Xung quanh vụ bắt cóc Thủ tướng Libya Ali Zeidan ngay giữa khách sạn ở thủ đô Tripoli:

Quýt làm cam chịu

Thứ Sáu, 11/10/2013, 08:14
Chiều tối 10/10, Thủ tướng Libya Ali Zeidan đã được thả sau nhiều giờ đồng hồ bị giam giữ tại một nơi bí mật. Trước đó, ông Ali Zeidan đã bị một nhóm tay súng bắt cóc khi rời khỏi một khách sạn ở ngay giữa thủ đô Tripoli. Nhóm những người nổi dậy trước đây của Libya mang tên “Phòng tác chiến cách mạng Libya” (ORLR) đã lên tiếng nhận trách nhiệm và khẳng định đây là hành động nhằm phản đối việc Mỹ vô cớ bắt giữ một công dân nước này.
>> Thủ tướng Libya bị bắt cóc

Tội ác giữa thủ đô

Phải khẳng định ngay rằng, dù đưa ra bất kể một lý do nào thì ORLR cũng không thể biện minh cho hành động của mình. Việc bắt cóc người là một tội ác và nhất là khi người đó đứng đầu một chính phủ, đang chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của đất nước thì điều đó càng không thể chấp nhận được. Tin từ hãng Reuters cho hay, vụ bắt cóc xảy ra vào đêm 9/10, rạng sáng 10/10.

Khi đó, Thủ tướng Ali Zeidan đang nghỉ tại khách sạn Corinthia ở thủ đô Tripoli thì một nhóm người xông vào, tấn công vệ sĩ của ông và trùm bao tải dẫn ông lên một chiếc ôtô rồi đưa ông tới một nơi bí mật. Hai vệ sĩ của Thủ tướng Ali Zeidan cũng đã bị bắt cóc theo, bị đánh đập và thả ở giữa đường. Ngay sáng 10/10, Chính phủ Libya đã ra một thông báo ngắn về vụ bắt cóc này và khẳng định họ chưa nhận được thông tin nào về địa điểm giam giữ ông Ali Zeidan.

Bản đồ chỉ nơi khách sạn ở thủ đô Tripoli mà Thủ tướng Ali Zeidan bị bắt cóc.

Trợ lý báo chí của Thủ tướng cho biết, những kẻ bắt cóc đã chuẩn bị kỹ càng cho âm mưu này và thực hiện vụ bắt cóc một cách nhanh chóng. Vì thế, người ta không loại trừ khả năng bọn chúng đã có đồng bọn làm việc trong chính phủ, nắm rõ lịch hoạt động của Thủ tướng cũng như kế hoạch bảo đảm an ninh cho ông. Đến trưa 10/10, nhóm ORLR đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm, đồng thời giải thích lý do khiến họ bắt cóc Thủ tướng Ali Zeidan.

Nhóm này tuyên bố họ bắt giữ Thủ tướng Ali Zeidan sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận vai trò của Libya trong vụ Mỹ truy quét thành công Abu Anas al Liby – một trong những nhân vật quyền lực nhất của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Trên tài khoản ở trang mạng xã hội Facebook, ORLR còn cho biết thêm rằng, việc ông Ali Zeidan bị bắt được thực hiện theo lệnh của ủy viên công tố và căn cứ vào Bộ luật Hình sự của Libya.

17h ngày 10/10, một hãng thông tấn của Libya dẫn lời một quan chức Bộ Nội vụ nước này cho hay, Thủ tướng Ali Zeidan đang bị giam tại Cục chống tội phạm thuộc Bộ Nội vụ trong tình trạng "sức khỏe tốt và ông sẽ được đối xử tử tế như với một công dân Libya”. Một tiếng đồng hồ sau đó, ông Ali Zeidan đã được thả. Thông tin này cũng được văn phòng Thủ tướng Libya xác nhận.

Và sự can dự của Mỹ

Vụ việc xảy ra với Thủ tướng Ali Zeidan quả thực đã gây bất ổn an ninh tại quốc gia vốn vẫn chưa thực sự yên bình kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Moammar Gadhafi. Cộng đồng thế giới đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng bùng phát bạo lực một khi tính mạng của người đứng đầu chính phủ không được bảo đảm.

Thêm vào đó, nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi cũng cảnh báo về khả năng bùng phát bạo lực và sự gia tăng ảnh hưởng của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trong khu vực khi mà Mỹ liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. 

Trên thực tế, trước khi xảy ra vụ bắt cóc Thủ tướng Ali Zeidan, đã có nhiều tranh cãi giữa Libya và Mỹ về vụ đột kích quân sự tại thủ đô Tripoli và bắt giữ công dân mang tên Nazih al-Ragye, hay còn gọi là Abu Anas Al-Liby. Tên này bị Mỹ cho là thủ lĩnh hàng đầu của mạng lưới Al-Qaeda và bị truy nã vì dính líu tới các vụ đánh bom năm 1998 nhằm vào các Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania làm 244 người thiệt mạng. Trong khi Washington cho rằng việc bắt giữ là hợp pháp và đúng mục tiêu thì chính quyền Tripoli lại coi đây là hành động bắt cóc công dân.

Hôm 8/10, phát biểu trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Libya Salah al Marghani nói:“Chúng tôi đã nói rõ với Chính phủ Mỹ rằng đó là hành động bắt cóc công dân Libya, không phù hợp với luật pháp Libya. Chính phủ Mỹ thì đưa ra câu trả lời thông qua Đại sứ của họ rằng, việc bắt giữ được thực hiện theo lệnh của một tòa án”.

Quốc hội Libya cũng đã yêu cầu Mỹ trao trả đối tượng Nazih al-Ragye và nhấn mạnh rằng gia đình của al-Ragye phải được liên lạc với nhân vật này, đồng thời đảm bảo cho họ được phép tiếp cận với luật sư… Nhưng chỉ với một lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, mọi chuyện đã rẽ sang hướng khác và đây mới thực sự là “nỗi kinh hoàng” của Libya và là mối đe dọa lớn đối với các quốc gia khác trong khu vực.

Geoff Porter, một học giả chuyên về các vấn đề Bắc Phi nhận định, vụ bắt giữ Thủ tướng Ali Zeidan không chỉ là cú đánh đau vào hệ thống chính trị nước này mà qua đó, ORLR còn muốn thể hiện rằng, chính phủ đương nhiệm của Libya chưa đủ sức kiểm soát được tình hình trong nước và điều đó cũng cho thấy Libya còn quá nhiều bất ổn sau những biến cố chính trị có sự tác động từ bên ngoài

Gia Nam
.
.
.