Sở cảnh sát Anh sẽ giúp điều tra vụ ám sát bà Bhutto

Thứ Sáu, 04/01/2008, 10:43
Cuối cùng Tổng thống Pervez Musharraf buộc phải chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của Anh trong việc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Các chuyên gia Anh đang quan ngại về những tài liệu, bằng chứng cũng như hiện trường mà họ sẽ tiếp xúc không còn được "nguyên bản" bởi nhiều bằng chứng đã biến mất một cách khó hiểu.
>> Đã xuất hiện những rạn nứt trong dòng họ bà Bhutto

Thủ tướng Gordon Brown đã chấp thuận cử một đội điều tra từ Sở Cảnh sát Anh (Scotland Yard) đến Pakistan để giúp những người đồng nghiệp nước này tìm lời giải đáp về nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà Benazir Bhutto, cũng như những vấn đề liên quan tới vụ án này.

Ngoại trưởng Anh David Miliband cho biết, đội điều tra gồm những nhân viên thuộc Ủy ban chống khủng bố của Scotland Yard sẽ tới Pakistan vào cuối tuần này.

Giới chuyên môn cho biết, các chuyên gia Anh đang quan ngại về những tài liệu, bằng chứng cũng như hiện trường mà họ sẽ tiếp xúc không còn được "nguyên bản" bởi nhiều bằng chứng đã biến mất một cách khó hiểu.

Thiếu tướng về hưu Hamid Gul, cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Pakistan cho biết, ông hoàn toàn bị sốc khi thấy mọi người dọn dẹp hiện trường sau vụ ám sát nhanh đến như vậy - những vũng máu cùng bằng chứng có thể có như đầu đạn và mẫu ADN của kẻ đánh bom liều chết cùng nhiều dấu vết khác đã bị dọn sạch sẽ tại hiện trường.

Và muốn biết nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của bà Benazir Bhutto buộc họ phải đào mộ và tiến hành khám nghiệm tử thi, song điều này hiện vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của gia đình cựu Thủ tướng.

Bộ trưởng Nội vụ Hamid Nawaz cũng đã đưa ra lời xin lỗi về việc vội vàng kết luận nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà Benazir Bhutto, dẫn tới những căng thẳng, tranh cãi vừa qua.

Theo một phụ tá cấp cao của bà Benazir Bhutto, đúng ngày cựu Thủ tướng bị sát hại, bà đã lên kế hoạch đưa cho 2 nhà soạn luật Mỹ một bộ hồ sơ tư liệu dài 160 trang buộc tội chính quyền Pakistan gian lận trong các cuộc bầu cử.

Trước đó từng có tin nói rằng, bà Benazir Bhutto dự định tiết lộ những bằng chứng xung quanh việc cơ quan tình báo Pakistan định gian lận trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo đó người của cơ quan tình báo sẽ in phiếu bầu lựa chọn đảng Liên đoàn Hồi giáo PML-Q ủng hộ ông Musharraf ở 100 địa điểm bầu cử.

Chính tiết lộ này khiến nhiều người đặt câu hỏi, không biết cái chết của bà Benazir Bhutto có liên quan gì tới việc giao nộp tập hồ sơ kể trên.

Sự thay đổi thái độ của chính phủ Pakistan trong vấn đề này đã làm giảm bớt những tiếng nói chỉ trích, cũng như sự chống đối của đảng Nhân dân Pakistan và phe đối lập trong việc mời Liên hợp quốc tham gia điều tra vụ sát hại bà Benazir Bhutto. Mỹ đã lập tức có phản ứng về quyết định của Tổng thống Pervez Musharraf, theo đó một cuộc điều tra riêng của Liên Hiệp quốc nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Benazir Bhutto là chưa cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù lên tiếng ủng hộ quyết định của Tổng thống Pakistan, nhưng Nhà Trắng không bình luận về việc ông Pervez Musharraf đã từ chối sự giúp đỡ của Mỹ, nhận lời với Anh. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Ross Feinstein, cơ quan này hiện vẫn chưa có kết luận gì xung quanh kẻ chủ mưu vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Tổng thống Pervez Musharraf cũng cho biết, cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 8-1 buộc phải hoãn lại vào ngày 18/2 bởi nhiều điểm bỏ phiếu và phiếu bầu đã bị hỏng trong các cuộc bạo động diễn ra sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Ngoài ra, ông Pervez Musharraf cũng đã thành lập một ủy ban đặc biệt để nhận dạng những kẻ gây ra các cuộc bạo động khiến hàng chục người chết, hàng trăm người khác bị thương.

Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Pakistan Qazi Muhammad Farooq đã công bố quyết định kể trên sau khi tham khảo ý kiến của các nhân viên trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, PPP lại cho rằng lý do mà Ủy ban Bầu cử đưa ra là hoàn toàn không có cơ sở - chủ yếu mang động cơ chính trị và muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt nhằm tranh thủ tình cảm của cử tri sau cái chết của bà Benazir Bhutto.

Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif cũng có quan điểm tương tự và khẳng định đảng của ông vẫn tham gia tranh cử cho dù từng tuyên bố tẩy chay. Phe đối lập ở Pakistan cho rằng, chính phủ trì hoãn cuộc bầu cử để công chúng nguôi giận về vụ ám sát bà Benazir Bhutto, nhằm tránh nguy cơ thất bại cho đảng cầm quyền.

Hiện cơ quan chức năng Pakistan đã công bố mức thưởng trị giá 10 triệu rupee (khoảng 164.000 USD) cho ai cung cấp được danh tính của hai kẻ thực hiện vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Về phần mình, tân Chủ tịch PPP Bilawal Bhutto Zardari vừa thừa nhận mình không phải là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, nhưng sẽ quyết tâm hoàn thành sứ mệnh bất chấp hiểm nguy. Bilawal Bhutto Zardari không những lên tiếng bảo vệ cha trong việc giữ chức đồng chủ tịch PPP, mà còn khẳng định không trốn tránh trách nhiệm, nhưng sẽ làm việc này sau khi học xong.

Điều này giải thích vì sao ông Asif Ali Zardari, chồng bà Benazir Bhutto lại được cử giữ chức đồng Chủ tịch PPP bởi trong thời gian Bilawal Bhutto Zardari hoàn tất chương trình học tập tại Anh, phải có người điều hành đảng Nhân dân Pakistan.

Được biết, cảnh sát Anh và các chuyên gia an ninh thuộc MI-5 đã lên kế hoạch bảo vệ Bilawal Bhutto Zardari sau khi có những quan ngại về khả năng tân Chủ tịch PPP sẽ bị ám sát khi quay trở lại tiếp tục học tập tại Trường Đại học Oxford

Quốc Trung
.
.
.