Quốc tế lên án Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông

Thứ Bảy, 07/03/2015, 07:40
Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ lo ngại về tốc độ Trung Quốc tiến hành cải tạo các đảo đá nằm trong khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Mới đây nhất, giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ cảnh báo, các hành động này của Trung Quốc đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho khu vực. Trong khi đó, Philippines cũng đã tố cáo hành động này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Ngăn chặn hành động đơn phương

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters hôm 5/3, Tướng Vincent Brooks, Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, những hành động của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông còn đáng báo động hơn việc Bắc Kinh liên tục gia tăng trên 10% ngân sách quốc phòng mỗi năm. Tướng Vincent Brooks còn cảnh báo rằng, Trung Quốc đang cố biến những gì không thuộc chủ quyền của nước này thành của họ, biến cái không có thành có và buộc sự đã rồi để gây áp lực với các quốc gia láng giềng.

Đồng tình với quan điểm này của Tướng Vincent Brooks, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương David Shear tổng kết, trong hơn một năm qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo và mở rộng các đảo đá ở Biển Đông. Chỉ tính riêng trong 5 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng nhiều diện tích trên các thực thể chiếm giữ trên Biển Đông.

Việc làm này, theo quan điểm của ông David Shear, đang gây những hậu quả tiêu cực cho khu vực. Trong khi đó, chuyên gia Gregory Poling từ Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington D.C lại nhận định rằng, các hành động cải tạo của Trung Quốc nhằm phục vụ ý đồ có sự hiện diện lớn hơn tại Trường Sa. Ý đồ này có thể khiến các nước liên quan bị thiệt hại lớn hơn về lâu dài, biến các đảo ngầm thành các đảo hợp pháp…

Vậy phải làm gì để ngăn chặn những nguy cơ này? Theo chuyên gia Gregory Poling, cộng đồng thế giới phải sớm tìm kiếm cách thức thu hẹp biên giới tranh chấp hàng hải và kiểm soát một cách hòa bình các tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Trong vấn đề Biển Đông, các chuyên gia và học giả quốc tế đều khẳng định, ASEAN nên đóng một vai trò quan trọng để thúc đẩy các cuộc đàm phán, hỗ trợ các bên liên quan trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và cố gắng ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc bằng việc thể hiện một mặt trận thống nhất. Được biết, hồi cuối tháng 1 vừa qua, một số Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại về hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và thống nhất khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

Hãng thông tấn Bernama dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Seri Anifah Aman cho biết: “Các Bộ trưởng đã chỉ đạo các quan chức cấp cao tăng cường nỗ lực nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thống nhất nỗ lực hướng tới hoàn thiện sớm Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Những ngày gần đây, báo chí Trung Quốc đã cho đăng nhiều bức hình về hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông của nước này.

Bác bỏ yêu sách không có căn cứ

Trong tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp mở của Hội đồng Bảo an LHQ hồi cuối tháng 2 vừa qua, Phó đại diện thường trực của Philippines tại LHQ Irene Natividad Susan đã tố cáo về những công trình bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành tại Trường Sa.

Nhà ngoại giao Philippines nêu rõ, hành động này đe dọa trực tiếp tới Philippines và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, là một nguy cơ đến lĩnh vực an ninh và tàn phá môi trường, làm mất đi vĩnh viễn thế cân bằng sinh thái ở Biển Đông. Từ những thông báo cụ thể này, các học giả và chuyên gia thế giới đều khẳng định, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là muốn thực hiện hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ôm trọn Biển Đông. Nhưng đây là một yêu sách không có căn cứ, phi lý, cần bị bác bỏ và lên án.

Nhiều học giả khác còn chỉ ra rằng, cộng đồng thế giới cần phải tỉnh táo và ngăn chặn ngay việc Trung Quốc đang cố gắng diễn giải các bằng chứng lịch sử theo hướng có lợi cho họ, dùng lời lẽ để bao biện và dựng lên cái gọi là “quyền lịch sử” của “đường lưỡi bò”. Xét từ góc độ luật pháp quốc tế và các án lệ quốc tế thì quan điểm của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” là không có căn cứ.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Trung Quốc xây, bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho phép hoạt động đồn trú và sân bay quân sự, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, quan điểm của Việt Nam về việc này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó.   

Huyền Chi
.
.
.