Quyết định của Thủ tướng Thái Lan: Hạ nhiệt lò lửa

Thứ Tư, 11/12/2013, 09:00
Đêm 9/12, đề nghị của Thủ tướng Yingluck Shinawatra về việc giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 2/2/2014 đã được Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej chính thức phê chuẩn.
>> Thủ tướng Yingluck tuyên bố sẵn sàng từ chức

Đây có thể xem là động thái "nhượng bộ" để xoa dịu phe đối lập của vị Thủ tướng để "giảm nhiệt" tình hình căng thẳng chính trị trong nước, theo đúng như lời kêu gọi cả nước đồng lòng vì sự ổn định và an ninh của Quốc vương trong lễ sinh nhật thứ 86 của ông.

Thêm vào đó, trong một tuyên bố ngày 10/12, bà cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi các nhiệm vụ cải cách đất nước đang thực hiện dựa trên Hiến pháp cho tới khi một thủ tướng mới được bầu ra. Nhưng dường như, "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng".

Ngày 10/12, chỉ có khoảng 1.000 người Thái Lan tham gia biểu tình.

Bất chấp những nỗ lực giải tỏa căng thẳng của bà Yingluck Shinawatra, đêm  9/12, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tái khẳng định mục tiêu của người biểu tình không phải chỉ là giải tán quốc hội và kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình thêm 3 ngày.

Theo đó, ngày 10/12, các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn diễn ra. Người biểu tình tiếp tục bao vây tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok và nhấn mạnh chỉ giải tán chừng nào một Hội đồng nhân dân được thành lập theo đề xuất của họ. Thêm vào đó, "được thể lấn tới", vị cựu Phó Thủ tướng còn yêu cầu bà Yingluck cùng các bộ trưởng nội các phải từ chức trong vòng 24 giờ.

Về phần mình, trong một tuyên bố ngày 10-12, Thủ tướng Yingluck đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của phe đối lập đòi bà từ chức và tái khẳng định chính phủ của bà sẽ tiếp tục theo đúng vai trò chính phủ lâm thời Thái Lan cho tới khi cuộc bầu cử mới diễn ra vào tháng 2-2014, theo đúng như Hiến pháp quy định. Và với thái độ chân thành, bà cam kết với người dân Thái Lan sẽ bảo vệ nền dân chủ, đồng thời yêu cầu người biểu tình ngừng lên án gia tộc Shinawatra, rút khỏi các tuyến đường phố và kêu gọi phe đối lập hợp tác duy trì ổn định đất nước và chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới.

“Đòn cân não” này của vị Thủ tướng tạm quyền đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ trong nước cũng như từ cộng đồng quốc tế. Lãnh đạo đảng Pheu Thai, ông Charupong Ruangsuwan đã tuyên bố bà Yingluck sẽ là đại diện của đảng này làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào tháng 2/2014 và mọi thành viên của Pheu Thai sẽ bầu lại cho bà vì tất cả đều muốn bà trở lại làm Thủ tướng.

Ông Phumtham Vechayachai - Tổng thư ký đảng Pheu Thai cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ giải pháp để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày một căng thẳng hơn của bà Yingluck. Ông khẳng định không có lí do gì để đảng Dân chủ đối lập không tham gia cuộc bầu cử này cả. Về phía cộng đồng quốc tế, thay mặt Chính phủ New Zealand, Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully cho biết chính phủ nước này đặc biệt quan ngại những căng thẳng tại Thái Lan trong những tuần qua, qua đó bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh những động thái của bà Yingluck nhằm "hạ nhiệt lò lửa" trong nước. Đồng quan điểm với New Zealand là Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết bà Yingluck đã chọn được lối đi đúng khi giải quyết các bất đồng chính trị bằng phương pháp hòa bình và dân chủ.

Xét cho cùng, đây là lối thoát duy nhất của bà Yingluck. Sẽ không có thêm bất cứ lựa chọn nào khác vì nếu làm đúng theo yêu cầu của phe đối lập đòi bà từ chức, bà sẽ đẩy nước Thái vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ. Còn nếu bà tỏ ra quá cứng rắn, không chịu nhún nhường thì chắc chắn đất nước Thái Lan sẽ không tránh khỏi một cuộc nội chiến, và lịch sử sẽ được lặp lại giống như hồi năm 2006. Dù rằng vậy, nhưng tương lai của đất nước Thái Lan vẫn còn “mịt mù” và tình hình trong mấy ngày tới chắc vẫn tiếp tục “nóng”

Hà Khổng
.
.
.