức trách Anh thu hồi giấy phép và đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng tháng xung quanh bê bối này.

Theo kế hoạch, tờ News of the World phát hành số cuối cùng vào ngày chủ nhật 10/7 và toàn bộ lợi nhuận thu được từ số này sẽ được dành cho mục đích từ thiện. Tuyên bố này được coi là một nỗ lực để ngăn không cho cuộc khủng hoảng lan từ News of the World ra cả "đế chế" Murdoch. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, đó có thể chỉ là một chiêu PR của tập đoàn News Corporation để chuẩn bị kế hoạch "bình mới rượu cũ".

Hôm 5/7, hãng BBC cho biết, trước khi ông Rupert Murdoch tuyên bố khai tử News of the World, ấn phẩm từng được coi là "quả trứng vàng" của tập đoàn, một công ty giấu tên đã đăng ký tên miền cho 2 địa chỉ website thesunonsunday.co.uk và thesunonsunday.com. Nhiều người cho rằng, đây có thể là "bến đỗ" mới cho 200 nhân viên của News of the World sau khi tờ báo này ra số cuối cùng vào ngày 10/7. 

Tờ News of the World xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/10/1843 tại London (Anh) với giá 3 xu (tương đương với 1,04 bảng theo tỷ giá ngày nay) và là tờ báo rẻ nhất tại Anh thời kỳ đó với nội dung hướng tới tầng lớp lao động. Những năm 1950, News of the World từng là tờ báo bán chạy nhất thế giới với xấp xỉ 9 triệu bản/kỳ. Năm 1969, tờ báo được chuyển giao cho News International của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và việc này đã làm thay đổi mọi thứ. Quan tâm của tờ báo tới đời tư của các nhân vật nổi tiếng cũng bắt đầu từ đây.

Australia: Đảng Xanh kêu gọi thẩm tra các cơ quan báo chí thuộc tập đoàn News Corporation

Ngày 9/7, lãnh đạo đảng Xanh ở Australia, Thượng nghị sĩ Bob Brown kêu gọi chính phủ mở cuộc điều tra về những cơ quan báo chí của nước này mà tập đoàn News Corporation nắm cổ phần.

Đồng thời, Thượng nghị sĩ Bob Brown cũng yêu cầu Bộ trưởng Thông tin truyền thông Stephen Conroy phải có quy chế kiểm soát báo chí để tránh lặp lại vụ scandal giống như bê bối nghe lén điện thoại của tờ News of the World tại Anh.

Tỷ phú Rupert Murdoch là người Mỹ gốc Australia và đã thành lập ra "đế chế" truyền thông News Corporation. Hiện ông đang nắm cổ phần của một số tờ báo của Australia như The Australian, Sky New Australia.

Huyền Chi
.
.
.