Sáp nhập Crimea, Nga đối mặt với nguy cơ “chiến tranh kinh tế”

Thứ Năm, 20/03/2014, 09:11
Hôm 18/3, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch họp khẩn nhóm G7 và đe dọa khai trừ Nga khỏi nhóm G8. Trong khi đó, ông Putin vẫn khẳng định không có ý định sáp nhập thêm các đơn vị hành chính khác của Ukraine và rằng, Nga không chấp nhận những biện pháp trừng phạt vô lý của Mỹ và phương Tây.
>> Crimea chính thức gia nhập Liên bang Nga

“Lá bài” G8

Phát biểu trước báo giới hôm 18/3, phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden cho biết, chỉ vài phút sau khi lễ ký kết giữa nhà lãnh đạo Nga và Crimea được tiến hành, Tổng thống Barack Obama đã điện thoại mời các lãnh đạo đồng minh họp khẩn cấp bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân vào tuần tới ở Hà Lan để thảo luận về các hành động đối phó với diễn biến căng thẳng ở Ukraine.

Nội dung của cuộc họp tập trung vào tình hình ở Ukraine và những đối sách cần thiết đối với Nga, nhất là sau khi Crimea gia nhập nước này. Trước đó, trong một động thái được coi là nhằm gây sức ép lên chính quyền Moskva trong vấn đề Crimea, các nhà lãnh đạo G8 đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga. Thông tin này sau đó được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công bố và xác nhận.

Tuy nhiên, hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho vẫn khẳng định, Nga là thành viên của nhóm G8 và rằng, chỉ hoãn các công tác chuẩn bị của các nước phương Tây trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi.

Đồng quan điểm này, Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini còn tuyên bố, cơ cấu của G8 không bị phá bỏ. Về phần mình, Nga chỉ nhấn mạnh, nếu quyết định đình chỉ tư cách thành viên G8 của Nga là có thật thì đây là một quyết định vô căn cứ.

Có thể thấy rằng, cuộc đối đầu hiện nay giữa Nga - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, Nga đang chịu những áp lực kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ - EU, nhất là khi các nước này thực hiện một loạt lệnh cấm vận nhằm vào Moskva. Sau Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, đến lượt Anh chính thức ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga từ ngày 18/3. Australia thì áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm nhập cảnh từ ngày 19/3 đối với 12 quan chức liên quan tới việc sáp nhập Crimea vào  Nga… Ông Konstantin Chernyshev, Giám đốc nghiên cứu của Công ty tài chính Uralsib ở Moskva nhận định: “Các lệnh trừng phạt sẽ tác động mạnh vào hệ thống tài chính, nền kinh tế, thị trường, và các công ty lớn nhất của Nga. Chúng tôi không loại trừ khả năng kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái và đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng nền kinh tế này trong bối cảnh cuộc đối đầu đang tiếp tục căng thẳng”.

Giới phân tích nhận định, chỉ trong vòng một vài tuần, Nga - từ chỗ được xem là một trong những thị trường mới nổi có độ vững vàng cao hơn trước việc Mỹ cắt giảm gói kích thích QE3 -  có thể trở thành một trong những quốc gia mới nổi có mức độ dễ bị tổn thương cao nhất.

Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa và nỗi lo về kinh tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tuyên bố, các âm mưu của phương Tây dọa trừng phạt Nga liên quan đến việc nước này ký Hiệp ước tiếp nhận Crimea sẽ bị coi là hành động gây hấn và điện Kremlin sẽ trả đũa. Sáng 19-3, Hạ viện Nga đã phê chuẩn một kiến nghị "yêu cầu Mỹ và EU mở rộng lệnh trừng phạt lên 436 Nghị sỹ của Hạ viện". Bản kiến nghị cho biết, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ và quyết định của các Ngoại trưởng EU về việc áp đặt lệnh trừng phạt đã hạn chế quyền lợi của công dân Nga. Đây được coi là cách thể hiện của Nga, không lùi bước trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây và rằng, những lệnh trừng phạt trước đó của phương Tây cũng không hề có ảnh hưởng gì đến họ.

20 tàu chiến và tàu phụ trợ của Hải quân Ukraine có thể trở thành một phần của Hạm đội Biển đen sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.

Và “đòn gió” của Nga-Ukraine

Một mặt lo đối phó với những lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, mặt khác, Nga bắt đầu thực thi một số chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân nước này. Đầu tiên là các hoạt động tuần hành trên đường phố ở thủ đô Moskva và các thành phố lớn nhằm thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao của người dân Nga trước việc sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol.

Tiếp đó, Nga cũng trao nhiều quy chế hoạt động mới cho Crimea mà theo đó, khu vực này sẽ triển khai một số hoạt động đặc biệt để truy lùng kẻ bắn tỉa đã nổ súng vào các lực lượng tự vệ và quân đội Ukraine nhằm tìm xem ai là kẻ đứng đằng sau giật dây khiến tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên bất ổn. Vụ tấn công hôm 18/3 tại trung tâm nghiên cứu quân sự ở Symferopol, thủ phủ Crimea cũng được điều tra một cách tỷ mỉ bởi có ít nhất 2 người, trong đó một là binh sĩ Ukraine và một người thuộc lực lượng tự vệ địa phương đã thiệt mạng.

Thủ phạm được xác định là các tay súng đi trên 2 xe không biển số. Trong khi đó, Ukraine cũng biết lợi dụng cơ hội để thể hiện thái độ bằng một cuộc họp khẩn cấp trong nội các và Tổng thống tạm quyền Ukraine đã cho phép quân đội nước này đóng ở Crimea sử dụng vũ khí…

Từ đây một loạt tranh chấp mới lại nảy sinh. Ukraine đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ khi Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga, Đô đốc Vladimir Komoyedov cho biết, 20 tàu chiến và tàu phụ trợ của Hải quân Ukraine có thể trở thành một phần của Hạm đội Biển đen sau khi Crimea sáp nhập vào Nga. 20 con tàu này hiện đang neo đậu tại các căn cứ hải quân ở Sevastopol và vịnh Donuzlav ở Crimea. Đáp lại, chính quyền Kiev đe dọa quốc hữu hóa tài sản của Nga.

Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko nói: “Nếu Nga chính thức công nhận các hành động của Crimea thì Ukraine bảo lưu quyền áp dụng những bước đi thích hợp để bù đắp lại tổn thất này bằng việc quốc hữu hóa những tài sản thuộc sở hữu của Nga trên lãnh thổ Ukraine và các nước khác. Chúng tôi sẽ thực hiện việc đó đúng pháp luật Ukraine và quốc tế”. Tuy nhiên, ông Petrenko không nói rõ đó là tài sản gì cũng như phương cách Ukraine quốc hữu hóa tài sản của Nga ở các nước khác

Gia Nam
.
.
.