Singapore bước sang trang sử mới

Thứ Sáu, 11/09/2015, 09:03
Ngày 11/9, lần đầu tiên trong 60 năm trưởng thành và phát triển, Singapore tổ chức cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội khóa XIII, đồng thời giới thiệu thế hệ lãnh đạo thứ tư và thứ năm cho đất nước, mà thiếu vắng nhà lập quốc Lý Quang Diệu. Từ đó, đặt “Quốc đảo sư tử” đứng trước một giai đoạn lịch sử mới với những thay đổi lớn.

Cuộc tổng tuyển cử năm nay là một trong những cuộc bầu cử cạnh tranh nhất trong những năm gần đây tại Singapore với hai “vận động viên” chính là đảng Lao động (WP) - đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội hiện nay - và đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. 

Với cương lĩnh tranh cử “Vì các bạn, vì các bạn, vì Singapore”, các nhà lãnh đạo PAP khẳng định những vấn đề mà người dân đang phải đối mặt - gồm chi phí y tế, nhà ở, việc làm, tuyển dụng lao động, giáo dục và sức ép thu nhập trung bình - chính là điều họ tìm cách giải quyết.

Bên cạnh đó, PAP cũng cho rằng, người dân Singapore “cần thực tế, dám đối mặt với thực tại và đưa ra những giải pháp mới” để giải quyết các mối đe dọa trong tương lai đối với “đảo quốc Sư tử”. Các mối đe dọa này là những thách thức trong nước khi xã hội trở nên khác biệt hơn, những thách thức bên ngoài như triển vọng kinh tế toàn cầu bất định, sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tác động của công nghệ đối với việc làm và những mối đe dọa như cực đoan và khủng bố. 

Trong khi đó, WP tập trung vào những vấn đề như giá trị cốt lõi của Singapore, an ninh kinh tế, củng cố giáo dục, gia đình và phúc lợi xã hội, nhà ở và đô thị, vấn đề quản trị cũng như quan hệ đối ngoại. Điều này được thể hiện rõ từ trong cuộc vận động bầu cử. Khi đó, Tổng Thư ký WP Low Thai Khiang đã nói tới việc đảng cầm quyền không giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội.

Ông kêu gọi dân chúng dồn phiếu cho đảng ông để tăng cường sức mạnh của phe đối lập tại quốc hội: “Đảng WP tin rằng, điều quan trọng cho sự khởi đầu sắp tới của Singapore là một nước Singapore có sự đại diện cân bằng. Chúng tôi tin tưởng vào việc tăng thêm sức mạnh cho công dân Singapore để họ nắm giữ một vai trò trong việc đạt được những mục tiêu hạnh phúc, thịnh vượng và tiến bộ cho đất nước chúng ta”.

Người ủng hộ đảng PAP (phải) và đảng WP tại Fengshan Nomination Centre. Ảnh: The Strait Times.

Bên cạnh đó, áp dụng “chiến lược khu vực bầu cử quốc gia” từng đưa WP đến thành công trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, năm nay, WP chỉ đặt mục tiêu giành được 28/89 ghế Quốc hội. Tuy nhiên, mục tiêu khiêm tốn này của WP lại là thách thức với PAP. Theo đó, PAP chắc chắn giành đa số tuyệt đối. Nếu không sẽ phương hại tới khả năng của họ để thực hiện các chính sách. Tuy nhiên, để làm được việc này, không còn cách nào khác, PAP phải tìm cách giải quyết những mối quan tâm của cử tri, để thu hút họ.

Nhà kinh tế cấp cao Daniel Martin của Tổ chức Nghiên cứu Capital Economics cho rằng PAP đã làm được việc này. Còn Giáo sư Chính trị học Bill Cae của Đại học Thành thị Hong Kong (City University of Hong Kong) thì khẳng định “chắc chắn PAP sẽ thắng một cách áp đảo”.

Cũng theo Giáo sư Cae, cuộc bầu cử này “là một sự đo lường về sự hài lòng hoặc không hài lòng của người dân”, hay nói cách khác, là sự đánh giá về chính sách xoay trục của chính phủ với mô hình kinh tế dựa trên hai nhân tố: giảm lao động nước ngoài và đổi mới, phát triển. Thực tế cho thấy, quá nhiều người dân Singapore bức xúc về tình trạng dân cư quá tải ở “đảo quốc Sư tử”. Từ tổng số bốn triệu dân năm 2000, tới nay, dân số của Singapore đã lên tới 5,5 triệu dân, tăng 1,5 triệu chỉ trong 15 năm với rất nhiều lao động nước ngoài. Đây là kết quả của tình trạng người lao động nước ngoài ùn ùn đổ về “đảo quốc Sư tử” trong những năm qua.

Cùng với đó, giới chính khách cũng như giới chuyên gia kinh tế của Singapore ngày càng thống nhất quan điểm: nền kinh tế của Singapore đã đủ sức thoát khỏi mô hình kinh tế của nước đang phát triển để tập trung đổi mới và giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á Hozefa Topiwalla tới từ hãng dịch vụ tài chính toàn cầu Morgan Stanley, điều mà Singapore đang hướng tới là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn Singapore là nơi đặt các trụ sở chính toàn cầu của họ, chứ không chỉ dùng nơi này làm địa điểm cho các chi nhánh hay văn phòng đại diện của khu vực châu Á.

Theo Giáo sư Linda Lim, chuyên gia kinh tế chính trị khu vực Đông Nam Á của Đại học Michigan (Mỹ), các doanh nghiệp trong nước sẽ phải giảm phụ thuộc vào những chính sách ưu đãi thuế và các khoản tài trợ hào phóng của Singapore, phụ thuộc nhiều hơn vào những lợi thế tự nhiên của chính họ. Còn trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế tự do, các doanh nghiệp sẽ phải đặt tại Singapore những hoạt động kinh doanh phù hợp với đặc điểm tài nguyên của nước này - những lợi thế so sánh và những lợi thế cạnh tranh như: cơ sở hạ tầng, các tổ chức doanh nghiệp và vị trí địa lý.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.