Sẽ ra tuyên bố chung Thượng đỉnh liên Triều?

Thứ Tư, 03/10/2007, 09:12
Dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều bởi nó diễn ra trong bối cảnh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đạt được những bước tiến quan trọng vì CHDCND Triều Tiên đã cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân.

Sau 3 tiếng rưỡi chạy xe từ Seoul tới Bình Nhưỡng, đoàn đại biểu gồm khoảng 300 người (13 quan chức cấp cao, 137 trợ lý và cố vấn, 50 nhà báo cùng 98 nhân viên phục vụ) do Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã có mặt tại hội trường văn hóa (Cung văn hóa 25/4) ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã tổ chức lễ đón chính thức ở đây.

Cả Tổng thống Roh Moo-hyun và đệ nhất phu nhân Kwon Yang-suk cùng đoàn đại biểu đã thực sự bất ngờ bởi họ được đón tiếp tại một địa điểm không báo trước. Theo dự kiến, lễ đón chính thức sẽ được tổ chức tại Đài kỷ niệm ở cửa ngõ của thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng đã được thay đổi vào phút cuối.

Tổng thống Roh Moo-hyun và phu nhân hiện đang nghỉ tại nhà khách chính phủ Paekhwawon.

Phát biểu khi đi bộ qua biên giới liên Triều, Tổng thống Roh Moo-hyun đã cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tại khu phi quân sự và giới tuyến (khu phi quân sự chiều dài 243 km và rộng 4 km), Tổng thống Roh Moo-hyun đã phát biểu: Tôi hy vọng sau khi bước qua giới tuyến này, sẽ ngày càng có nhiều người hành động như tôi. Giới tuyến này sẽ được xoá bỏ và bức tường ngăn cách hai miền sẽ sụp đổ.

Trước đó (1/10) Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jae-Joung cũng cho biết, Tổng thống Roh Moo-hyun sẽ kêu gọi Chủ tịch Kim Jong-il thực hiện chính xác thoả thuận mới nhất giữa 6 nước về việc vô hiệu hoá chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu trước chuyến đi, Tổng thống Roh Moo-hyun nhấn mạnh, mục tiêu trong chuyến công du lần này là đạt được một thoả thuận hòa bình mang tới sự ổn định, cùng phát triển kinh tế với CHDCND Triều Tiên.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều bởi nó diễn ra trong bối cảnh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đạt được những bước tiến quan trọng vì CHDCND Triều Tiên đã cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân.

Giới bình luận nhận định, so với cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều trước đây (tháng 6/2000), cuộc hội đàm lần này có nhiều điểm tích cực và thiết thực hơn, do đó nhiều người đã lạc quan cho rằng, 2 bên có thể ra tuyên bố chung.

Theo giới truyền thông, cho đến nay những bất đồng xung quanh nội dung thảo luận giữa Tổng thống Roh Moo-hyun và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã được thu hẹp đáng kể trước khi chính thức bước vào hội đàm.

Mặc dù Mỹ là một bên trong thoả thuận đình chiến chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên có thể sẽ đạt được nhận thức mới (cơ chế hoà bình cho bán đảo Triều Tiên) thay thế cho thoả thuận kể trên về vấn đề này.

Đây được coi là đột phá khẩu, mở ra những thoả thuận tiếp theo như phân định lại lãnh hải phía Tây (theo yêu cầu của CHDCND Triều Tiên), cũng như hỗ trợ và đầu tư vào một loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (tái thiết cảng biển, xây dựng các khu công nghiệp...) và khai thác mỏ bởi CHDCND Triều Tiên là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản nhưng thiếu các thiết bị khai thác.

Ngoài ra, vấn đề nối lại các tuyến đường sắt liên Triều, đoàn tụ gia đình, du lịch cũng sẽ được đề cập trong cuộc hội đàm lần này. Chính phủ Hàn Quốc cũng dự kiến thảo luận việc hoạch định và phát triển đặc khu Tan-chơn, phát triển đặc khu kinh tế Tân Nghĩa Châu, thành lập khu công nghiệp thông tin gần Bình Nhưỡng…

Vấn đề được coi là gai góc và khó đạt được đồng thuận nhất - vũ khí hạt nhân và nhân quyền, bắt cóc và tù binh chiến tranh tuy cũng được nêu ra, song sẽ được hai nhà lãnh đạo đề cập một cách "có hạn chế".

Theo đó Hàn Quốc không tạo thêm sức ép với CHDCND Triều Tiên ngoài những gì đã thoả thuận xung quanh vấn đề nhạy cảm này. Giới phân tích cho rằng, cho dù cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có đạt được nhiều thoả thuận, thậm chí ra được tuyên bố chung, song vẫn còn nhiều điều phải làm.

Kể từ khi "Chính sách ánh dương" do cựu Tổng thống Kim Dae-jung khởi xướng đến "Chính sách Hòa bình và Thịnh vượng" của Tổng thống Roh Moo-hyun, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đều thực hiện theo tôn chỉ hoà giải, thống nhất từ từ, không nóng vội và điều này đã thành công.

"Chính sách Hòa bình và Thịnh vượng" của Tổng thống Roh Moo-hyun có nhiều điểm tương đồng đối với chính sách mà CHDCND Triều Tiên đang theo đuổi - mong muốn tiến tới thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, thông qua cơ cấu liên bang, duy trì bộ máy lãnh đạo và hệ thống của mỗi bên.

Tổng thống Roh Moo-hyun sẽ cố gắng thuyết phục Chủ tịch Kim Jong-il ký tuyên bố Hòa bình

Quốc Trung
.
.
.